22/01/2025 | 16:58 GMT+7, Hà Nội

Thủy sản chết hàng loạt, người dân Phú Yên thiệt hại gần 2,5 tỷ đồng

Cập nhật lúc: 13/08/2022, 12:42

Do ảnh hưởng của cơn bão số 2 (Mulan), hàng loạt con tôm hùm và cá nuôi tại thị xã Sông Cầu chết vì thiếu oxy và ngạt khí độc. Thiệt hại ước tính ban đầu khoảng 2,5 tỷ đồng.

Thiệt hại lên đến 2,5 tỷ đồng

Ngày 11/8, sau khi nhận được thông tin tôm hùm và cá tại thị xã Sông Cầu chết hàng loạt, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Sông Cầu tiến hành kiểm tra tình hình thực tế tại địa phương.

Theo thông tin ban đầu, tình trạng tôm hùm và cá nuôi chết xảy ra đột ngột từ ngày 10/8, thuộc vùng nuôi khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu. Số lượng ước tính có khoảng 29.240 con tôm hùm các loại/200 lồng nuôi và 1.220 con cá các loại/185 lồng nuôi (chủ yếu là cá mú và cá chẽm) bị chết với nhiều kích cỡ khác nhau. Thiệt hại ước tính ban đầu gần 2,5 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tôm, cá bị chết với các loại kích cỡ khác nhau. Theo thông tin kiểm tra, ngay sau khi phát hiện tôm, cá bị chết, người nuôi trong khu vực đã tiến hành biện pháp nâng lồng lên tầng nước trên. Hiện nay, tình hình tôm, cá nuôi trong khu vực này đã ổn định, không còn xảy ra tình trạng chết bất thường.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên cho biết, kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, diễn biến tình hình tôm, cá chết xảy ra trong khoảng thời gian ngắn, đột ngột; tôm, cá chết không có các dấu hiệu bệnh lý.

Thủy sản chết vì thiếu oxy, ngạt khí độc

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên, tình trạng tôm hùm và cá chết xảy ra trong thời gian ngắn và không có dấu hiệu bệnh lý, nguyên nhân là do ảnh hưởng cơn bão số 2, trong những ngày qua đã làm xáo động tầng đáy, cộng thêm trầm tích hữu cơ lâu năm tích tụ do chất thải của hoạt động nuôi trồng nên các loại khí độc ở tầng đáy thoát ra khiến tảo độc phát triển từ đó làm tôm, cá chết đột ngột vì thiếu oxy, ngạt khí độc.

Để hạn chế rủi ro do sự cố môi trường, người nuôi thủy sản cần chú ý không nuôi tôm, cá với mật độ dày, sang thưa mật độ nuôi để tránh hiện tượng bị thiếu oxy cục bộ tại lồng nuôi, không tăng số lượng lồng nuôi.

Bên cạnh đó, người nuôi phải thường xuyên vệ sinh lồng nuôi để tăng cường quá trình trao đổi nước; kiểm tra tình hình sức khỏe thủy sản nuôi, nhất là ban đêm, để phát hiện kịp thời sự cố xảy ra.

Khi phát hiện môi trường biến đổi bất thường hoặc thủy sản nuôi xảy ra hiện tượng ngạt, cần nhanh chóng tiến hành các biện pháp ganh lồng lên gần mặt nước; áp dụng các biện pháp tạo oxy (sục khí, viên tạo oxy) để tăng hàm lượng oxy hòa tan trong nước cho thủy sản hô hấp.

Trước đó, vào tháng 10/2021, ngư dân khu phố này cũng đã bị thiệt hại nặng vì tôm sốc nước ngọt chết hàng loạt.

Được biết, tỉnh Phú Yên là vùng nuôi tôm hùm lớn nhất nước. Trong đó, riêng thị xã Sông Cầu năm 2021, có 4.852 hộ nuôi tôm hùm với 58.695 lồng nuôi đạt sản lượng 1.050 tấn (sản lượng trung bình hàng năm đạt 1.000 tấn với giá trị từ 660 - 995 tỷ đồng/năm).

UBND thị xã Sông Cầu cũng đã ban hành các quy định về nuôi tôm hùm như: Nuôi đúng quy hoạch, đúng mật độ lồng nuôi cũng như mật độ số con trong một lồng nuôi, vệ sinh lồng nuôi để tăng cường quá trình trao đổi nước; thường xuyên theo dõi nước tại lồng nuôi của mình để điều chỉnh độ sâu thích hợp để tránh hiện tượng tôm, cá nuôi bị chết do thiếu oxy; đối với tôm đạt kích cỡ thương phẩm thì nên xuất bán thu hồi vốn giảm thiệt hại.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/thuy-san-chet-hang-loat-nguoi-dan-phu-yen-thiet-hai-gan-25-ty-dong-69980.html