22/01/2025 | 13:52 GMT+7, Hà Nội

Thương hiệu Việt và cuộc "lội ngược dòng" ngoạn mục

Cập nhật lúc: 18/09/2016, 06:06

Vừa qua, Brand Finance đã công bố Báo cáo Top 50 thương hiệu giá trị hàng đầu Việt Nam năm 2016 với con số đáng kinh ngạc khi mà tốc độ tăng trưởng trung bình của từng thương hiệu trong Top 50 là 20%, vượt xa các công ty thuộc các nước trong khối ASEAN có tốc độ tăng trưởng ổn định hoặc âm.

Cụ thể, tổng toàn bộ giá trị thương hiệu của các thương hiệu Top 50 đã tăng 39% chỉ trong vòng một năm. Điều này đã nêu bật sự tập trung vào việc làm thương hiệu của những thương hiệu hàng đầu.

Trong năm qua, nhóm ngành ngân hàng và viễn thông đã cho thấy kết quả ngoạn mục trong việc củng cố vị thế trong ngành ngân hàng và viễn thông toàn cầu.

Các thương hiệu Top 5 cũng đã có những hoạt động duy trì vị thế hàng đầu của mình, có thể thấy rõ ràng điều này khi Top 5 chiếm gần một nửa (47%) tổng giá trị thương hiệu của toàn bộ các công ty trongTop 50.

Giá trị của 10 thương hiệu Top đầu

Theo báo cáo của Brand Finance, Vinamilk là công ty Việt Nam mạnh nhất về giá trị thương hiệu và sức mạnh thương hiệu và là thương hiệu Việt Nam duy nhất có bảng xếp hạng AAA về sức mạnh thương hiệu.

Trong khi đó, Viettel Telecom lại là thương hiệu tiến bộ nhất với giá trị tuyệt đối.

Masan Consumer bất ngờ "lọt" vào Top 10 nhờ tăng doanh thu. Thương hiệu này đã tăng 4 vị trí trong bảng xếp hạng và nổi lên vị trí số 7 trong năm nay.

Vinacafe Bien Hoa là thương hiệu có giá trị vô hình cao nhất với giá trị thương hiệu là 58% so với tổng giá trị kinh doanh.
Coteccons đã đạt được mức tăng trưởng xếp hạng cao nhất, tăng 13 hạng (từ thứ 46 lên 33),chủ yếu do tăng doanh thu.

Theo ông Lai Tiến Mạnh, Đại diện thường trú của Brand Finance tại Việt Nam: “Việt Nam đang tiến tới quốc tế hóa ở tầm cao mới, bao gồm hiệu lực của Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Các doanh nghiệp trong nước cần thực hiện các biện pháp chuẩn bị cho sự xâm nhập của những thương hiệu quốc tế từ các quốc gia trong hiệp định thương mại tự do và thương hiệu cần được cân nhắc là một phần quan trọng trong việc chuẩn bị”.

Gần đây, Chỉ số sức mạnh thương hiệu (BSI) trung bình của các thương hiệu trong Top 50 Việt Nam là 60/100, với bảng xếp hạng thương hiệu A+.

Như vậy, so với các nước láng giềng trong khu vực, chắc chắn vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện.

Thay vì chỉ tập trung vào các khía cạnh giá trị mềm, chẳng hạn như sự nhận biết về nghiên cứu thị trường, sự than thiện và giới thiệu, Brand Finance khuyến nghị các công ty Việt Nam thực hiện phương pháp tổng thể hơn – đánh giá tương quan giữa đầu tư thương hiệu, giá trị và thực hiện kinh doanh.

Ông Mạnh cũng nói thêm: “Đang có một mức hoạt động Sáp nhập và Mua lại (M&A) hoàn toàn mới diễn ra ở các lĩnh vực khác nhau như bất động sản, nhóm hang tiêu dùng nhanh hoặc bán lẻ (FMCG)."

Samir Dixit, Giám đốc điều hành của Brand Finance Châu Á Thái Bình Dương cũng đã chỉ ra rằng: “Thương hiệu là các yếu tố tác động dẫn tới thành công quan trọng và vô hình lớn nhất, duy nhất đem đến lãi cổ phiếu và doanh số kinh doanh.

Nếu trên 50% giá trị công ty nằm trong tài sản vô hình, không quản lý thương hiệu như một tài sản kinh doanh chiến lược không phải là một sự lựa chọn mà là một sự cần thiết.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rõ ràng rằng thương hiệu có xếp hạng sức mạnh thương hiệu cao hơn thuộc loại AAA* có thuận lợi hơn gấp hai lần so với các thương hiệu có xếp hạng sức mạnh thương hiệu loại A."