19/01/2025 | 07:09 GMT+7, Hà Nội

Thuê giúp việc gia đình có phải ký hợp đồng lao động không?

Cập nhật lúc: 14/07/2019, 02:21

Giúp việc gia đình là một nghề có tính chất đặc thù được pháp luật công nhận. Do đó, khi thuê người giúp việc, người sử dụng lao động phải tuân theo các quy định.

Hỏi: Chị tôi mới xin làm giúp việc cho một gia đình. Mọi thỏa thuận về tiền lương và chế độ làm việc chỉ bằng miệng chứ không có hợp đồng lao động. Chủ nhà cũng đang giữ Chứng minh thư nhân dân của chị tôi. Tôi muốn hỏi như vậy có hợp pháp không?

(Bạn đọc Thanh Hiền - [email protected])

Hình thức hợp đồng ký kết với người giúp việc gia đình?

Hiện nay, giúp việc gia đình là một nghề có tính chất đặc thù được pháp luật công nhận. Do đó khi thuê người giúp việc, người sử dụng lao động phải tuân theo các quy định của Bộ luật Lao động năm 2012.

Khoản 1 Điều 180 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: Người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình.

Giup-viec-giadinhvietnam01

Giúp việc gia đình là một nghề có tính chất đặc thù được pháp luật công nhận (Ảnh minh họa)

Như vậy, hình thức của hợp đồng ký kết với người giúp việc gia đình bắt buộc phải bằng văn bản. Bởi tính chất đặc thù của công việc giúp việc gia đình là môi trường khép kín, do đó, việc ký kết hợp đồng bằng văn bản sẽ bảo đảm hơn quyền và lợi ích của người giúp việc gia đình. Việc người sử dụng lao động ký hợp đồng bằng miệng với chị bạn đã vi phạm các quy định của pháp luật về mặt Hình thức hợp đồng ký kết

Người sử dụng lao động giúp việc gia đình có được giữ giấy tờ tùy thân không?

Điều 183 Bộ luật lao động năm 2012 quy định “Những hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động.

 

… 3. Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động.”

Như vậy, người sử dụng lao động trong trường hợp này đã vi phạm điều cấm của pháp luật.

Xử lý vi phạm đối với NSDLĐ không tuân thủ quy định của pháp luật lao động

Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính Phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ( được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 88/2015/NĐ-CP ) quy định như sau:

- Phạt cảnh cáo đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình;

b) Không trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người giúp việc gia đình”.

Theo các căn cứ trên, chị bạn có thể yêu cầu chủ nhà ký hợp đồng lao động và trả lại chứng minh thư nhân dân.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Công ty Luật Đại Nam (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)