21/11/2024 | 18:51 GMT+7, Hà Nội

Thức trọn đêm ở “những thành phố không ngủ”

Cập nhật lúc: 14/09/2019, 12:00

Khi màn đêm buông xuống cũng là khi San Francisco, Amsterdam, Đài Bắc… không những không ngủ mà thậm chí còn sôi động, náo nhiệt hơn cả ban ngày.

Sự trỗi dậy của ngành kinh tế đêm nước Mỹ

San Francisco là thành phố lớn thứ 13 của nước Mỹ, tuy không lớn bằng 3 thành phố khác cùng ở California, thế mà mỗi năm lại đứng nhất hoặc nhì về số lượng du khách. Những hoạt động giải trí về đêm được tổ chức quy củ và đầy hấp dẫn đã biến San Francisco trở thành một điểm du lịch ăn khách bậc nhất nước Mỹ phồn hoa.

Khách du lịch tản bộ trên khu phố Pier39 (Ảnh: shutterstock)

Thành phố đầu tư thành lập cả một Ủy ban Giải trí chuyên quản lý hoạt động giải trí về đêm, bao gồm hơn 3.500 cơ sở giải trí, trong đó có những nhà hát sống động, những đoàn vũ ba-lê lâu đời nhất nước Mỹ, hàng chục triển lãm tranh ảnh, hàng ngàn nhà hàng chọn lọc, chuẩn “phong cách” San Francisco. Trong số đó, chuỗi nhà hàng chiếm tỷ lệ áp đảo tới 80%.

Theo báo cáo của Ủy ban này, doanh thu ngành công nghiệp giải trí về đêm năm 2015 là 6,0 tỷ USD, tăng 43% so với năm 2010.

Doanh thu từ các hoạt động ăn uống, giải trí đã đóng góp khoảng 80 triệu USD thuế địa phương trong năm 2015. Ngành dịch vụ 24/24 đã tạo công ăn việc làm cho 60.014 người, và con số này hứa hẹn ngày một tăng cao.

Amsterdam có “Thị trưởng đêm”

Khái niệm chán dường như không tồn tại với khách du lịch tại Amsterdam buổi đêm (Ảnh: Internet)

Khi đêm xuống, Amsterdam, thủ đô của Hà Lan là một thành phố tràn đầy năng lượng và không chút mệt mỏi. Đường phố trở nên tấp nập hơn, các quán bar dọc theo bờ kênh tràn ngập giới trẻ. Cũng nhờ thế, Amsterdam thu hút cỡ 17 triệu khách du lịch quốc tế hàng năm (nhiều hơn lượng khách quốc tế tới Việt Nam cả năm 2018).

Những người yêu phim có thể tới The Movies, sau đó xuống phố thưởng thức đồ uống ở nhà hàng và quán bar cạnh rạp. Nếu thích âm nhạc, tới Paradiso xem những màn trình diễn trực tiếp đầy sống động. Muốn tìm một không gian yên tĩnh, bạn có thể tới Wynand Fockink và nhâm nhi những ly rượu ngon nhất Hà Lan. Những người yêu thích cờ bạc có thể thử vận may tại Euweplein 62 và một sòng bạc nữa nằm ở sân bay Schiphol.

Hoạt động của các câu lạc bộ đêm được nới đến 8 giờ sáng, bar là 6 giờ sáng (Ảnh: Internet)

Ông Mirik Milan, Chuyên gia chính sách và đồng thời là “Thị trưởng đêm” của Amsterdam cho rằng: “Doanh thu từ các hoạt động về đêm đóng góp rất lớn cho kinh tế Amsterdam, đồng thời cũng giúp Amsterdam củng cố vị thế là một trong những thành phố sáng tạo nhất thế giới”.

“Thị trưởng đêm” cùng chính quyền thành phố đã đi đầu trong những sáng kiến giúp tối đa hóa hiệu quả của dịch vụ ban đêm mà vẫn bảo đảm cuộc sống bình thường của người dân thành phố. Không gian công cộng được cải tổ, giờ hoạt động của các câu lạc bộ đêm được nới đến 8 giờ sáng và các quán bar cho đến 6 giờ sáng để giảm tải lượng khách ồ ạt trong một thời điểm.

Chơi đêm “tới bến” ở Đài Bắc

Tại châu Á, Đài Bắc – Đài Loan cũng là một thành phố nổi danh từ lâu với hoạt động giải trí về đêm đầy hấp dẫn. Đài Bắc đã biến chợ đêm, vốn được coi là nét văn hóa đặc trưng của hòn đảo này, trở thành điểm nhấn hút khách du lịch.

Đài Bắc không hổ danh thiên đường giải trí đêm (Ảnh: shutterstock)

Những khu chợ đêm luôn đầy ắp các gian hàng buôn bán đủ loại mặt hàng từ quần áo cho đến đồ gia dụng. Rất nhiều gian hàng bán đồ ăn với các món cá viên chiên, tàu hũ chiên, cánh gà chiên, mì xào, bánh dứa, mỳ hoành thánh, trà sữa trân châu...

Ở đây du khách thỏa sức ăn chơi “tới bến”, thâu đêm suốt sáng (Ảnh: shutterstock)

Bar, pub, club ở Đài Bắc cũng cực kỳ sôi động. Phục vụ cho những buổi chơi đêm tới bến là những cửa hàng sách và cửa hàng tiện lợi được mở cửa suốt đêm. Với du khách ưa khám phá, phượt đêm bằng xe môtô lên Yangminshan ngắm cảnh chắc chắn sẽ là làm họ thỏa mãn.

Việc tận dụng những nét văn hóa đặc trưng, kết hợp với việc đầu tư cơ sở hạ tầng tiện lợi đã tạo nên một nhịp sống đêm đầy sôi động cho Đài Loan, giúp thu hút lượng khách du lịch ngày một tăng mạnh.

Sự sáng tạo, phong phú và độc đáo là điểm chung của nền kinh tế đêm San Francisco, Amsterdam và Đài Bắc. Họ đầu tư vào kinh tế ban đêm hết sức bài bản, trong đó, quy hoạch tập trung các tụ điểm giải trí và dịch vụ ban đêm vào một khu vực riêng để đảm bảo sự thanh bình cho phần còn lại của thành phố là một trong những biện pháp chiến lược.

Bùi ngùi nghĩ về… kinh tế đêm ở Việt Nam

Vốn được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, song Việt Nam lại gần như chưa có kinh tế ban đêm. Chỉ cần nhìn vào một trong những điểm sáng của du lịch Việt là “thủ phủ” Đà Nẵng, đủ thấy chúng ta đã lãng phí nguồn thu thế nào.

Chợ đêm Sơn Trà chưa để lại nhiều dấu ấn

Bà Hồ T.Minh, từng làm giám đốc một công ty du lịch hạng trung tại Đà Nẵng thừa nhận: các điểm vui chơi giải trí của Đà Nẵng rời rạc và không được quy tụ một cách chuyên nghiệp. Bà Minh nhận xét, chợ đêm ở Sơn Trà hơi xa trung tâm, mà đến 6 giờ chiều mới bắt đầu hoạt động, loay hoay đến 11 giờ đêm là vắng hoe, hàng quán đóng cửa hết. Chưa kể hàng hóa nghèo nàn và chủ yếu là hàng Trung Quốc, hàng nhái rẻ tiền.

“Cách tổ chức vui chơi về đêm của thành phố này có vẻ còn lúng túng. Cách quản lý dịch vụ còn mang nặng tính chất hành chính, bắt nhà hàng, quán bar, điểm vui chơi đóng cửa sớm, đồng nghĩa với việc “ép” khách về ngủ sớm”, bà Minh nhận định.

Các chuyên gia cũng sốt ruột với những đêm buồn tẻ của thành phố sông Hàn. PGS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch, Tổng Cục Du lịch cho hay: “Tôi cũng đã có đề xuất trong rất nhiều quy hoạch và ý tưởng phát triển, ngay kể cả Đà Nẵng về việc quy hoạch riêng khu kiểu như downtown để cung cấp đủ mọi dịch vụ về đêm gồm mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí... Đây sẽ là khu vực riêng để khách du lịch đến vui chơi về đêm. Điều này sẽ giúp thuận lợi hơn trong quản lý.”

Học tập cách quốc tế làm kinh tế đêm để chuyển mình, đó chính là cách để Đà Nẵng và các điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam nắm lấy “kho vàng đêm” đầy tiềm năng và làm cho nó sinh sôi nảy nở.