18/01/2025 | 15:05 GMT+7, Hà Nội

Thực hư việc FE Credit bị tố lừa đảo cho vay mua mỹ phẩm

Cập nhật lúc: 18/05/2018, 01:05

Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt nam Thịnh vượng (FE Credit) cho biết sẽ xem xét hủy hợp đồng tín dụng, giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho khách hàng vay tiền mua mỹ phẩm Deaura (hiện đổi tên thành Venesa) dù việc cho vay là hoàn toàn đúng luật.

FE Credit có lừa đảo cho vay mua mỹ phẩm?

Trước tình trạng một số khách hàng phản ánh việc Công ty TNHH Deaura (hiện đổi tên thành Công ty TNHH Venesa) và FE Credit lừa đảo khi cho vay mua bộ mỹ phẩm dưỡng da có giá trị hơn 40 triệu đồng, ông Kalidas Ghose - Tổng giám đốc FE Credit - cho biết công ty đã tiếp nhận và đang khẩn trương xem xét hỗ trợ các yêu cầu, khiếu nại của khách hàng trên tinh thần bảo vệ tối đa quyền lợi của khách hàng và tuân thủ pháp luật.

 

 

Cụ thể, trong trường hợp khách hàng yêu cầu hủy hợp đồng vay tiền mua sản phẩm mỹ phẩm của Deaura, phía FE Credit sẽ hỗ trợ xem xét đề hủy hợp đồng nhằm hỗ trợ, giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho khách hàng.

Tuy nhiên, ông Kalidas Ghose cũng khẳng định, việc khách hàng ra quyết định mua các sản phẩm của Deaura không liên quan gì đến FE Credit. FE Credit chỉ là đơn vị cung cấp vốn sau khi khách hàng và Deaura đã đạt được thỏa thuận mua bán với nhau.

Như vậy, việc FE Credit cho khách hàng vay vốn là hoàn toàn đúng luật. Bản thân FE Credit cũng không vi phạm nghĩa vụ nào tại hợp đồng vay tiền. Do đó, khách hàng yêu cầu hủy hợp đồng là không đúng với thỏa thuận giữa hai bên.

Thực tế, có thể thấy FE Credit hoàn toàn không có liên quan đến việc khách hàng có quyết định mua sản phẩm từ Deaura hay không. Bởi vậy, việc FE Credit có hủy hợp đồng vay vốn với khách hàng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ khách hàng của công ty chứ không vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, ông Ghose cũng chia sẻ về hoạt động thu hồi nợ của khách hàng vay tiền mua mỹ phẩm Deaura. Ông khẳng định FE Credit luôn tuân thủ các quy định pháp luật và quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công việc, một số nhân viên thu hồi nợ qua điện thoại đã có thái độ chưa phù hợp, vi phạm quy định của công ty về quy tắc ứng xử, gây ra những phiền hà không đáng có cho khách hàng.

“Chúng tôi đã có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các nhân viên vi phạm quy định thu hồi nợ”- ông Kalidas Ghose thông báo.

Người tiêu dùng cũng cần có trách nhiệm với quyết định của mình

Vụ việc lùm xùm quanh FE Credit và Deaura có thể được tóm tắt nha sau: Một số khách hàng, sau khi trải nghiệm thực tế, đã quyết định mua bộ mỹ phẩm của Deaura với hình thức trả góp thông qua hợp đồng vay tiền tại FE Credit. 

Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng bộ mỹ phẩm, một số người bị dị ứng, một số khác không có tiền chi trả hoặc bị gia đình phàn nàn nên họ yêu cầu trả lại sản phẩm, hủy hợp đồng vay tiền tại FE Credit.  

Sự việc này cho thấy sự nóng vội của khách hàng khi ra quyết định mua sản phẩm, đặc biệt là mua bằng hình thức trả góp khi bản thân mình không đủ khả năng trả nợ, không có kế hoạch trả nợ và cũng không thực sự phù hợp với sản phẩm mình định bỏ tiền ra mua.

 

Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng, bất cập lớn nhất hiện nay khiến nảy sinh mâu thuẫn giữa khách hàng và các công ty tài chính là do khách hàng không đọc kỹ hợp đồng, không tìm hiểu vấn đề trước khi đặt bút ký nên thường nghĩ mình bị lừa khi phải trả số nợ quá cao.

“Mặc dù lãi suất, thời hạn vay, điều kiện vay, công thức tính toán,... đều được thể hiện cụ thể trong hợp đồng, nhưng người vay ít quan tâm và không đọc kỹ thì sẽ không hiểu. Đến lúc phải trả nợ gốc và lãi, nhất là phải áp dụng chế tài phạt trả chậm thì khách hàng mới giật mình tưởng rằng bị lừa.”

Đồng quan điểm, theo TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, trên thực tế, các công ty tài chính đều phải tuân thủ quy định công bố đầy đủ thông tin về lãi suất và quy định trả nợ trước khi ký hợp đồng với khách hàng. Vì vậy, các khách hàng cần tìm hiểu kỹ lưỡng về khoản vay trước khi ra quyết định, tránh những hiểu nhầm đáng tiếc về sau.

Bên cạnh đó, điều này cũng thể hiện mặt bằng kiến thức tài chính tiêu dùng của nhiều người còn thấp, đặc biệt là những người dân sinh sống ở nông thôn, vùng khó khăn. 

Chính vì vậy, để tránh lặp lại những tình huống tương tự trong tương lai, không chỉ các công ty tài chính cần tôn trọng quy định pháp luật về công bố thông tin mà các khách hàng cũng cần phải tự có trách nhiệm với quyết định của mình, tránh việc “bút sa gà chết” khi chưa hiểu rõ điều khoản đã vội vàng ký hợp đồng vay vốn.