Thực hư thông tin can thiệp vào kết quả xét nghiệm sán lợn?
Cập nhật lúc: 18/03/2019, 09:00
Cập nhật lúc: 18/03/2019, 09:00
Ngày 15-3, theo ghi nhận của PV tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Hà Nội), có hàng trăm phụ huynh đã tự túc đưa các cháu nhỏ ở hai xã Mão Điền và Thanh Khương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) lên viện và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thăm khám.
Nghi ngờ can thiệp vào kết quả xét nghiệm sán lợn?
Theo phản ánh của một số phụ huynh, sáng cùng ngày có ông Lê Văn Nho, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thuận Thành (Bắc Ninh) cùng một số cán bộ có mặt tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.
Ngày 15-3, hàng trăm phụ huynh đã đưa con đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để thăm khám. |
“Đoàn cán bộ từ huyện Thuận Thành lên viện không thăm hỏi người dân đi khám bệnh mà trực tiếp làm việc với Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương. Chúng tôi nghi ngờ có sự nhờ vả, can thiệp vào kết quả xét nghiệm của các con”, một phụ huynh đưa con đi khám sán lợn cho hay.
Theo vị phụ huynh này, sau khi nhận kết quả xét nghiệm, con chị bị giun đũa chó mèo và âm tính với sán lợn. Tuy nhiên, vì nghi ngờ đoàn cán bộ nhờ vả tác động vào kết quả xét nghiệm nên chị sẽ đưa con sang Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương khám lại.
Chia sẻ trước nghi vấn can thiệp vào kết quả xét nghiệm, chiều 15-3, ông Lê Văn Nho nói: “Việc người dân nghi ngờ là không đúng, không bao giờ chúng tôi làm việc đó”.
Cùng chia sẻ về sự việc trên, ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thuận Thành (Bắc Ninh) cho hay, ngày 14-3, gia đình ông Cường ở Khương Tự, xã Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) có đưa 3 cháu lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương xét nghiệm và nhận kết quả 2 cháu dương tính với kháng thể sán lợn.
Tại đây, một số người nhận ra đoàn công tác của huyện Thuận Thành và đã có nghi ngờ về việc can thiệp vào kết quả xét nghiệm sán lợn. |
Khi nhận được thông tin như trên, về trách nhiệm của ngành y tế, muốn xem thực hư sự việc ra sao, nhiều người mắc hay không nên sáng 15-3, đoàn công tác gồm Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Thuận Thành, Trưởng phòng, nhân viên xét nghiệm, trưởng trạm y tế xã đã xuống nhà ông Cường đặt vấn đề.
“Chúng tôi thấy tình hình như thế, lo lắng về sức khỏe của người dân nên xin phép gia đình cho lấy mẫu máu để mang đi xét nghiệm xem có mắc hay không. Từ đó, có kiến nghị với lãnh đạo huyện Thuận Thành và Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh để có phương pháp điều trị cho người dân.
Sau đó, người nhà cho lấy máu và mang lên Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương nhờ xét nghiệm. Tại đây, chúng tôi đã gặp một số người dân ở huyện Thuận Thành lên xét nghiệm cho con. Tôi cũng nói với một số người, các bác cứ giữ mọi hóa đơn chứng từ, sau này cơ quan công an xác định chính xác nguồn bệnh và có người chịu trách nhiệm thì họ phải đền bù cho các bác.
Rồi tôi đi lên phòng bác sỹ Nguyễn Quang Thiều, Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương nhờ làm công tâm khách quan, phương pháp hiện đại nhất thì phục vụ người dân. Ngoài ra, nhờ viện có biện pháp điều tra dịch tễ học của Thuận Thành thực hư thế nào để chăm lo sức khỏe cho người dân phương án tốt nhất”, ông Mạnh chia sẻ.
Bác sỹ Nguyễn Quang Thiều, Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, trong ngày 15-3 đơn vị đã tiếp nhận xét nghiệm cho 135 trẻ có độ tuổi từ năm 2010 đến 2017. Qua kiểm tra ban đầu xác định có 13 trẻ cho kết quả dương tính với kháng thể sán lợn.
Theo lãnh đạo huyện Thuận Thành, GĐ BV đa khoa huyện Thuận Thành, đoàn công tác thực hiện việc khác và không có chuyện can thiệp vào kết quả xét nghiệm. |
“Việc người dân nghi ngờ can thiệp vào kết quả xét nghiệm là không thể. Tất cả quy trình xét nghiệm và ra kết quả là do máy làm, con người không thể can thiệp được.
Trong trường hợp, nếu có thể can thiệp thì chúng tôi cũng không bao giờ làm việc đó, không thể làm việc đấy. Bởi vì khi phát hiện bệnh thì điều tốt nhất là điều trị còn giấu bệnh thì còn nguy hiểm hơn vì bệnh vẫn phát triển và dẫn tới hậu quả khôn lường”, bác sỹ Thiều nói.
Trẻ bị ấu trùng sán lợn tấn công lên não sẽ ảnh hưởng đến việc học tập
Chia sẻ về nguồn lây nhiễm cũng như sự nguy hiểm của sán lợn khi xâm nhập vào cơ thể người, bác sỹ Thiều cho biết, sán lợn được chia làm 2 loại đó là ấu trùng sán lợn và sán trưởng thành.
Bác sỹ Nguyễn Quang Thiều, Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, việc người dân nghi ngờ can thiệp vào kết quả xét nghiệm là không thể. Tất cả quy trình xét nghiệm và ra kết quả là do máy làm, con người không thể can thiệp được. |
“Cả ấu trùng sán lợn và sán trưởng thành đi vào cơ thể đều qua con đường ăn uống. Đó là ăn phải trứng sán hoặc nang sán trưởng thành có trong rau sống, thịt sống, thịt tái…Sau đó khu trú trong cơ thể con người. Đối với ấu trùng sán lợn có thể sẽ tấn công não, cơ hoặc dưới da.
Còn sán trưởng thành khi đi vào cơ thể có thể bám ở thành ruột, sau đó đứt thành đốt và đi ra ngoài cơ thể qua phân”, bác sỹ Thiều chia sẻ.
Về triệu chứng khi bị sán lợn tấn công, bác sỹ Thiều cho rằng về lâm sàng người mắc thường có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa, đi ngoài có đốt xám (của sán trưởng thành). Ngoài ra, những người bị ấu trùng sán lợn tấn công còn có biểu hiện co giật, động kinh…
“Đối với người nhiễm ấu trùng sán lợn phải tiến hành chụp city, chụp cộng hưởng từ để phát hiện tổn thương. Ấu trùng sán lợn gây nguy hiểm nhất là khi tấn công vào não và vào tim, nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và để lại biến chứng sau này.
Riêng đối với trẻ bị ấu trùng sán lợn tấn công lên não sẽ gây ảnh hưởng đến việc học tập như giảm chú ý, mất tập trung, co giật. Thậm chí đang đi đường hoặc đi xe có thể bị ngã”, bác sỹ Thiều phân tích.
Về phòng bệnh sán lợn, bác sỹ Thiều cho rằng phương pháp hữu hiệu nhất đó là tránh ăn đồ tái sống, đặc biệt là các loại rau sống, thịt sống, thịt tái, thịt chua … Trong trường hợp bị nhiễm sán lợn thì cần phải điều trị bằng thuốc đặc hiệu.
“Đối với trường hợp nhiễm sán lợn trưởng thành thì điều trị nhanh hơn. Còn nhiễm ấu trùng sán lợn thì thời gian điều trị dài ngày, thậm chí kéo dài 4-5 đợt, mỗi đợt 21 ngày”, bác sỹ Thiều nói.
Riêng đối với những trẻ nhiễm sán ở ở Bắc Ninh, vị bác sỹ này cũng khuyên các bậc phụ huynh không nên quá hoang mang lo lắng. Khi nghi ngờ có giun sán nên đưa đến các bệnh viện để thăm khám. Kể cả khi phát hiện nhiễm sán lợn thì hoàn toàn có thể điều trị được”, bác sỹ Thiều nhấn mạnh.
Bác sỹ Thiều cho rằng, đối với những loại thịt lợn mắc bệnh, nếu có chứa ấu trùng sán lợn nhưng được nấu chín ở nhiệt độ trên 80 độ C thì sán lợn sẽ bị tiêu diệt.