23/11/2024 | 15:08 GMT+7, Hà Nội

Thực hư những "bài thuốc" tiêu diệt Covid-19 chia sẻ rầm rộ trên Facebook

Cập nhật lúc: 15/03/2020, 11:24

Người dân cần cẩn trọng với những "bài thuốc" trên mạng xã hội khẳng định tiêu diệt Covid-19 bởi chúng là cách chữa bệnh không có căn cứ và cơ sở khoa học.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, trên mạng xã hội liên tiếp xuất hiện nhiều nguồn tin về các phương thuốc chữa bệnh từ tỏi, chanh, sả, gừng... Dù biết vô lý, nhiều người vẫn chia sẻ rầm rộ thông tin vì cho rằng đây là cách điều trị dân gian và nó hoàn toàn vô hại.

Các bài thuốc được chia sẻ khắp nơi với nội dung: “5 cây sả, 3 quả chanh để đông đá, 2 - 3 lá dứa, 1 nhánh gừng, cho vào nồi nấu, để nguội rồi pha với mật ong uống”; “Virus Corona của Vũ Hán có thể tự khỏi bằng một bát nước tỏi mới đun sôi. Các bác sĩ Trung Quốc và bệnh nhân đã chứng minh hiệu quả của nó. Lấy 8 tép tỏi băm nhỏ, thêm 7 cốc nước đun sôi từ tỏi. Được chứng minh và chữa khỏi qua đêm”. Nhiều người đã thực hiện theo, trong đó không ít người uống thay nước lọc.

Những bài thuốc này từ ngàn xưa đã xuất hiện trong dân gian nhưng chúng chỉ có tác dụng cải thiện sức khỏe khi bị cảm lạnh, cảm cúm. Với dịch Covid-19 do siêu virus gây ra thì không thể lấy bài thuốc chưa được khoa học kiểm chứng để điều trị.

Đoạn chia sẻ trên mạng xã hội về tác dụng của tỏi trong việc điều trị dịch Covid-19 không có căn cứ và cơ sở khoa học.

Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai: “Virus SARS-CoV-2 là một chủng mới. Hiện tại chưa có vắcxin và cũng chưa có nghiên cứu nào về việc uống nước tỏi, xả, gừng... có thể tiêu diệt được loại virus này. Về mặt khoa học phải chứng minh, không dựa vào cảm nhận. Việc sử dụng các bài thuốc dân gian chống được Covid-19 không có tính chất khoa học”.

Phạt tiền 10 - 20 triệu đồng với người chia sẻ tin giả

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân... Vì thế người dùng mạng xã hội cần ý thức khi lan truyền thông tin.

Trước những nguồn tin nhiễu loạn, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định các biện pháp được truyền tai nhau hiện nay đều không thể ngăn ngừa dịch bệnh.

Để phòng tránh lây nhiễm Covid-19, người dân cần thực hiện nghiêm các nguyên tắc sau:

+ Đeo khẩu trang y tế, phòng hộ khi ra đường.

+ Tránh tụ tập ở các khu vực đông người.

+ Tránh tiếp xúc với những người bị sốt hoặc bị ho.

+ Thường xuyên vệ sinh cá nhân: Rửa tay bằng xà phòng, dung dịch khử khuẩn hoặc cồn, đặc biệt sau khi hắt hơi, ho.

+ Che mũi, miệng khi hắt hơi và ho.

+ Thực hiện ăn thực phẩm nấu chín, uống nước đun sôi.

+ Thực hiện tốt vệ sinh môi trường nơi ở và làm việc.

+ Xịt thuốc khử khuẩn xung quanh nơi cư trú, nơi không thoáng khí.

Các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 được Bộ Y tế khuyến cáo.

Đồng thời, mọi người cần nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về việc khai báo y tế toàn dân.

Những việc trên sẽ thu được ích lợi thiết thực hơn gấp nhiều lần so với việc uống các loại nước đang lan truyền trên mạng để phòng và chữa bệnh.