22/01/2025 | 19:58 GMT+7, Hà Nội

Thừa Thiên - Huế: Hạn chế các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý

Cập nhật lúc: 08/06/2021, 16:15

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa chỉ đạo thắt chặt công tác quản lý và giá cả thị trường trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Ngày 4/6/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ký ban hành Công văn số 4729/UBND-TC yêu cầu Giám đốc các Sở: Tài chính, Công thương, Y tế, Giao thông - Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và TP. Huế chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, đồng thời chú trọng triển khai thực hiện tốt các công việc nhằm bình ổn thị trường giá cả thị trường trên địa bàn địa phương.

Xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về giá

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các sở, ngành liên quan, chính quyền các địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường trên địa bàn để kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật, nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu của người dân, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất trên địa bàn như vật tư y tế phòng dịch, các sản phẩm nông nghiệp tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Chợ Đông Ba, trung tâm thương mại lớn của tỉnh Thừa Thiên – Huế (Ảnh: Đình Huân)
Chợ Đông Ba, trung tâm thương mại lớn của tỉnh Thừa Thiên - Huế. (Ảnh: Đình Huân)

Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương trong lưu thông phân phối hàng hóa để tránh hiện tượng sốt giá cục bộ do khan hiếm hàng hóa hoặc sụt giảm giá bất lợi đối với hàng nông sản do bị ùn tắc trong lưu thông, phân phối.

Tăng cường quản lý kê khai giá, niêm yết giá, nhất là đối với vật tư y tế phòng chống dịch, hàng hóa thiết yếu trên địa bàn; thực hiện việc kiểm tra và xử phạt nghiêm các trường hợp không thực hiện niêm yết giá, không thực hiện bán đúng giá niêm yết và các hành vi vi phạm khác theo quy định tại Luật giá, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, Nghị định số 49/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán, hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; báo cáo Sở Tài chính khi thị trường có biểu hiện bất thường để kịp thời tham mưu UBND tỉnh theo quy định.    

Kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công...; các địa phương cần chủ động tính toán, xây dựng phương án giá đối với các mặt hàng do nhà nước định giá thuộc thầm quyền quy định giá của địa phương; trong đó đánh giá kỹ liều lượng, mức độ điều chỉnh cho phù hợp từng giai đoạn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra chuyên ngành, chuyên đề về giá, giám sát giá cả thị trường; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về giá.

Mặt hàng thể thao là một trong những loại hàng hóa tiêu thụ tốt dịp hè và trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành (Ảnh: Đình Huân)
Mặt hàng thể thao là một trong những loại hàng hóa tiêu thụ tốt dịp hè và trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành. (Ảnh: Đình Huân)

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời về tình hình thị trường giá cả; công khai, minh bạch thông tin về giá, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá để hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát, tránh các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường và đời sống người dân.

Các đơn vị, địa phương cần tăng cường tổng hợp, phân tích, dự báo thị trường giá cả, thực hiện chế độ báo cáo kịp thời theo quy định.

Phát hiện, thu giữ 1.250 sản phẩm nhập lậu

Liên quan đến cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường lực lượng quàn lý thị trường (QLTT) tại tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tạm giữ 2 lô hàng có dấu hiệu là hàng ngoại nhập lậu với số trị giá ước khoảng 150 triệu đồng.

Cụ thể vào lúc 11h ngày 3/6/2021, Đội QLTT số 1, Cục QLTT Thừa Thiên - Huế đã kiểm tra ô tô tải mang biển kiểm soát 29H - 445.45 do ông Phạm Quốc Dũng, ở địa chỉ phường Lĩnh Nam (Q. Hoàng Mai, TP. Hà Nội) điều khiển đang đỗ tại đường Dương Văn An, TP. Huế. Qua kiểm tra, lực lượng QLTT phát hiện trên xe có 32 loại hàng hóa với 875 sản phẩm như sữa ngoại nhập, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất; lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ theo quy định nên bị thu giữ hàng hóa.

xử phạt
Lực lượng QLTT số 1 thu giữ số hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu ngày 4/6/2021 (Ảnh: Cục QLTT Thừa Thiên - Huế)

Trước đó, ngày 28/5/2021, qua công tác tổ chức giám sát địa bàn, tuyến trọng điểm về hàng hóa, Đội QLTT số 1 cũng đã kiểm tra, tạm giữ lô hàng có 5 thùng hàng tập kết tại trước Cửa hàng xăng dầu 24, phường Hương Hồ, TX. Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế gồm kem tẩy da hiệu Arrahan (108 tuýp); kem tẩy lông hiệu Veet (105 tuýp); kem đánh răng Sensodyne (180 tuýp). Số hàng hóa này do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ theo quy định; riêng mặt hàng kem đánh răng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Sensodyne đang được bảo hộ tại Việt Nam nên bị tạm giữ, xử lý.

Liên quan đến 5 thùng hàng nói trên, Đội QLTT số 1 cũng đã phát văn bản thông báo ai là chủ sở hữu của số tang vật nói trên đến tại Đội QLTT số 1, địa chỉ 126 Nguyễn Văn Linh, phường An Hòa, TP. Huế để giải quyết. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra thông báo, nếu không có chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp đến nhận thì cơ quan QLTT sẽ xử lý theo luật định.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/thua-thien-hue-han-che-tac-dong-tang-gia-do-yeu-to-tam-ly-20201231000002615.html