19/01/2025 | 09:40 GMT+7, Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Vấn đề ùn ứ hàng hóa ở cửa khẩu năm nào cũng có

Cập nhật lúc: 30/12/2021, 06:01

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyện ùn tắc nông sản ở biên giới là câu chuyện năm nào cũng xảy ra, do đó ngành nông nghiệp cần phải làm bài bản từ khâu quy hoạch, dự báo thị trường và xuất khẩu chính ngạch.

Ùn tắc nông sản ở biên giới là câu chuyện muôn thuở

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022 của ngành nông nghiệp, sáng 29/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong điều kiện năm 2021 với nhiều khó khăn, thách thức, ngành nông nghiệp vẫn đạt được giá trị xuất khẩu 48,6 tỷ USD là điểm sáng đáng ghi nhận, thể hiện là trụ đỡ quan trọng cho nền kinh tế.

“Trong một năm khó khăn, ngành nông nghiệp góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần của người nông dân. Người nông dân Việt Nam đã biết làm giàu bằng bàn tay, khối óc của mình, đảm bảo ổn định xã hội”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Vietnamnet)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Vietnamnet)

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn chưa được phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có; Chưa thực sự chủ động phát triển theo định hướng, vẫn còn thụ động, phụ thuộc thị trường, thời tiết và nhiều yếu tố khác. Công tác dự báo thị trường, biến đổi khí hậu… còn hạn chế, chưa chủ động.

Ngành nông nghiệp phát triển chưa bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ hay chuyển đổi số chưa đi vào chiều sâu; chưa chủ động thích ứng linh hoạt với diễn biến mới, tình hình mới.

Đặc biệt chưa coi trọng phát triển đi kèm khắc phục biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí metan. Công nghệ sau thu hoạch chưa thực sự được chú trọng;

Thị trường xuất khẩu chưa đa dạng, còn phụ thuộc một số thị trường. Một số sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu mang tính quốc tế. Việc chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc còn khó khăn, xuất khẩu còn mất cân đối.

Điển hình việc ùn ứ nông sản ở cửa khẩu biên giới phía Bắc năm nào cũng diễn ra. “Năm thì dưa hấu, năm thì thanh long... Mình phải xây dựng thương hiệu để đi chính ngạch, từng bước cải thiện thương mại với thị trường Trung Quốc, bởi đây là một thị trường lớn với nhiều lợi thế. Các Bộ, ngành phải chủ động, các tỉnh biên giới phải làm việc thông thương với nhau, tính toán cho hợp lý. Cốt yếu là chúng ta phải tạo ra các sản phẩm chất lượng đi theo đường chính ngạch. Chúng ta phải thực hiện bài bản, xây dựng theo chuỗi giá trị mới bền vững", Thủ tướng nhấn mạnh.

Cần đặt mục tiêu cao hơn, không để thụt lùi

Từ những vấn đề trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành nông nghiệp “mổ xẻ”, đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân để khắc phục trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

"Cái gì thuộc thẩm quyền Chính phủ thì Chính phủ phải làm, cái gì thuộc thẩm quyền Bộ NN-PTNT thì cần nhìn thẳng sự thật, không né tránh và phải giải quyết rốt ráo" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan.

“Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, hướng đến một nền nông nghiệp trách nhiệm, xây dựng mô hình nông nghiệp kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp xanh sẽ được Bộ tập trung trí tuệ nghiên cứu."

Năm 2022 được dự báo vừa có thuận lợi, thời cơ, vừa có khó khăn, thách thức hơn năm 2021. Do đó, cần nỗ lực, sáng tạo đổi mới và tập trung chọn vấn đề, cân đối nguồn lực, thời gian để tổ chức, thực hiện một cách hiệu quả. Cùng với đó cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn, nâng cao tầm dự báo chiến lược một cách kịp thời.

“Muốn thực hiện được, ngành nông nghiệp cần đặt mục tiêu cao hơn, tăng trưởng cao hơn, xuất khẩu cao hơn. Đã có nền tảng thì cần kế thừa, quyết tâm đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2022 trên 50 tỷ USD, không cần khiêm tốn. Trụ đỡ mà thụt lùi thì đất nước thụt lùi”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị ngành nông nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, xây dựng thương hiệu, thúc đẩy cạnh tranh sản phẩm bằng cách đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng, không nên chỉ phụ thuộc vào 1-2 thị trường. Phải nâng cao năng lực chế biến, đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nông sản xuất khẩu chính ngạch có giá trị cao, đạt an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý.

“Một mặt sản xuất xuất khẩu nông sản chính ngạch, một mặt cần phải cải thiện quan hệ thương mại với các thị trường quốc tế. Vấn đề là phải có sản phẩm nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải tập trung chuyển đổi số nông nghiệp, kinh phí báo cáo Chính phủ. Nguồn lực có hạn nên phải ưu tiên, trên cơ sở đó Chính phủ sẽ bố trí phù hợp.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác thống kê dữ liệu. Bởi, thống kê tốt sẽ dự báo được thị trường, từ đó điều tiết sản xuất cho phù hợp, có chiến lược cho từng ngành hàng.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-van-de-un-u-hang-hoa-o-cua-khau-nam-nao-cung-co-62641.html