19/01/2025 | 07:10 GMT+7, Hà Nội

Thứ tự các nghi lễ truyền thống trong đám cưới của người Việt

Cập nhật lúc: 30/09/2015, 16:07

Đám cưới truyền thống của người Việt ta từ xưa đến nay vẫn gồm những lễ nghi cơ bản như nạp thái, vấn danh, nạp cát, thân nghinh ... Hiện nay, tùy theo hoàn cảnh của từng gia đình mà các lễ nghi này được tách ra hoặc gộp lại nhưng vẫn phải đảm bảo đầy đủ thứ tự.

Nghi lễ đám cưới truyền thống 

Lễ cưới của người Việt từ thời phong kiến bao gồm nhiều thủ tục, lễ nghi cầu kỳ và phức tạp. Lễ cưới thời phong kiến cũng là dịp để thể hiện "tầm vóc" của một gia đình thông qua đồ sính lễ, tiền bạc hồi môn ... 

Ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, hôn nhân của người Việt xưa có sáu lễ chính. Để tiến đến lễ cưới, hai gia đình phải thực hiện những lễ chính sau:

- Lễ nạp thái: sau khi nghị hôn (quyết định xin cưới), nhà trai mang sang nhà gái một cặp "nhạn" (chim nhạn) để tỏ ý đã lựa chọn cô dâu và gia đình thông gia ấy. 

- Lễ vấn danh: là lễ do nhà trai sai người làm mối đến hỏi tên tuổi và ngày sinh tháng đẻ của người con gái.

- Lễ nạp cát: lễ báo cho nhà gái biết rằng đã xem bói được quẻ tốt, nam nữ hợp tuổi nhau thì lấy được nhau, nếu tuổi xung khắc thì thôi.

Hình ảnh trong lễ gia tiên của đám cưới thời xưa.

Hình ảnh trong lễ gia tiên của đám cưới thời xưa.

- Lễ nạp tệ (hay nạp trưng): là lễ nạp đồ sính lễ cho nhà gái, bằng chứng cho sự hứa hôn chắc chắn.

- Lễ thỉnh kỳ: là lễ xin định ngày giờ làm rước dâu tức lễ cưới. 

- Lễ thân nghinh (tức lễ rước dâu hay lễ cưới): đúng ngày giờ đã định, họ nhà trai mang lễ đến để rước dâu về.

Nghi lễ đám cưới hiện nay 

Với sự phát triển của thời gian và ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác, hiện nay các lễ cưới đã cắt bỏ bớt các thủ tục rườm rà, phức tạp và tốn nhiều công sức, tiền bạc để tiến tới một lễ cưới giản dị, tiết kiệm mà vẫn long trọng, đầy đủ. 

Để tiến tới hôn lễ hiện nay thường bao gồm 4 lễ chính theo trình tự: lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ cưới và lễ lại mặt. 

1. Lễ dạm ngõ

Đây là một phần của nghi lễ cưới hỏi truyền thống nhằm chính thức hóa quan hệ hôn nhân của hai gia đình. Lễ dạm ngõ ngày nay không còn theo lối xưa, mà chỉ là buổi gặp gỡ giữa hai gia đình với mâm quả nhỏ bao gồm trầu cau, rượu thuốc và bánh kẹo. 

Ngày nay lễ dạm ngõ đã được giản tiện đi nhiều với trầu cau, rượu thuốc và sự có mặt của người thân hai bên gia đình.

Ngày nay lễ dạm ngõ đã được giản tiện đi nhiều với trầu cau, rượu thuốc và sự có mặt của người thân hai bên gia đình.

Trầu cau là vật không thể thiếu được bởi miếng trầu là đầu câu chuyện, không có trầu là không theo lễ. Lễ vật được dâng lên bàn thờ tổ tiên. Hai gia đình sẽ trao đổi về ngày giờ, lễ vật và các vấn đề khác cho đám cưới sắp diễn ra. 

Lễ dạm ngõ thời nay được coi là buổi gặp gỡ thân mật giữa hai gia đình, là dịp báo cáo tổ tiên về mối quan hệ của con cháu trong nhà. Đồng thời đây cũng là dịp để hai bên trao đổi và đi đến thống nhất về các vấn đề trong lễ ăn hỏi và lễ cưới. 

2. Lễ ăn hỏi 

Lễ ăn hỏi là một thông báo chính thức về sự kết giao của hai gia đình và hai họ tới người thân, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác.

Lễ ăn hỏi đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ hôn nhân: Cô gái được hỏi đã chính thức trở thành vợ chưa cưới của chàng trai đi hỏi.

Sính lễ trong lễ ăn hỏi miền Nam.

Sính lễ trong lễ ăn hỏi miền Nam.

Nghi thức bưng lễ - đỡ lễ trong lễ ăn hỏi truyền thống.

Nghi thức bưng lễ - đỡ lễ trong lễ ăn hỏi truyền thống.

Lễ vật của lễ hỏi là cau tươi, cốm, chè (trà), rượu, bánh xu xê, phong bì tiền, heo quay, trái cây… để thể hiện lòng biết ơn của nhà trai đối với công ơn dưỡng dục của cha mẹ cô gái. 

Số lượng mâm quả trong lễ ăn hỏi có thể chẵn hoặc lẻ tùy theo tập quán của gia đình, vùng miền nhưng vẫn phải đảm bảo đủ các lễ vật truyền thống. Sau lễ ăn hỏi, nhà gái chia một phần lễ vật tới nhà trai gọi là "lại quả" để nhà trai báo hỷ với gia đình, họ hàng và bạn bè đằng trai về lễ cưới. 

3. Lễ cưới 

Lễ cưới là nghi lễ quan trọng nhất và cũng là nghi lễ loan báo chính thức về hôn nhân giữa người con trai và người con gái đã được hoàn thành. Nghi thức lễ cưới đầy đủ bao gồm 3 bước chính: 

- Lễ xin dâu: Trước giờ đón dâu, mẹ chú rể sẽ cùng một người thân trong gia đình đến nhà gái đem cơi trầu, chai rượu để báo trước giờ đoàn đón dâu sẽ đến, nhà gái yên tâm chuẩn bị đón tiếp.

- Lễ đón dâu: Nghi lễ này được tổ chức sau khi lễ xin dâu diễn ra. Thông thường, đi đầu là đại diện nhà trai; tiếp đến là bố chú rể, chú rể và bạn bè. 

Cô dâu chú rể thắp hương trước bàn thờ gia tiên trong lễ cưới.

Cô dâu chú rể thắp hương trước bàn thờ gia tiên trong lễ cưới.

Đại diện của nhà trai sẽ có đôi lời phát biểu chính thức với nhà gái về việc xin phép được đón cô dâu mới về nhà chồng và hoàn thành các lễ nghi cưới hỏi truyền thống. Sau đó chú rể sẽ lên đón cô dâu, thắp hương trên bàn thờ gia tiên và ra mắt họ hàng hai bên. 

Sau khi đã thực hiện đầy đủ nghi lễ tại nhà gái, cô dâu lên xe hoa về nhà chồng. 

- Lễ tơ hồng: Về đến nhà trai, việc đầu tiên là cô dâu và chú rể được cha mẹ dẫn đến bàn thờ để thắp hương ông bà tổ tiên rồi chào họ hàng bên chồng. Sau đó cô dâu mới thực hiện lễ nghi rót trà, mời thuốc họ hàng gia đình nhà chồng. 

Khi nghi lễ kết thúc, nhà trai cùng cô dâu chú rể mời những người có mặt cùng ăn bữa cơm thân mật tại địa điểm tổ chức tiệc cưới hoặc tại nhà tùy theo mỗi gia đình. 

4. Lễ lại mặt 

Sau đám cưới vài ngày, chú rể sẽ đưa cô dâu về lại nhà mẹ đẻ để thăm hỏi, tặng quà. Nghi thức này mang ý nghĩa như lời nhắc nhở đôi vợ chồng mới cưới về chữ hiếu không chỉ với nhà chồng mà cũng phải quan tâm, chăm sóc tới gia đình nhà vợ. 

Thời gian vợ chồng mới cưới về nhà gái lại mặt là từ 01 đến 04 ngày sau khi thành hôn. Thời gian này phụ thuộc vào khoảng cách địa lý giữa hai nhà cũng như tùy thuộc vào điều kiện, công việc của cô dâu chú rể.

Lễ lại mặt ngày nay cũng được làm đơn giản và thân mật trong phạm vi gia đình.

Lễ lại mặt ngày nay cũng được làm đơn giản và thân mật trong phạm vi gia đình.

Trước kia lễ lại mặt cầu kỳ, cần có trầu cau, rượu, xôi, thịt gà hoặc thịt lợn để mang về thắp hương trên bàn thờ nhà gái. Tuy nhiên hiện nay các gia đình đã giản tiện bớt, nhiều gia đình chỉ chuẩn bị một gói quà gồm bánh kẹo, rượu, thuốc để đôi vợ chồng trẻ mang về nhà ngoại.

Gia đình nào có điều kiện hơn sẽ chuẩn bị một phong bì nhỏ để thắp hương trên bàn thờ. Khi về tới nhà cô dâu, bố mẹ cô dâu sẽ làm cơm để mời con rể. Bữa cơm này thường thân mật và chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình thân thiết.

Mặc dù theo đúng nghi thức truyền thống cần phải có đủ cả 4 lễ như trên song tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình mà có sự sắp xếp, tổ chức sao cho phù hợp. Nhiều gia đình có thể lược bớt lễ dạm ngõ hoặc gộp lễ ăn hỏi và đón dâu trong một ngày để thuận tiện hơn. 

Việc giản lược hoặc gộp vào thành một này nếu được hai gia đình thống nhất và hài lòng thì vẫn được cho là đúng lễ nghi. Lễ cưới là ngày vui nhất của cả một đại gia đình nên cần phải vừa vặn, thoải mái song vẫn đầy đủ, trang trọng để đôi bên đều cảm thấy thoải mái và cặp vợ chồng tương lai được hạnh phúc vẹn toàn.