“Thú cưng” cắn chết người: Lỗ hổng lớn về quản lý việc nuôi chó
Cập nhật lúc: 23/07/2019, 10:00
Cập nhật lúc: 23/07/2019, 10:00
Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương liên tục xảy ra tình trạng chó nuôi cắn người gây tử vong hoặc thương tật. Sự việc đã tạo ra những cuộc tranh cãi ồn ào giữa người yêu chó, và sợ chó… tất cả đều không có hồi kết khi sự cân bằng giữa nhu cầu an toàn trước chó và thú vui nuôi chó chưa được đảm bảo về luật pháp.
Vào ngày 21/7 vừa qua, một đoạn clip ghi cảnh một bà cụ bị chó dữ tấn công xé rách quần áo, mặc sự ngăn cản của chủ nhân, khiến cư dân mạng bàng hoàng, sợ hãi. Vụ việc xảy ra ở phường Bồ Đề (quận Long Biên, TP. Hà Nội) và nạn nhân là bà Nguyễn Thị Dương (76 tuổi).
Theo đó, vào ngày 20/7, bà Dương sang nhà cháu ngoại là chị Đinh Thu Ngân (29 tuổi, trú phường Bồ Đề) chơi. Trong lúc bà Dương đang đứng nói chuyện cùng chị Ngân tại cổng thì bất ngờ con chó giống Malinois (nặng khoảng 20 kg) của gia đình chị Ngân nuôi lao tới cắn bà Dương.
Mặc chị Ngân ngăn cản, con chó dữ vẫn không ngừng cắn nạn nhân. Vụ việc khiến bà Dương chảy nhiều máu, bị thương nặng phần tay trái và đùi phải, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức.
Vụ việc trên khiến nhiều cư dân mạng lo sợ, ám ảnh. Họ liên tưởng nhiều vụ chó nuôi tấn công người đến tử vong từng xảy ra, trong đó có thể kể đến vụ cháu bé 7 tuổi ở Kim Động, Hưng Yên bị đàn chó thả rông của gia đình hàng xóm lao vào cắn vào ngày 3/4 dẫn đến tử vong.
Gần đây nhất, vào ngày 19/4, một bé trai 7 tuổi ở Đại Từ, Thái Nguyên, cũng bị chó thả rông của hàng xóm cắn, cháu bé cũng không thể qua khỏi vì vết thương quá nặng.
Vào tháng 7/2018, Bệnh viện Việt Đức cũng đã tiếp nhận bé gái 8 tháng tuổi (ở Hà Nội) nhập viện do bị chó ngao nuôi tại nhà tấn công. Mặc dù các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng bé gái không qua khỏi do sốc, mất nhiều máu.
Hay tại Hà Nội, vào tháng 8/2018, ông N.V.Th (49 tuổi, quận Thanh Xuân) cho chó ra ngoài vệ sinh thì gặp hàng xóm dắt chó Malinois đi qua. Thấy 2 con lao vào vờn rồi cắn nhau, ông Th. dùng cây nạng đang chống (ông Th. bị tai nạn, cụt chân) đánh mạnh vào để can ngăn.
Bị đánh đau, con Malinois bất ngờ chồm lên vồ, cắn vào cổ ông Th. khiến nạn nhân không kịp chống đỡ. Nạn nhân sau đó được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi do mất máu cấp.
Theo tìm hiểu, Malinois thuộc nhóm chó chăn cừu Bỉ, bản năng mạnh mẽ và được nhiều người Việt thích nuôi. Ngoài ra, các giống chó dữ trên thế giới như Pitbull, ngao Tây Tạng, béc-giê Đức... cũng đang được nhiều người nuôi như thú cưng trong nhà.
Ảnh minh họa
Việc nuôi chó để làm cảnh hay giữ nhà đã là một thói quen của không ít người Việt. Tuy nhiên, việc nuôi chó theo đúng quy định nuôi nhốt không phải ai cũng chấp hành nghiêm chỉnh. Trên thực tế, bất chấp các quy định, tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm tự do chạy nhảy vẫn phổ biến ở những khu vực công cộng, gây nguy hiểm cho nhiều người, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.
Dạo qua một vòng các đường phố, công viên, khuôn viên chung cư… trên địa bàn Hà Nội, tình trạng chó thả rông không đeo rọ mõm vẫn còn khá phổ biến. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phân loại, đánh giá mức độ nguy hiểm của từng loại chó để có những quy định phù hợp. Loại chó nào là chó cảnh, được xuất hiện tại nơi công cộng, loại chó nào là chó dữ, cần các điều kiện nuôi dưỡng đặc biệt, cần bảo hộ khi xuất hiện tại nơi công cộng… là những quy định cần làm rõ, và có chế tài xử lý các vi phạm.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, trước giờ Hà Nội vẫn chỉ đạo và có văn bản yêu cầu các quận huyện tăng cường tổ chức triển khai quản lý chó nuôi như: phòng chống bệnh dại; quản lý chặt chẽ chó nuôi trên địa bàn; xử lý các vi phạm đối với chủ chó thả rông, cắn người; tổ chức bắt giữ và tiêu hủy theo quy định pháp luật...
Tuy nhiên, ông Sơn thừa nhận phần lớn các quận, huyện hiện nay chỉ làm tốt ở khâu tiêm phòng, còn tình trạng chó thả rông ngoài đường, không đeo rọ mõm, không đảm bảo an toàn cho người xung quanh vẫn diễn ra phổ biến.
Theo thống kê, mỗi năm, cả nước xảy ra từ 400.000 - 500.000 trường hợp bị chó cắn phải điều trị dự phòng gây lo lắng hoang mang, rất tốn kém và mất thời gian. Trong đó, có từ 80 - 100 trường hợp tử vong do lây các bệnh từ chó, mèo.
Những tai nạn thương tâm trên là một hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng phớt lờ, bất chấp các quy định về vệ sinh dịch tễ và an toàn của các chủ nuôi. Tuy nhiên, những cái chết, sự lo lắng khôn nguôi đó dường như chưa đủ để cộng đồng nhận thức rõ đang có biết bao mối nguy đe dọa sự an toàn cuộc sống từ đông đảo số chó nuôi thả, không rọ mõm, thậm chí không tiêm phòng bệnh dại.
Được biết, bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của con vật dại trên da bị tổn thương. Bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắcxin hay huyết thanh kháng dại. Biểu hiện của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật.
Do vậy, việc sơ cứu ban đầu đối với người bị chó cắn là vô cùng quan trọng, chỉ cần thực hiện tốt bước sơ cứu ban đầu này, người bị chó cắn sẽ giảm được 50% nguy cơ nhiễm bệnh dại từ động vật.
TS.BS Lê Việt Khánh, Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, BV Việt Đức cảnh báo các chấn thương do vật nuôi cắn là rất nghiêm trọng, đặc biệt với trẻ em. Vì thế, với trẻ nhỏ không nên tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo khi chỉ ở một mình. Nếu gia đình có nuôi chó thì cần cách ly với trẻ ở khoảng cách an toàn, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương…
Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp chó nhà cắn trẻ nhỏ gây ra những tổn thương nghiêm trọng. Tuyệt đối không để trẻ em một mình chơi với vật nuôi, nhất là kích cỡ vật nuôi lớn để phòng những tai nạn đáng tiếc.
Trong trường hợp bị chó cắn, người nhà cần sơ cứu, rửa sạch vết thương bằng xà phòng hoặc nước sạch càng sớm càng tốt. Cách tốt nhất là rửa vết thương dưới vòi nước chảy, sau đó sát trùng bằng cồn hoặc cồn i-ốt, ngoài ra có thể dùng các chất sát trùng thông thường sẵn có như rượu, cồn, xà phòng,.. đến bệnh viện để được tư vấn tiêm phòng.
Nguồn: https://congly.vn/xa-hoi/doi-song/thu-cung-can-chet-nguoi-lo-hong-lon-ve-quan-ly-viec-nuoi-cho-306660.html
22:07, 12/07/2019
22:01, 11/07/2019
03:00, 22/04/2019