Thói quen truyền dịch vô tội vạ khiến người Việt phải trả giá bằng tính mạng
Cập nhật lúc: 09/04/2019, 08:20
Cập nhật lúc: 09/04/2019, 08:20
Phòng khám Kết Châu, nơi nữ công nhân đến truyền dịch cho khỏe và bị tử vong sau khi truyền dịch
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Oanh, Trưởng khoa Hòi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, truyền dịch thông thường được áp dụng trong những trường hợp mất nước cấp tính mà không thể bù lượng dịch đã mất bằng đường uống như: bị tiêu chảy cấp, nôn nhiều, bỏng nặng, sốt cao kéo dài gây mất nước, say nắng, say nóng…
Trường hợp sốc nhiễm khuẩn, sốc phản vệ nặng cũng cần được truyền dịch. Tuy nhiên, truyền dịch chỉ được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ ở các cơ sở y tế được cấp phép.
Dịch truyền là loại dung dịch hòa tan chứa nhiều chất khác nhau, có thể tiêm chậm hoặc truyền trực tiếp vào tĩnh mạch người bệnh. Phần lớn dung môi sử dụng là nước cất, ngoài ra có thể sử dụng một số loại dung môi khác để hòa tan dược chất.
Có khoảng trên 20 loại dịch truyền được chia thành ba nhóm cơ bản đó là: nhóm cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể: (glucose các loại 5%, 10%, 20%, 30% và các dung dịch chứa chất đạm, chất béo và vitamin); nhóm cung cấp nước và các chất điện giải, dùng trong trường hợp mất nước, mất máu (dung dịch lactate ringer, natri clorua 0,9%, bicarbonate natri 1,4%...) và nhóm đặc biệt (huyết tương tươi, dung dịch chứa albumin, dung dịch dextran, haes-steril, gelofusin hay dung dịch cao phân tử...) dùng trong các trường hợp cần bù nhanh chất albumin hoặc lượng dịch tuần hoàn trong cơ thể.
Lạm dụng truyền dịch cho khỏe có thể dẫn đến tử vong. Ảnh minh họa
Bác sĩ Oanh chia sẻ thêm, hiện một số người dân do thiếu hiểu biết thường có thói quen tự truyền dịch khi có biểu hiện ăn uống kém, cơ thể mệt mỏi. Bên cạnh đó là một số cơ sở y tế tư nhân không được phép tiêm, truyền nhưng lại tiến hành tiêm, truyền cho người bệnh dẫn đến những tai biến nguy hiểm.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tính mạng, chỉ được truyền dịch khi có chỉ định của bác sĩ. Bởi bác sĩ sẽ cân nhắc truyền loại dịch gì, số lượng bao nhiêu và đối tượng nào được truyền.
Đặc biệt, đối với người già và trẻ nhỏ cần cẩn trọng khi truyền dịch. Bởi, với người già, mức lọc cầu thận của họ kém, đào thải kém, nếu truyền không đúng định lượng sẽ gây quá tải, dẫn đến suy tim cấp, thậm chí nguy kịch cho bệnh nhân.
Còn với trẻ nhỏ bị viêm phổi, viêm não, viêm màng não, cần cân nhắc cẩn thận khi lựa chọn các loại dịch truyền. Nếu không tính theo cân nặng và không đánh giá đầy đủ tình trạng mất nước, mức độ mất nước mà truyền không đúng cách cũng sẽ dẫn đến quá tải dịch, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Người thầy thuốc trước khi tiến hành tiêm, truyền dịch cũng cần lưu ý hỏi hỏi tiền sử dị ứng của bệnh nhân trước khi truyền hoặc tiêm cho bệnh nhân để tránh nguy cơ dị ứng có thể xảy ra với người bệnh khi truyền dịch.
Đồng thời, người thầy thuốc cũng cần kiểm tra một cách kỹ lưỡng trước khi truyền, xem chai dịch có được lắc kỹ không, nút chai có còn nguyên vẹn không…
Để phòng ngừa những nguy hại cho sức khỏe từ việc truyền dịch, tốt nhất người dân không nên tự ý truyền dịch tại nhà và các phòng mạch, tuyệt đối không được coi truyền dịch là biện pháp làm tăng sức khỏe.
22:00, 07/04/2019
01:00, 06/04/2019
23:20, 04/04/2019