19/01/2025 | 02:27 GMT+7, Hà Nội

Thị xã Sơn Tây: Mỗi người dân là một “pháo đài” chống dịch Covid-19

Cập nhật lúc: 06/04/2020, 16:07

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thị xã Sơn Tây đã huy động cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ý thức của mỗi cán bộ, từng người dân cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Ấm lòng tại các chốt kiểm soát

Ngày 5/4, trời khá lạnh do ảnh hưởng của đợt rét nàng Bân, phóng viên có mặt tại chốt kiểm soát y tế đầu cầu Vĩnh Thịnh, hướng Quốc lộ 32, nơi các cán bộ, chiến sĩ của Trung tâm Y tế thị xã Sơn Tây và Công an TP Hà Nội đang thực hiện nhiệm vụ kiểm soát người và phương tiện di chuyển từ địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương khác vào thị xã.

Kiểm tra thân nhiệt người đi đường tại chốt kiểm soát y tế đầu cầu Vĩnh Thịnh.

Vài chiếc lều dã chiến được dựng tạm, ngoài bàn ghế được trang bị để làm việc thì chỗ nghỉ của các tổ công tác cũng chỉ là tấm phản gỗ đơn giản.

Chị Phùng Thị Nụ - cán bộ Khoa Xét nghiệm - Trung tâm Y tế thị xã Sơn Tây đang ăn vội bữa cơm trưa, chuẩn bị thay ca cho đồng nghiệp. Chị cho biết: Cán bộ của Trung tâm đều thay nhau đi điều tra, giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm, vận chuyển mẫu về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, nhiều hôm cũng phải 11, 12 giờ đêm mới trở về nhà.

Chồng chị Nụ là sĩ quan quân đội, thường xuyên phải trực trong đơn vị. Những ngày gần đây, anh cũng được lệnh cấm trại theo quy định. Vợ chồng anh chị có 2 cháu, bé đầu 12 tuổi, bé thứ hai 6 tuổi nên khi biết mình có tên trong danh sách làm nhiệm vụ tại chốt này, anh chị thống nhất gửi các con về ông bà nội để cùng các đồng nghiệp đồng lòng chống dịch.

Bữa trưa vội vàng tại chốt kiểm soát y tế của chị Phùng Thị Nụ.

Từ ngày 3/4 đến nay, chị Nụ và 30 đồng nghiệp chia làm 3 ca trực 24/24h ở đây, tiến hành điều tra dịch tễ và đo thân nhiệt đối với tất cả các trường hợp đi từ các tỉnh, thành khác vào thị xã Sơn Tây. Nếu phát hiện các trường hợp nghi ngờ như sốt 37 độ trở lên, ho, khó thở, cán bộ y tế sẽ hướng dẫn người dân đến bàn cách ly để khai thác thông tin, xử lý theo từng tình huống nghi nhiễm Covid-19.

Tuy còn nhiều vất vả, song chị Nụ và các đồng nghiệp lại rất vui vì thường xuyên nhận được những món quà cả về vật chất lẫn tinh thần. Hầu như ngày nào cũng có người mang nước, sữa, hoa quả… đến tặng cho đội. Người dân khi đi qua đây đều có thái độ hợp tác, đồng thời có những lời thăm hỏi, động viên. Nhờ đó mỗi cán bộ chiến sĩ như quên đi những khó khăn, rét mướt hay sự thiếu thốn.

Từ khẩu hiệu đến hành động cụ thể

Trên các tuyến phố, hay từng đường làng, ngõ xóm của thị xã Sơn Tây những ngày này đều thưa vắng người qua lại. Lời kêu gọi “mỗi người dân là một pháo đài chống dịch” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biến thành hành động cụ thể của mỗi người, mỗi nhà.

Phường Lê Lợi - một trong những phường trung tâm sầm uất nhất của thị xã Sơn Tây với gần 500 hộ sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực. Nhân dân chủ yếu sống bằng nghề buôn bán nhưng khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hộ gia đình không kinh doanh mặt hàng thiết yếu đều thực hiện nghiêm túc chủ trương tạm ngừng kinh doanh, đóng cửa hàng.

Chốt kiểm soát y tế phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây.

Lực lượng công an phối hợp với các tổ trưởng tổ dân phố vừa tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, xe tuyên truyền lưu động vừa kết hợp trên các trang, nhóm Facebook, Zalo để từng người dân nắm rõ và thực hiện đúng các nguyên tắc về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Phường cũng công khai số điện thoại đường dây nóng của phường và các tổ dân phố để người dân thực hiện giám sát và tự giám sát. Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường trên địa bàn đều ngay lập tức báo cho chính quyền, nhất là các trường hợp không khai báo khi đi từ vùng dịch trở về, không thực hiện cách ly y tế tại nhà theo quy định…

Chung tay đẩy lùi dịch bệnh

Cũng trong những ngày đại dịch, mới thấy mỗi người dân của thị xã Sơn Tây dù còn nhiều vất vả nhưng luôn sẵn sàng đóng góp một chút công sức nhỏ bé với phương châm “tích tiểu thành đại”. Tại trụ sở UBND xã Sơn Đông chiều 5/4, nhưng những cán bộ xã đang làm nhiệm vụ trực phòng, chống dịch vẫn đang rất tất bật.

3 bàn làm việc được kê tại sân trụ sở xã luôn có người dân đến ủng hộ, người 100.000 đồng, người 200.000 đồng, cũng có người mang vài chục quả trứng, thùng nước lọc, hay vài chai nước sát khuẩn, không ai bảo ai, tự nguyện lên đóng góp. Trong số đó, có các bà, các cô vừa bán được ít hàng ở chợ về, mấy bác nông dân tranh thủ vào ủng hộ để đi làm đồng.

Anh Nguyễn Xuân Hiếu - chủ 1 xưởng sản xuất đồng phục về thời trang công sở tại thôn Tân Phúc cũng tranh thủ chở 1.200 chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn lên trao tặng cho xã để kịp thời phát cho Nhân dân. Số khẩu trang này do gia đình anh cùng gia đình anh chị Cường Phượng cùng góp tiền, mua vải của Công ty vải dệt kim Đông Xuân rồi thuê công nhân may.

Anh Nguyễn Xuân Hiếu trao tặng 1.200 khẩu trang cho xã Sơn Đông phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ tịch UBND xã Sơn Đông Nguyễn Duy Cường cho biết, nhờ làm tốt công tác xã hội hóa, xã đã vận động được trên 200 triệu cả bằng tiền mặt lẫn lương thực, nhu yếu phẩm, trong số đó có những hộ còn đang thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, người cao tuổi hoặc các cháu học sinh… Các nguồn xã hội hóa được xã ưu tiên bổ sung cho lực lượng đang làm nhiệm vụ trực tiếp trong công tác phòng, chống dịch như y tế, công an, quân sự…

Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh - Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thị xã cho biết: Trước những diễn biến trong giai đoạn mới của dịch bệnh, thị xã đã chủ động xây dựng 7 phương án triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời đóng cửa, dừng toàn bộ việc đón khách tham quan du lịch tại các điểm di tích, du lịch; dừng tổ chức mọi hoạt động của các lễ hội; tuyên truyền để người dân hạn chế tối đa việc tập trung đông người, tổ chức việc hiếu, hỷ…

Trong quý 1/2020, toàn thị xã có 223 đám cưới trong đó có 11 đám tổ chức báo hỷ, 16 đám cưới tổ chức gọn nhẹ trong gia đình, 173 đám tang không tổ chức ăn uống. 128 cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, 54 cơ sở tôn giáo đã nhận thức rõ được nguy cơ lây lan của dịch bệnh, đều có thông báo ngừng hoạt động.

Ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách, thị xã kêu gọi nguồn xã hội hóa, nhận được sự ủng hộ của các DN, tổ chức, cá nhân hơn 2 tỷ đồng phục vụ mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch bệnh cho các nhà trường Ngoài ra còn có gần 50.000 chiếc khẩu trang, 1.800 chai nước sát khuẩn, 1.250 bánh xà phòng, 48 xuất quà hỗ trợ trị giá hơn 500 triệu đồng.