22/11/2024 | 02:53 GMT+7, Hà Nội

Thị trường Tết 2021 thời Covid có gì thay đổi?

Cập nhật lúc: 01/01/2021, 07:21

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phương án, kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng Tết của nhiều doanh nghiệp (DN) có biến động so với năm trước.

Hàng hóa ảm đạm vì dịch bệnh

Trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành khắp nơi trên thế giới, dù ở Việt Nam dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát nhưng vẫn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và mọi sinh hoạt của người dân.

Ảnh hưởng rõ nhất là các DN du lịch. Theo thông lệ hằng năm, từ đầu tháng 12, các DN lữ hành, du lịch đã rầm rộ chào bán các tour cho dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Năm nay, mùa du lịch vẫn được triển khai nhưng không ồ ạt, một số doanh nghiệp (DN) còn e dè bởi nỗi lo dịch Covid-19 tái phát đột ngột.

Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực.
Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực.

Theo một số DN, sau khi xuất hiện người nhiễm Covid-19 vào cuối tháng 11 vừa qua, thị trường du lịch lại một lần nữa lao đao với nhiều trường hợp khách hàng hủy tour tham quan đã đăng ký. Đến thời điểm này, lượng khách hỏi thông tin tour Tết có tăng lên so với những tháng trước. Tuy nhiên, con số đó chỉ mới đạt tầm 30% cả năm và hầu hết là những tour nội địa. Những tour bán chạy nhất là những tour ngắn ngày, tour đi gần bằng ô tô.

Tại Tuần lễ Văn hóa - ẩm thực và du lịch Đồng Nai năm 2020 vừa diễn ra vào đầu tháng 12, một số DN du lịch trong và ngoài tỉnh cũng đẩy mạnh các tour ngắn ngày, di chuyển bằng xe ô tô.

Do tình hình dịch bệnh, tour du lịch giảm mạnh cho nên các DN lữ hành cũng xây dựng các tour du lịch có giá cả hợp lý (giảm 20-30% so với cùng kỳ năm 2019). Nhiều doanh nghiệp còn có các sản phẩm tour giảm giá trực tiếp 40%, đồng thời tặng kèm voucher giảm thêm hàng trăm nghìn đồng để thu hút khách. Mặc dù vậy, lượng khách đăng ký vẫn khá khiêm tốn.

Đối với các DN hàng không, thị trường có vẻ đang ấm dần lên. Thời điểm Tết Nguyên đán năm nay hàng không kém về du lịch nhưng vẫn đang được hưởng lợi từ việc di chuyển của người dân về quê ăn tết. Ngày 15-12, ghi nhận từ các hãng hàng không, lượng khách đặt vé máy bay dịp Tết Nguyên Đán 2021 đang tăng mạnh.

Du lịch nội địa được tập trung đẩy mạnh.

Bamboo Airways cho biết có gần 1 triệu vé máy bay Tết được tung ra trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên Đán 2021 từ 27-1 đến 28-2 (15 tháng Chạp đến 17 tháng Giêng) và đã bán ra trên 70% số lượng vé Tết.

Theo Vietnam Airlines, từ cuối tháng 11, nhiều đường bay của các hãng trong cao điểm Tết đã đầy từ 50% đến trên 90% số ghế. Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại gia tăng của hành khách trong dịp cao điểm Tết, Vietnam Airlines Group vừa thông báo sẽ tăng thêm hơn 414.000 chỗ (tương đương hơn 2.100 chuyến bay). Đợt tăng này nâng tổng số ghế toàn mạng nội địa của Vietnam Airlines vào dịp Tết lên 2,4 triệu chỗ - tương đương gần 12.000 chuyến bay.

Nếu như các năm trước, các doanh nghiệp nông nghiệp đã có hàng loạt chương trình quảng bá, khuyến mãi thì năm nay không khí khá vắng lặng, đìu hiu.

Dự báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Trà Vinh cho thấy, sản lượng trái cây phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2021 tại các vùng trồng cây ăn trái giảm năng suất từ 50 – 60% so với năm trước. Không chỉ thất thu về sản lượng mà giá cả một số loại trái cây hiện nay cũng bị giảm. Cụ thể như giá quýt hiện đang đứng ở mức 22.000 - 25.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so với 3 tháng trước; giá bưởi da xanh hiện dao động ở mức 28.000 - 30.000 đồng/kg (loại I từ 1,2 kg/trái trở lên). Giá giảm nhưng số lượng người mua cũng chỉ thưa thớt không nhiều, chưa thể hiện được tinh thần rộn ràng sắm Tết như các năm khác.

Dịch bệnh khiến người dân phải thắt chặt mọi chi tiêu và thương lái phải hạ giá thành nhiều sản phẩm mong kích cầu cuối năm.

Chính phủ và DN có chương trình hỗ trợ gì?

Trước bối cảnh khó khăn đó, chính phủ đã triển khai nhiều gói hỗ trợ, bình ổn giá người tiêu dùng trong khó khăn của dịch bệnh Covid-19. Theo Sở Công thương, các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân năm 2021 với tổng giá trị dự kiến gần 4.788 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn trước trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu khoảng 1.711 tỷ đồng,

TP HCM dự kiến sẽ có khoảng 80 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; lượng hàng hóa tăng từ 12-21% so với Tết Canh Tý 2020. Cụ thể, các doanh nghiệp TPHCM dự kiến dự trữ hàng hóa cho tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trị giá gần 19.700 tỷ đồng, tăng 652,4 tỷ đồng so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Canh Tý 2020, trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.132,6 tỷ đồng.

Chính phủ đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho người dân dịp Tết Tân Sửu 2021.

Còn tại Hà Nội, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Hà Nội khoảng 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020. Các Sở, Ban ngành tại các thành phố lớn cũng dự kiến tổ chức những điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ người tiêu dùng trong thời điểm khó khăn vì dịch bệnh.

Các doanh nghiệp cũng triển khai nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng với những gói khuyến mãi và giảm giá hấp dẫn. Đại diện hệ thống siêu thị Big C cho biết, siêu thị này cũng sẽ triển khai đồng loạt các chương trình khuyến mãi dịp Tết đối với hàng chục ngàn sản phẩm như: bánh kẹo, mứt Tết, bia rượu, nước giải khát, đồ trang trí Tết, đồ gia dụng, điện tử, điện máy, quần áo thời trang. Siêu thị sẽ giới thiệu các sản phẩm ngũ quả chưng Tết phù hợp phong tục vùng miền.

Toàn hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op thực hiện chuỗi chương trình giảm giá đến 50% cho hàng ngàn sản phẩm Tết. Càng cận Tết, chương trình giảm giá càng sâu hơn. Siêu thị cũng chuẩn bị lượng hàng hóa có giá khuyến mãi cho khoảng 1,2 triệu giỏ quà Tết gói theo yêu cầu của cá nhân và doanh nghiệp trong dịp Tết Tân Sửu này.

Còn hệ thống VinMart & VinMart+ đã xây dựng rất sớm chương trình khuyến mại với chủ đề “Đón Tết To, không lo về giá – Tới ngay VinMart & VinMart+” xuyên suốt từ cuối tháng 12/2020 đến tháng 2/2021. Các hình thức khuyến mại chủ yếu là các gói kích cầu mua sắm với những hàng hóa thiết yếu Tết với giá cả rất hợp lý, ưu đãi giảm giá tới 50%; phát triển các dịch vụ giao hàng tận nhà, đa dạng kênh bán hàng: đặt hàng qua điện thoại, ứng dụng điện thoại và website của hệ thống.

Các doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn cũng cam kết giữ giá sản phẩm và thực hiện luân phiên các đợt giảm giá cho hàng hóa thiết yếu như thực phẩm tươi sống, bánh kẹo, nước giải khát.

Cùng với sự chuẩn bị kỹ càng về lượng hàng hoá cho dịp Tết thì công tác quản lý thị trường, ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái cũng được đẩy mạnh. Song song với việc đảm bảo chất lượng và nguồn cung hàng hóa Tết cho nhân dân thì chính phủ cũng ban hàng các chương trình hành động để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về y tế, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết và mùa lễ hội, thực phẩm nhập khẩu có nguy cơ lây nhiễm Covid-19.