Thị trường Rằm tháng 7: Quà quê sôi động khắp nẻo đường thành
Cập nhật lúc: 28/08/2020, 09:00
Cập nhật lúc: 28/08/2020, 09:00
Rằm tháng 7 từ lâu đã ăn sâu trong tiềm thức của người Việt. Ngay từ đầu tháng 7 âm, những mặt hàng cúng rằm đã bắt đầu rộ lên trên thị trường. Có một điều lạ là xã hội càng hiện đại càng xô bồ, dường như người ta lại càng khao khát những gì thuộc về truyền thống và hoài niệm. Bằng chứng là, những thức quà rằm dân gian đang dần trở thành xu hướng tại thành phố.
Trước đây, từ thời xa xưa, Rằm tháng 7 không thể thiếu quả thị, quả ổi thắp hương. Dù rằng vị của quả thị chẳng hề ngon, nhưng hương thơm ngào ngạt của thị lại rất đậm lòng người, gọi là quả “gây thương nhớ” để không nỡ ăn.
Qua vài năm gần đây, thị, mà nhất là thị sáp (hay còn gọi là thị bần) xuất hiện trên thị trường với giá không hề dễ chịu. Mỗi dịp đầu thu thì hàng rong chở những mẹt thị vàng rộm khắp các con phố. Giá một cân thị không dưới 100.000 đồng, bán lẻ có khi đến 15.000 - 20.000 đồng/quả. Dù đắt như vậy nhưng nhà nhà người người vẫn lùng cho bằng được để mua. Mỗi người một quả cho đúng tinh thần của Rằm tháng 7. Sức hút của loại quả thị thơm này không bao giờ hết.
Ở các khu chợ hàng thị cũng không có nhiều khi loại cây này không có nhiều ở các làng quê như trước nữa.
Khảo sát tại một số chợ dân sinh như: Chợ Thành Công, chợ Phùng Khoang, chợ Ngã Tư Sở, chợ Láng Hạ..., giá thị được các tiểu thương rao bán trong khoảng từ 80.000 - 100.000 đồng/kg. Mức giá cao hơn nhiều so với năm trước, khoảng từ 20.000 - 40.000 đồng.
Trên chợ online, năm nay quả thị được nâng tầm lên thành mặt hàng "sang chảnh" có giá cao ngất ngưởng. Đặc biệt, nhiều người thường kết hợp quả thị bày với các loại hoa như: Hoa nhài, hoa hồng, hoa lan... để bán những set trái cây hoa tươi cúng rằm có giá lên tới hàng triệu đồng.
Chị Hoa, một người bán hoa quả online cho biết: “Chị phải nhờ người gom thị ở quê từ lúc còn xanh, dấm chín để tránh tình trạng hết hàng vì sản lượng của thị không nhiều như các loại quả khác và mùa thị cũng chỉ có đúng 1 tháng rằm mà thôi. Quả thị sáp quê giờ khá hiếm, trong khi nhu cầu mua thị của dân Hà Nội lại ngày một nhiều hơn, thành ra hàng luôn trong tình trạng nhập về không đủ bán. Tuy là chỉ bán ít nhưng lãi thì gấp nhiều lần so với các loại quả khác”.
Một người dân ở Hoài Đức – Hà Nội cho biết, thị đắt không chỉ là do loại quả này gần như bị đốn hạ hết mà còn bởi giống thị khó trồng và cực kỳ lâu lớn, nếu ươm giống mới thì mỗi năm cây thị chỉ lớn thêm được 10 cm. Dạo gần đây thị bắt đầu lên giá thì nhà anh bán được 40.000 -50.000 đồng/kg và lúc hoa tàn đã có người đến đặt thị rồi.
“Trong làng tôi cách đây 30 năm có đến hàng trăm cây thị, thế nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế nên người ta chặt hết. Giờ chỉ còn nhà tôi với một vài hộ nữa còn giữ. Nghĩ để lại cây thị tỏa bóng rộng mà lại đến mùa thơm lừng quanh xóm, không ngờ bây giờ còn có thể sinh lời được cây này”, một người dân chia sẻ.
Ngoài thị thì nhiều gia đình ở nông thôn vẫn có truyền thống thắp hương hoa cau trong rằm hay mùng 1. Hoa cau không thơm ngào ngạt như thị nhưng cũng có hương thơm đặc trưng, bởi vậy hiện nay nhiều gia đình ở thành phố cũng bắt đầu lùng mua loài hoa này cho Rằm tháng 7 thay vì hoa cúc, hoa hồng như thường lệ.
Hoa cau có giá không hề rẻ chút nào, không dưới 100.000 đồng/nguyên bẹ nhưng vẫn cháy hàng và không được bán nhiều như thị. Chị em nội trợ cho rằng hoa cau vừa cắm được lâu lại vừa mang tính truyền thống mà lại đơn sơ giản dị. Hơn nữa, hoa cau còn được mua về để bày biện cùng các loại hoa quả khác rất đẹp mắt và tinh tế. Mẹt đồ cúng rằm có điểm xuyết hoa cau cũng có giá đắt hơn những mẹt hoa quả bình thường khác.
“Hoa cau khá đắt nhưng cắm được rất lâu cho nên tôi cũng đặt mua 1 bẹ vào Rằm tháng 7. Tôi không biết nhà khác thế nào chứ nhà tôi năm nào đến tháng 7 cũng phải kiếm cho được một bẹ hoa cau. Có năm tôi còn mua vài bẹ về để bày biện mâm ngũ quả. Nói là đắt nhưng tươi lâu lắm, các loại hoa khác 3 - 4 ngày đã phải bỏ đi hoặc thay nước hàng ngày chứ hoa cau thì không cần chăm sóc mà vẫn để được 2 tuần. Cảm giác nhìn lên bàn thờ có hoa cau thấy nhớ về tuổi thơ lắm”, một người dân cho biết.
Ngoài ra, trên thị trường gần đây còn có loại bánh hoa quả đậu xanh đầy màu sắc. Loại bánh này chắc hẳn tuổi thơ ai cũng đã nếm thử một lần. Chính vì thế rất nhiều người đã lùng mua cho bằng được để dâng lên cỗ cúng rằm, không chỉ nhớ lại hương vị của ngày xưa mà còn dâng lên bàn thờ tổ tiên thức quà truyền thống mang ý nghĩa nhất.
Loại bánh này được bán theo hộp mix nhiều màu sắc khác nhau bắt mắt, có giá dao động từ khoảng 100.000 - 300.000 đồng/hộp tùy số lượng.
Có lẽ hoa cau, trái thị thơm hay bánh đậu màu sắc không chỉ có giá trị về hình ảnh mà còn tinh thần. Khi những người dân thành thị đã bộn bề lo toan với cuộc sống, mùa Vu lan thưởng thức những thức quà quê này, mới có được cảm giác hoài niệm truyền thống, mới thấy cuộc sống đủ đầy hương vị màu sắc.
08:00, 28/08/2020
06:00, 28/08/2020
09:06, 27/08/2020