19/01/2025 | 10:28 GMT+7, Hà Nội

Thi giáo viên dạy giỏi: Cả thầy và trò đều phải "diễn"?

Cập nhật lúc: 15/01/2019, 10:27

Nhiều chuyên gia, giáo viên cho rằng thi giáo viên giỏi hiện nay ở một số nơi đang nặng về bệnh thành tích và chỉ là “diễn” trước học sinh. Đã có một số trường học không tham gia các hoạt động thi giáo viên giỏi trong nhiều năm qua.

Vừa qua, dư luận xã hội hết sức quan tâm tới thông tin sự việc một số trường học ở Hải Phòng cho học sinh có học lực yếu ở nhà trong thời gian tổ chức thi giáo viên giỏi. Nhiều phụ huynh bất bình trước việc chỉ vì giáo viên thi mà học sinh bị phân biệt đối xử buộc phải nghỉ học ở nhà, chỉ có học sinh khá giỏi mới được ngồi học để phục vụ cô “diễn”…

Trước thông tin trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo một tổ công tác tiến hành kiểm tra, rà soát ngay tại Hải Phòng để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, đồng thời làm căn cứ cho việc sửa đổi Thông tư 21/2010/TT-BGDĐT ngày 20/7/2010 Ban hành Điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Dù Bộ GD&ĐT đang tiến hành kiểm tra, song theo nhiều chuyên gia giáo dục, bệnh “diễn” tại thi giáo viên giỏi đã tồn tại nhiều năm qua khiến không chỉ học sinh mà ngay cả giáo viên cũng ngán ngẩm vì mất thời gian, công sức cho một hội thi chỉ mang tính hình thức.

 Nhiều ý kiến cho rằng thi giáo viên giỏi hiện nay một số nơi chủ yếu là diễn. Ảnh minh họa.

Nhiều ý kiến cho rằng thi giáo viên giỏi hiện nay một số nơi chủ yếu là "diễn". Ảnh minh họa.

Nhiều giáo viên phổ thông thẳng thắn chia sẻ, thi giáo viên giỏi hiện nay một số nơi chủ yếu là “diễn”, giáo viên ở trên “diễn” còn học trò ở dưới được chọn, thậm chí rất nhiều em được học trước để nắm được bài và “diễn” cùng giáo viên. Ngoài ra, tiết dạy phục vụ thi phải đầu tư về thời gian, tiền bạc nên hết sức sinh động, nhưng khi thi xong lại không dùng lại cho giảng dạy.

Công tác lâu năm trong ngành giáo dục, theo GS. Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cách tổ chức thi giáo viên giỏi như hiện nay bộc lộ nhiều hạn chế, nặng về hình thức và không còn phù hợp.

Trên thực tế, giáo viên giỏi hay không đã có Ban giám hiệu và tổ bộ môn đánh giá, Là giáo viên giỏi thì trong một tiết học phải làm sao để học sinh đã học giỏi sẽ giỏi hơn, em yếu vẫn tiếp thu được kiến thức và không ai bị tụt lại phía sau bài giảng, chứ không phải qua một tiết dạy có sự chuẩn bị kỹ càng như hiện nay” - GS Phạm Tất Dong chia sẻ.

Trên thực tế, tại nhiều trường học ngoài công lập hiện nay không tham gia các hoạt động thi giáo viên giỏi, bởi kết quả học sinh mới đánh giá được năng lực giáo viên và là thương hiệu để nhà trường thu hút trong tuyển sinh.

Tiêu biểu như tại trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) không tổ chức phong trào thi giáo viên dạy giỏi trong nhiều năm qua. Theo lãnh đạo nhà trường, nhà trường luôn tôn trọng sự sáng tạo của thầy và trò trong mỗi tiết dạy, song mục tiêu của nhà trường là làm sao để thầy trò đều được giảm bớt áp lực, học sinh thoải mái trong học tập.

 

Quang Anh