19/01/2025 | 11:48 GMT+7, Hà Nội

Thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội: Giảm bớt trung gian, tăng tính tự chủ

Cập nhật lúc: 04/01/2021, 16:36

Từ ngày 1/7/2021, TP Hà Nội chính thức triển khai “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị (CQĐT)” theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội tại 177 phường thuộc 12 quận và thị xã S

Đây là một bước quan trọng để xây dựng chính quyền tinh gọn, hiệu quả, tự chủ, năng động, hiện đại, có đủ thẩm quyền, trách nhiệm để giải quyết những vấn đề trong công tác quản lý đô thị đặt ra từ thực tiễn.

Sẵn sàng để thực hiện

Theo các chuyên gia, việc triển khai thí điểm quản lý theo mô hình CQĐT chính là một “cú hích” cho mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong công tác quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp và nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Việc giảm bớt các tầng nấc trung gian và tăng cường phân cấp sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, DN.

Cùng với đó, với việc thí điểm này, từ ngày 1/7/2021, 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây của TP Hà Nội sẽ không tổ chức HÐND, ước tính, giúp TP giảm chi phí khoảng 188 tỷ đồng/năm. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, việc quản lý theo mô hình CQĐT tại Hà Nội và Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết 97 có nhiều điểm mới. Ðó là nâng cấp cán bộ cấp phường lên cấp quận, từ đó có sự luân chuyển dễ dàng hơn.

UBND cấp phường hoạt động theo chế độ thủ trưởng, là cấp thừa hành, có sự chủ động cao hơn. Cấp quận được giao thẩm quyền chủ động về phân bổ biên chế cho cấp phường, không cào bằng. Ðể giảm tải khối lượng công việc, nâng cao trách nhiệm của công chức và phục vụ người dân nhanh chóng, Dự thảo cho phép chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức giữ chức danh tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản.

Thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội: Giảm bớt trung gian, tăng tính tự chủ
Thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội: Giảm bớt trung gian, tăng tính tự chủ

Để chuẩn bị cho thí điểm CQĐT, trong những năm vừa qua, TP đã tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp nhằm mục tiêu xuyên suốt là phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và DN. Như TS Thang Văn Phúc (nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ) nhận định: Hà Nội đã chuẩn bị tốt về công tác cán bộ, TP đang đi vào chiều sâu của quá trình sắp xếp và tinh giản biên chế.

Vai trò của UBND các cấp, chất lượng của chính quyền địa phương đang được nâng lên, thể hiện ở việc chuyển từ mục tiêu quản lý, “xin - cho” sang mục tiêu phục vụ; chính quyền ngày càng biết “nhận lỗi” trước dân. Nhận thức của đội ngũ lãnh đạo cũng có chuyển biến tích cực, thể hiện trách nhiệm, cầu thị, với những bước tiến sâu sắc, cụ thể hơn. Khi triển khai thí điểm mô hình CQĐT, các vấn đề này cần tiếp tục làm mạnh hơn, để chấm dứt hẳn cơ chế “xin - cho”, khắc phục những kẽ hở của chính sách.

Chuẩn bị các vấn đề liên quan

Cùng với TP, hiện các quận, phường cũng đã bước đầu đưa ra phương án triển khai của đơn vị mình. Theo Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu: Quận đã chủ động nghiên cứu và đang tập trung quyết liệt thực hiện các công việc liên quan theo mô hình CQĐT. Chẳng hạn như việc quyết toán ngân sách phường, quận đã yêu cầu mọi dự án đang giao cho UBND các phường làm chủ đầu tư đều phải kết thúc chậm nhất trong tháng 6/2021 và quyết toán dứt điểm.

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai) Vương Thị Mai Hương: Cùng với công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, về đội ngũ, tại phường hiện đã phù hợp và đầy đủ, đều là CBCC UBND phường kiêm nhiệm vai trò đại biểu HĐND, nên khi chuyển sang CQĐT, phường sẽ không bị dôi dư cán bộ. Bởi trước đó, quận đã định hướng và đa số các phường đã chủ động bố trí Phó Chủ tịch HĐND phường kiêm Phó Bí thư Đảng ủy hoặc Phó Chủ tịch UBND…

Hiện thời gian từ nay đến tháng 7/2021 không còn nhiều, để thuận lợi cho việc chuyển sang hoạt động theo mô hình mới, điều các quận, phường mong muốn nhất là quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết 97 sẽ sớm được ban hành. Trong đó, hướng dẫn cụ thể về cơ cấu tổ chức và những nội dung liên quan, đặc biệt với những địa bàn đông dân.

Với sự chuẩn bị sẵn sàng, việc triển khai thí điểm mô hình CQĐT được kỳ vọng bảo đảm được các mục đích quan trọng đó là phục vụ người dân đô thị tốt hơn, nhanh hơn, thông suốt hơn và sớm giải quyết, xử lý dứt điểm những vấn đề phát sinh trong quản lý đô thị.

Nguồn: http://kinhtedothi.vn/thi-diem-quan-ly-theo-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-tai-ha-noi-giam-bot-trung-gian-tang-tinh-tu-chu-405760.html