19/01/2025 | 16:15 GMT+7, Hà Nội

Thẻ BHYT điện tử được cấp và quản lý như thế nào?

Cập nhật lúc: 14/05/2018, 12:51

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc cấp, quản lý và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử.

Cấp thẻ BHYT điện tử thay cho thẻ giấy

Theo đó, liên quan đến đề nghị của Văn phòng Chính phủ đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính trong cấp, quản lý, sử dụng thẻ BHYT và quản lý khám, chữa bệnh BHYT, Thủ tướng Chính phủ giao Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thẻ BHYT phải có gắn chíp với giải pháp công nghệ do Việt Nam làm chủ, bảo đảm kết nối, liên thông, tích hợp an toàn và chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Năm 2018, ngành BHXH sẽ triển khai cấp thẻ BHYT điện tử cho người dân (Ảnh minh họa)

Năm 2018, ngành BHXH sẽ triển khai cấp thẻ BHYT điện tử cho người dân (Ảnh minh họa)

 Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, năm 2018, ngành BHXH sẽ triển khai cấp thẻ BHYT điện tử cho người dân để quản lý thông tin về khám, chữa bệnh. Theo đó, người dân đến khám ở các cơ sở y tế, hoặc đến các cơ quan để giải quyết chế độ hưởng BHXH, chỉ cần dùng đầu đọc thẻ chip là sẽ hiển thị toàn bộ thông tin thẻ.

Với thẻ điện tử, khi đi khám bệnh, trong trường hợp thẻ chưa đến tay người dân nhưng trong hệ thống đã có thông tin thì chủ thẻ vẫn được giải quyết bình thường.

Các cơ sở khám chữa bệnh chỉ cần nhập mã thẻ, họ tên, ngày tháng năm sinh chủ thẻ, hệ thống sẽ trả kết quả là thẻ có hợp lệ hay không.

Khi có thẻ BHYT điện tử người dân cũng có thể tra cứu quyền lợi của chủ thẻ, thậm chí tra cứu những lần khám chữa bệnh nếu đã khám chữa bệnh trên Cổng thông tin điện tử của ngành bảo hiểm. Việc này sẽ góp phần giúp người dân giám sát, tránh gian dối trong hoạt động khám chữa bệnh BHYT ở các cơ sở y tế.