Thắng lợi đầu năm của Grab: Vị trí đón khách đẹp ở dưới mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất
Cập nhật lúc: 17/02/2022, 14:30
Cập nhật lúc: 17/02/2022, 14:30
Tháng 11/2020, khi Ban quản lý sân bay Tân Sơn Nhất quyết định điều chỉnh lại giao thông nội bộ tại đây, Grab đã gặp bất lợi rất lớn.
Theo đó, ga quốc nội với bốn làn xe A, B, C, D ở phía trước được tách riêng cho việc đón, trả khách. Làn A (sát nhà ga) chỉ cho xe trả khách xuống sân bay. Hai làn B và C dành cho ô tô cá nhân vào đón khách. Làn D (trong nhà xe TCP) dành cho taxi, ô tô kinh doanh vận tải đón khách.
Sau điều chỉnh, các hãng xe công nghệ như Be và Grab (đến cuối năm 2021, GoJek mới ra mắt dịch vụ GoCar) không được đón khách tại các làn đường trên, mà phải đón khách lên ở lầu 3, 4, 5 của nhà xe TCP. Rồi đến, tháng 4/2021, Be Group thông báo là mình đã ký hợp đồng với sân bay và được bố trí nơi đón khách ở mặt đất tại phía nhà ga quốc tế, cách nhà ga quốc nội chừng 100 m.
Phía nhà xe TCP cho biết: để hạn chế ùn ứ và thuận tiện cho khách đi lại, vận chuyển hành lý khi lên xuống lầu cao ở khu vực này, đơn vị đã tăng cường thêm 2 thang máy, sức chứa 21 người mỗi thang, nâng tổng số thang máy ở nhà xe lên bốn chiếc, cùng với hệ thống thang bộ. Đồng thời, nhà xe tăng cường người điều phối, hướng dẫn khách đi lại khi lượng người tăng cao.
Tuy nhiên, với Grab và khách hàng của họ, sắp xếp này hết sức bất tiện. Mặc dù có 4 thang máy và sức chứa mỗi thang 21 người, nhưng với lưu lượng 20.000 – 30.000 khách/ngày như trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua tại sân bay Tân Sơn Nhất, thì trọng tải của các thang máy chẳng bõ bèn gì. Trong khi khách về quê lên, mỗi người ít nhất có 1 vali áo quần và không ai sẵn sàng vác nó đi 1 quãng đường xa, rồi có thể phải đi bộ lên 3 tầng lầu ở nhà xe – đặc biệt là phụ nữ.
Chưa nói, với tình hình dịch bệnh, nhiều hành khách không sẵn sàng di chuyển trong không gian hẹp như thang máy với rất nhiều người.
Thế nên, từ khi có quy định mới này, hầu hết khách hàng của Grab thân thiết tại TP.HCM thường sẽ chọn đi lên sân bay Tân Sơn Nhất bằng GrabCar và đi về bằng taxi truyền thống – nhất là khi họ mang rất nhiều hành lý hoặc đang có chuyện gấp.
Ngoài ra, việc Be Group có thể deal được với sân bay Tân Sơn Nhất để có vị trí dưới mặt đất, trong khi Grab không thể, đã khiến nhiều người nghi ngờ về vị thế của ‘siêu kỳ lân’ này ở thị trường Việt Nam.
Tất nhiên, trong tất cả, Grab chính là người cảm nhận được tác động không tích cực của chuyển động nói trên tại sân bay Tân Sơn Nhất lên doanh thu và danh tiếng của họ một cách rõ ràng nhất.
Mới đây, sau nhiều cố gắng, Grab đã có được 1 slot dưới mặt đất cho dịch vụ GrabCar của mình.
"Được sự chấp thuận và hỗ trợ của Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, nhằm hỗ trợ đối tác tài xế và hành khách thuận tiện hơn trong việc đón khách tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Grab sẽ phối hợp triển khai thêm làn xe D1 ga trong nước (ga quốc nội) từ ngày 17/02/2022 cho đến khi có thông báo mới.
Vị trí đón khách của dịch vụ GrabCar sẽ từ cột F5 đến A5 (tức ô số 6 đến ô số 12) tại làn xe D1. Ngoài ra, hành khách vẫn có thể đón xe GrabCar tại khu vực tầng 3, 4, 5 nhà xe TCP như hiện tại. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tích cực làm việc với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để phục vụ nhu cầu di chuyển của hành khách hiệu quả hơn", đại diện Grab thông báo.
Về phía sân bay Tân Sơn Nhất, vào ngày 14/2, họ cũng đã truyền thông về việc mở thêm làn D1cho ô tô đón khách tại đơn vị của mình.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng vận hành nhà xe TCP, cho biết: làn D1 nằm phía trong nhà xe này, đã được đơn vị xây dựng từ trước với đầy đủ cơ sở hạ tầng. Làn này trước đó chưa khai thác mà bổ trợ cho làn D - nơi đang tổ chức để taxi, ô tô ký hợp đồng nhượng quyền khai thác với sân bay vào đón khách.
Ngoài ra, do nhà xe là đơn vị cung cấp dịch vụ nên không phân biệt xe công nghệ hay taxi vào đón khách, mà tuỳ tình hình thực tế để triển khai theo kế hoạch.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/-thang-loi-dau-nam-cua-grab-20201231000005894.html
18:18, 05/04/2022
11:30, 12/01/2022
10:30, 05/01/2022