19/01/2025 | 18:31 GMT+7, Hà Nội

Tháng 1, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4.056,5 triệu USD

Cập nhật lúc: 08/02/2020, 09:00

Trong số 26 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong tháng Một, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4.056,5 triệu USD, chiếm 90,9% tổng vốn đăng ký cấp mới...

Trong số 26 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong tháng Một, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4.056,5 triệu USD, chiếm 90,9% tổng vốn đăng ký cấp mới, theo tin từ Tổng Cục thống kê.

Sau Singapore, tiếp đến là Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 147,2 triệu USD, chiếm 3,3%; Trung Quốc 83,8 triệu USD, chiếm 1,9%; Hàn Quốc 51,1 triệu USD, chiếm 1,1%; Đài Loan 40,5 triệu USD, chiếm 0,9%; Nhật Bản 33,1 triệu USD, chiếm 0,7%; Hà Lan 19,9 triệu USD, chiếm 0,4%; Xây-sen 14 triệu USD, chiếm 0,3%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20/1/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,3 tỷ USD, tăng 179,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó có 258 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 4,5 tỷ USD, tăng 14,2% về số dự án và tăng 454,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước[6]; 77 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 334 triệu USD, giảm 1,9%; 884 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 534,8 triệu USD, giảm 29,8%.

Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần có 135 lượt làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp 0,19 tỷ USD và 749 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 0,34 tỷ USD.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tháng Một ước tính đạt 1,6 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong tháng Một, ngành sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa được cấp phép mới đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 4 tỷ USD, chiếm 89,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt 353,3 triệu USD, chiếm 7,9%; ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy đạt 56,2 triệu USD, chiếm 1,3%; các ngành còn lại đạt 51,4 triệu USD, chiếm 1,1%.

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư nước ngoài vào ngành ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 657,4 triệu USD, chiếm 13,7% tổng vốn đăng ký; ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy đạt 58,3 triệu USD, chiếm 1,2%; riêng ngành sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa không có vốn đăng ký bổ sung trong tháng Một nên tổng vốn đăng ký đạt 4 tỷ USD, chiếm 83,4%; các ngành còn lại đạt 79,1 triệu USD, chiếm 1,7%.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 199 triệu USD, chiếm 37,2% tổng giá trị góp vốn; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ đạt 106,5 triệu USD, chiếm 19,9%; ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy đạt 59,8 triệu USD, chiếm 11,2%; các ngành còn lại đạt 169,5 triệu USD, chiếm 31,7%.