19/01/2025 | 09:34 GMT+7, Hà Nội

Tham rẻ nhiều người ‘sập bẫy’ mua phải vé máy bay giả

Cập nhật lúc: 10/11/2023, 09:54

Lợi dụng việc người dân ngày càng có nhu cầu đi du lịch, nhiều kẻ xấu đã lập những trang web giả các hãng hàng không, các công ty uy tín hay để bán vé giả.

Lập web, giả làm nhân viên bán vé máy bay giả

Có thể thấy trong muôn vàn phương thức lừa đảo bán vé giả thì phương thức phổ biến nhất là các đối tượng lừa đảo lập các trang thông tin, tài khoản mạng xã hội giả làm đại lý bán vé máy bay hoặc xây dựng các trang web có hình thức giống với các hãng hàng không uy tín để bán vé máy bay.

Nắm bắt tâm lý chung của khách hàng, các trang này đưa ra những quảng cáo bán vé máy bay hoặc combo vé khứ hồi với mức giá thấp hơn giá trên cổng bán vé trực tiếp của các hãng để thu hút người có nhu cầu vào tìm mua.

Khi gặp được người có nhu cầu mua vé, các đối tượng này sẽ chủ động liên hệ hỏi thông tin. Để tạo niềm tin cho “khách hàng”, các đối tượng lừa đảo này sẽ đặt chỗ trên trang bán vé chính thức của các hãng hàng không, gửi lại email mã đặt chỗ kèm với đề nghị phải thanh toán tiền gấp nếu không sẽ bị hủy. Người mua hoàn toàn có thể kiểm tra mã trên các trang web của hãng để xác nhận là thật.

Tham rẻ nhiều người ‘sập bẫy’ mua phải vé máy bay giả
Người phụ nữ này đã mua phải 5 vé máy bay giả mất 23,3 triệu đồng.

Sau khi tạo được niềm tin, các đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán (mức giá thấp hơn giá trên web của hãng).

Tuy nhiên, khi đã chuyển tiền thanh toán xong, khách hàng sẽ không được xuất vé và bị ngắt liên lạc. Còn mã đặt chỗ kia sẽ bị tự hủy sau một thời gian do chưa được xuất ra vé máy bay và nhiều khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay.

Ngoài phương thức nêu trên, nhiều đối tượng lừa đảo sau khi nhận được tiền của khách vẫn tiến hành xuất vé nhưng sau đó lại hoàn vé. Với cách này, chúng sẽ được hoàn lại phần lớn tiền vé đã trả và chỉ phải chịu mất một khoản phí hoàn vé nhỏ (chịu mất phí 10% giá vé).

Khi khách nhận vé, gọi điện lên hãng để kiểm tra thì được báo đã xuất vé đúng hành trình. Nhưng sau đó ít ngày, chúng sẽ gửi yêu cầu tới hãng hàng không để xin hoàn vé. Việc hoàn vé sẽ được chấp thuận ngay nếu như người yêu cầu hoàn vé chính là người đặt vé. Như vậy mỗi tấm vé kẻ lừa đảo có thể bán đi bán lại cho hàng chục người.

Bên cạnh đó, việc lừa đảo mua vé sớm thường vào mùa du lịch với chiêu thức của các đối tượng lừa tiền mua vé thường là tạo lòng tin bằng các giấy tờ đầy đủ, để giá thấp hơn từ 100.000 - 200.000 đồng/vé cho chặng bay dài hoặc các chương trình khuyến mại với quảng cáo chỉ cần đặt cọc 1 khoản nhỏ để được cung cấp vé rồi sau khi đi mới thanh toán tiền… làm người mua tin tưởng, đặt vé và chuyển tiền vé, tiền cọc. Tuy nhiên, sau đó, các đối tượng chiếm đoạt, không xuất vé hoặc xuất vé giả…

Tham rẻ nhiều người ‘sập bẫy’ mua phải vé máy bay giả
Hãng hàng không Vietnam Airline đã đưa ra cảnh báo với khách hàng. 

Ngoài ra, các đối tượng còn giả nhân viên của các công ty uy tín do nắm được thông tin khách hàng qua việc khách hàng để lại tên và số điện thoại trên những bài quảng cáo bán vé máy bay của các công ty uy tín, họ nhanh tay giả dạng nhân viên bán vé hoặc giao vé tại nhà. Các đối tượng này sẽ giao vé giả nhưng thu tiền thật, khiến khách hàng tưởng đã mua vé thành công của công ty uy tín đã liên hệ từ trước.

Gia đình có nhu cầu đi du lịch Thái Lan nên anh Nguyễn Thái Học, (Thanh Xuân, Hà Nội) đã lên mạng đặt mua vé. Khi thấy một tài khoản giao bán vé rẻ hơn so với giá của hãng công bố anh Học đã đặt mua 13 cặp vé khứ hồi với số tiền hơn 50 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi ra check in tại sân bay, gia đình anh Học bàng hoàng khi nhân viên sân bay cho biết những tấm vé mà anh đang sở hữu là vé giả. Lúc này anh Học liên lạc với người đã bán vé cho mình nhưng thuê bao luôn trong tình trạng “tò te tí”.

Để cả gia đình không phải quay về, anh Học đã phải cắn răng bỏ thêm một khoản tiền lớn ra để mua vé đi ngay trong ngày. Bức xúc, anh Học đã lên trang cá nhân viết bài cảnh báo mọi người. Sau đó, anh lại tiếp tục vào các hội nhóm để viết bài cảnh báo thì phát hiện ra rằng, không chỉ có mình mà nhiều người khác cũng bị đối tượng này lừa với chiêu thức tương tự.

Đã nhiều người “sập bẫy”

Trước đó, Công an tỉnh Hải Dương đã tiếp nhận đơn trình báo của các bị hại về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tiền đặt mua vé máy bay tại các trang Fanpage lấy tên các phòng vé máy bay, phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hải Dương đã vào cuộc điều tra xác minh.

Kết quả xác minh làm rõ, từ khoảng đầu tháng 01/2023, Lê Đôn Khánh, SN 1992, trú tại huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, cùng các đối tượng trong nhóm lên mạng Internet tìm hiểu thủ tục đặt vé chờ của các hãng hàng không để biết thủ tục đặt vé, các đối tượng lập và mua các Fanpage lấy tên các phòng vé máy bay, chạy quảng cáo cho nhiều người biết. Khi có người cần mua vé máy bay liên hệ thì Khánh và đồng bọn hướng dẫn người mua cung cấp thông tin cá nhân. Các đối tượng liên hệ với các hãng bay đặt vé theo thông tin các khách hàng.

Tham rẻ nhiều người ‘sập bẫy’ mua phải vé máy bay giả
Nhóm đối tượng lừa đảo bán vé máy bay giả qua mạng bị cơ quan công an bắt giữ.

Trong khoảng thời gian này, khách hàng kiểm tra thông tin trên hãng thấy có thông tin của mình thì sẽ tin tưởng chuyển tiền vé đến tài khoản ngân hàng của các đối tượng. Các đối tượng không chuyển tiền cho các hãng hàng không mà chiếm đoạt.

Khánh là người chạy quảng cáo các Fanpage, cầm thẻ ATM cứng để rút tiền; Lê Văn Ngọc, SN 1993, trú tại Thọ Xuân, Thanh Hóa, mua thẻ ngân hàng để khách chuyển tiền đến; Lê Văn Bình, SN 1997, trú tại Thọ Xuân, Thanh Hóa, mua điện thoại di động và sim để liên hệ, thuê nhà, thuê hợp đồng mạng.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Hải Dương đã làm việc với các đối tượng liên quan, đồng thời làm rõ: trong thời gian từ đầu tháng 01/2023 đến khi bị phát hiện, tố giác, các đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hàng trăm triệu đồng của nhiều người ở các địa phương khác trong nước.

Tương tự, mới đây Công an TP Bắc Giang cho biết, vừa phối hợp cùng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Bắc Giang đấu tranh thành công chuyên án phá đường dây lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ, chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng của khoảng 200 bị hại.

Đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ là Vi Đức Quang (SN 1998, trú tại xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương). Được biết, đối tượng này chưa học hết lớp 9 nhưng có kiến thức nhất định về công nghệ thông tin. Lợi dụng mạng Internet, Quang đã tổ chức thực hiện việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức bán vé máy bay qua mạng.

Khoảng tháng 12/2022, qua mạng xã hội, Quang biết được nhiều người có nhu cầu đặt vé máy bay online nên đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lừa bán vé máy bay.

Để thực hiện ý định phạm tội của mình, Quang đã thuê người lập trình và quản lý website bán vé máy bay. Nếu khách hàng đồng ý mua vé, “đệ” của Quang sẽ tạo mã đặt chỗ giả gửi cho khách để họ sử dụng mã này truy cập website https://airbamboobooking.com" kiểm tra.

Tham rẻ nhiều người ‘sập bẫy’ mua phải vé máy bay giả
Đối tượng Phạm Doãn Hùng tại cơ quan công an.

Sau khi kiểm tra thấy đầy đủ thông tin chuyến bay, khách sẽ chuyển tiền vào tài khoản Ngân hàng VP Bank mang tên Dam Van Quang của Quang. Khi khách chuyển tiền xong, người này sẽ hủy kết bạn Zalo và chặn liên lạc để chiếm đoạt số tiền. Các đối tượng làm cho Quang sẽ được hưởng lợi nhuận 10% trên số tiền lừa đảo chiếm đoạt của khách do mình giới thiệu tư vấn thành công.

Tính đến thời điểm bị bắt, Quang và nhóm đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt của khoảng 200 khách hàng với số tiền trên 1 tỷ đồng. Riêng đối tượng Vi Thị Thu Huyền khai nhận, trong quá trình làm việc này, nhận thấy “áy náy lương tâm” nên sau khoảng nửa tháng làm cho Quang đã xin nghỉ làm và được Quang trả cho hơn 9 triệu đồng.

Để tránh bị lừa mua vé giả, đặc biệt trong các đợt cao điểm nghỉ lễ, Cục Hàng không Việt Nam khuyến cáo hành khách nên mua vé trên kênh chính thức của các hãng và lấy phiếu thu, hóa đơn khi mua vé để bảo vệ quyền lợi cho mình. Trước khi chuyển tiền cho bên bán, cần đọc kỹ thông tin mã vé và kiểm tra có hiệu lực, đồng thời yêu cầu nhân viên của hãng soát lại thông tin hành trình bay, hành khách bay.

Đặc biệt, khi mua vé người dân cần lấy phiếu thu, hóa đơn và các chứng từ kèm theo. Phiếu thu này được xem như một chứng từ, nên nếu xảy ra trục trặc, khách hàng có thể dùng giấy tờ này để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/tham-re-nhieu-nguoi-sap-bay-mua-phai-ve-may-bay-gia-110462.html