\"Tham chiến\" với Grab, Be, hãng \"xe ôm\" công nghệ của ông Phạm Nhật Vượng có gì?
Cập nhật lúc: 27/07/2023, 09:55
Cập nhật lúc: 27/07/2023, 09:55
Tuần trước, GSM, đơn vị vận hành hãng taxi điện Xanh SM, đã đăng tải thông tin tuyển dụng 400 tài xế xe máy điện tại Hà Nội cho dịch vụ SM Bike mới. Theo đó, GSM ưu tiên tuyển dụng những tài xế đã từng tham gia hoạt động trên các ứng dụng gọi xe công nghệ khác (chở khách, giao đồ ăn..), có thời gian nhàn rỗi, có thể làm bán thời gian hoặc toàn thời gian.
Tuy nhiên, SM Bike không chỉ dừng lại ở việc cung cấp đơn thuần dịch vụ xe ôm công nghệ bằng xe máy điện. Theo chia sẻ mới nhất của ông Nguyễn Văn Thanh - CEO GSM: “Việc có thêm xe máy điện trên nền tảng giúp Xanh SM trở thành nền tảng đầu tiên trên thế giới thuần điện 100% với các dịch vụ từ xe ôm, giao hàng, cho thuê, taxi”.
Điều đó có nghĩa ngoài xe ôm, SM Bike còn cung cấp thêm dịch vụ giao hàng, hoạt động không khác những nền tảng gọi xe công nghệ đang có mặt tại Việt Nam như Grab, Be.
Người đứng đầu GSM cho hay lĩnh vực gọi xe công nghệ đã không còn xa lạ với đời sống hiện đại, quy mô lĩnh vực này tại Việt Nam ước tính đạt 3 tỷ USD vào năm 2022 và lên đến 5 tỷ USD vào năm 2025, tỷ lệ tăng trưởng kép là 21%.
Trong đó, Grab là cái tên gia nhập thị trường sớm nhất, từ năm 2014. Sau 9 năm, các ứng dụng đặt xe, ứng dụng giao hàng, gọi đồ ăn… nằm trong danh mục không thể thiếu trên màn hình điện thoại của đa số người dân tại các thành phố lớn.
Nhiều cái tên cũng đã đến rồi lại đi như Uber, Fastgo Vato… để lại khoảng trống thị phần chủ yếu dành cho các tay chơi lớn như Grab, Be, Ahamove hay Gojek và trong 5 năm qua việc này hầu như chưa có nhiều thay đổi.
Trong bối cảnh đó, phía GSM bày tỏ kỳ vọng gọi xe công nghệ bằng xe máy điện sẽ là một game changer (tạm dịch: thay đổi cuộc chơi).
Ông Thanh cho biết: “Bất kể một ngành nghề nào lâu đời cũng cần có sự thay đổi. Game changer là một thứ gì đó mới, làm thay đổi các quy trình hoặc khái niệm truyền thống và từ đó làm thay đổi thứ tự đã thiết lập. Xe điện chính là nhân tố cần thiết để làm nên chuyện này”.
Theo ông Thanh, việc các ứng dụng lớn trên thế giới như Grab, Uber, Gojek, Kakao Mobility, Didi hay Ola đã bắt đầu có sự chuyển mình với các dự án riêng cho xe điện cũng như có lộ trình cho sự chuyển dịch này chính là minh chứng cho bước đi của GSM.
Vậy, lợi thế của GSM đang có là gì? Hay chỉ là dịch vụ gọi xe công nghệ bằng xe máy điện – một bước chuyển mới nhằm cạnh tranh với Grab, Be, Gojek.
CEO GSM Nguyễn Văn Thanh, cho rằng có ba yếu tố để GSM tạo ra khác biệt hơn so với đối thủ. Đầu tiên là môi trường sẽ không còn việc xả khói đen hay nghe những tiếng ồn, giảm được cả ô nhiễm không khí lẫn tiếng ồn. Thứ hai là tiết kiệm chi phí, theo ông Thanh chi phí để nuôi một chiếc xe máy điện sẽ tốt hơn nhiều so với một chiếc xe máy xăng.
Cuối cùng là trải nghiệm, ông Thanh tin rằng khách hàng sẽ thấy thoải mái và thích thú hơn khi ngồi trên một chiếc xe máy điện, đặc biệt đó lại là sản phẩm do người Việt làm ra.
Thông tin nghiên cứu thị trường được cung cấp từ Tổng giám đốc GSM cho biết Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới về tỉ lệ sở hữu xe máy, ước tính hơn 42 triệu chiếc (bao gồm cả những xe không còn lưu hành), mỗi năm thị trường Việt Nam lại tiêu thụ thêm 3 triệu xe, và phần lớn trong số đó là xe máy xăng.
Nói về các dự án khởi nghiệp của GSM, ông Nguyễn Văn Thanh cho biết nhìn thấy dự án lớn lên mỗi ngày “dù ngày nào cũng làm không hết việc”. Riêng mảng taxi điện Xanh SM, sau 10 tuần khai trương và đưa vào vận hành tại 5 tỉnh, thành phố dịch vụ này đã phục vụ hơn một triệu chuyến đi.
GSM được ông Phạm Nhật Vượng đứng ra góp gần 3.000 tỷ đồng để thành lập hồi đầu tháng 3 năm nay. Công ty này kinh doanh dịch vụ vận tải phức hợp, hoạt động trong hai mảng chính: cho thuê ô tô - xe máy điện và taxi điện.
Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/tham-chien-voi-grab-be-hang-xe-om-cong-nghe-cua-ong-pham-nhat-vuongco-gi-106703.html
14:57, 19/07/2023
18:54, 26/06/2023
14:58, 31/03/2023