Tết Tân Sửu 2021 ấm, có khả năng xảy ra mưa phùn về đêm và sáng
Cập nhật lúc: 30/01/2021, 11:21
Cập nhật lúc: 30/01/2021, 11:21
Tại Hội thảo "Khai thác và sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ cộng đồng" diễn ra chiều 26/1, tại Hà Nội, đại diện lãnh đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết với những biến đổi trái chiều của biến đổi khí hậu đã diễn ra trong khoảng thời gian gần 30 năm trở lại đây, có thể nhận định thời tiết Tết Tân Sửu năm nay sẽ tiếp tục ấm, ít xảy ra rủi ro thiên tai.
Sẽ có mưa phùn dịp Tết
Thông tin thêm về diễn biến thời tiết dịp Tết Tân Sửu sắp tới, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định nhiều khả năng Tết năm nay sẽ ấm hơn năm ngoái.
Cụ thể, trước Tết Nguyên đán, khoảng ngày 2/2 (tức 21 tháng Chạp âm lịch) nhiều khả năng sẽ có không khí lạnh yếu ảnh hưởng tới miền Bắc, nên khoảng thời gian trước ngày 23 tháng Chạp, khu vực miền Bắc trời rét về đêm và sáng.
Trong những ngày tiếp theo, khoảng từ ngày 5-6/2 (tức 24-25 tháng Chạp), khu vực miền Bắc sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi một đợt không khí lạnh yếu, lệch Đông. Tuy nhiên, khoảng ngày 8/2 trở đi, không khí lạnh ở khu vực này sẽ suy yếu.
Riêng các ngày từ 30 Tết đến mùng 3 Tết, miền Bắc trời nhiều mây về đêm và sáng, trong đó vùng đồng bằng có khả năng có mưa nhỏ, mưa phùn, nhiệt độ có xu hướng ấm hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1 độ C.
Tương tự, khu vực Trung Bộ nhiều mây về đêm và sáng, sáng sớm có sương mù nhẹ, ngày trời nắng. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, trời không mưa, ngày nắng.
Thời điểm sau Tết Nguyên đán, khoảng từ ngày 16-21/2, không khí lạnh hoạt động yếu. Theo đó, miền Bắc có khả năng vẫn duy trì ấm, ẩm và có có thể có hiện tượng nồm. Khu vực miền Trung ít mưa. Riêng khu vực miền Nam trời nắng.
Với xu thế thời tiết trên, ông Năng nhận định ít có khả năng xảy ra thiên tai nguy hiểm trong dịp Tết Tân Sửu, rất ít khả năng xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá như Tết Canh Tý.
"Trong dịp Tết năm nay, ở miền Bắc sẽ ấm, có nhiều khả năng có mưa nhỏ, mưa phùn, sương mù vào buổi sáng. Miền Trung nhiều mây, nhiệt độ thấp hơn các năm trước. Ở miền Nam tương tự như các năm khác. Trên Biển Đông chưa có dấu hiệu xuất hiện của Bão/áp thấp nhiệt đới," ông Năng nhấn mạnh.
Có chung nhận định, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết theo thống kê, nhiệt độ trung bình dịp Tết trong 30 năm trở lại đây có xu hướng tăng dần. Kể từ năm 2014 trở về đây, rét đậm, rét hại không còn xảy ra vào những ngày Tết Nguyên đán.
“Với xu thế thời tiết nêu trên, Tết năm nay sẽ ấm, rét đậm nhiều khả năng cũng không xuất hiện. Đây là biểu hiện của biến đổi khí hậu khi nhiệt độ toàn cầu nóng lên và các quy luật về khí hậu không còn nữa,” ông Lâm nhận định.
Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cũng nhận định nhiều khả năng Tết Tân Sửu năm nay sẽ ấm hơn so với những năm trước; miền Bắc và miền Trung, khả năng sẽ xuất hiện mưa phùn vào buổi tối và sáng. Trong năm nay, các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng ít xảy ra hơn so với năm ngoái...
Sẽ cập nhật thông tin dự báo theo giờ
Giới thiệu sơ lược về hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết hiện nay hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn có 3 cấp dự báo (Quốc gia, 9 Đài khu vực và 54 Đài tỉnh) và 14 loại hình thiên tai gồm: bão/áp thấp nhiệt đới; mưa lớn; dông; sương mù, sương muối; lốc, sét, mưa đá; nắng nóng, rét hại; lũ; lũ quét, sạt ở đất; sụt lún đất; hạn hán; xâm nhập mặn; triều cường; gió mạnh trên biển; nước dâng.
Phương thức truyền tin được thực hiện thông qua website của các cấp dự báo, fax, email, sms. Trong năm 2021, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng đặt mục tiêu sẽ cập nhật thông tin dự báo theo từng giờ. Đặc biệt là đa dạng hóa phương thức truyền tin, tăng cường dự báo hướng tới người dùng qua ứng dụng (app) di dộng, fapage facebook, zalo.
Theo đó, nguồn thông tin chính thống từ Tổng cục Khí tượng Thủy văn về các bản tin dự báo, cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, dông sét, ngập úng, lũ quét, triều cường,… sẽ liên tục được cập nhật. Đây là một điểm duy nhất có trên app của Tổng cục Khí tượng Thủy văn mà không có bất cứ ứng dụng nào khác. Tính năng thông báo tức thời sẽ được cập nhật cho người dùng khi có cảnh báo thiên tại điểm/vị trí người dùng quan tâm.
Cho rằng app dự báo thời tiết này rất quan trọng, có nhiều nét vượt trội về dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoạn, khó lường, giáo sư tiến sĩ Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn khẳng định sẽ tiếp tục hoàn thiện để kịp thời truyền tải đến cộng đồng, để người dân nắm bắt và kịp thời phòng tránh.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Tổng cục Khí tượng Thủy văn cũng “tiết lộ” ý định sẽ xây dựng thêm một số trạm quan trắc nền về không khí, xây dựng mạng lưới quan trắc không khí cũng như xác định các chất thải không khí để cố gặng tập hợp các nguồn thải; xây dựng mô hình cảnh báo không khí rộng khắp tại các địa phương để tường bước hoàn thiện hệ thống dữ liệu và kịp thời đưa ra các dự báo về diễn biến ô nhiễm không khí.../.
Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/tet-tan-suu-2021-am-co-kha-nang-xay-ra-mua-phun-ve-dem-va-sang-298245.html
15:09, 17/01/2021
10:12, 11/01/2021
11:12, 27/12/2020