19/01/2025 | 09:19 GMT+7, Hà Nội

Techcombank bắt nợ có đúng luật?

Cập nhật lúc: 23/11/2015, 09:46

Năm 2014, Ngân hàng Techcombank thua kiện và phải bồi thường thiệt hại cho công ty CP Thuý Đạt (Nam Định) hơn 4,1 tỷ đồng trong vụ án tranh chấp Thư tín dụng L/C. Tổng số tiền bồi thường và lãi phát sinh lên tới 4,4 tỷ đồng.

Gần một năm sau Bản án phúc thẩm, ngày 1/8/2015, Techcombank chuyển 4,4 tỷ đồng vào tài khoản của công ty Thuý Đạt mở tại Techcombank Chi nhánh Nam Định. Và ngày 19/8/2015, Techcombank lại cấn trừ toàn bộ số tiền này để xử lý khoản nợ vay khác của doanh nghiệp (DN), dường như đây là “chiêu” thu nợ xấu.

Trước việc ngân hàng “gửi tiền tay trái, thu hồi tay phải”, công ty Thuý Đạt đã có văn bản gửi các cơ quan pháp luật tố rằng “Techcombank tự động trích tiền từ tài khoản của công ty để thu nợ là trái pháp luật”.

“Tự nguyện” lập lờ

Phía Techcombank trần tình rằng: Ngân hàng đã tự nguyện thi hành án bằng cách chuyển 4,4 tỷ đồng vào tài khoản của DN, sau đó thu tiền để trả nợ quá hạn là “quyền hợp pháp của ngân hàng”.

Đại diện ngân hàng cho biết, hiện không có quy định nào buộc ngân hàng khi tự nguyện thi hành án phải trả tiền vào tài khoản của cơ quan thi hành án. Do đó, ngân hàng có thể chuyển tiền vào tài khoản của DN. Do vậy, khi tài khoản DN có tiền thì ngân hàng được phép bắt nợ căn cứ theo hợp đồng tín dụng.

Để chứng minh, Techcombank cho biết ngân hàng đã gửi đơn đề nghị tiếp tục kháng nghị Giám đốc thẩm đối với Bản án phúc thẩm. Ngày 4/5/2015, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã ra quyết định hoãn thi hành án đối với bản án phúc thẩm thời hạn 03 tháng.

Căn cứ theo quyết định hoãn thi hành án của Thi hành án Nam Định (ngày 11/5/2015), Techcombank tính toán đến ngày 11/8/2015 sẽ hết thời hạn. Ngân hàng đã “tự nguyện” thi hành án trước thời điểm này nhằm “giảm thiểu thiệt hại có thể phát sinh từ tiền phạt chậm thi hành án, đảm bảo quyền lợi cho bên phải thi hành án (Techcombank)”.

Techcombank tự trích tiền của DN để xử lý nợ xấu khi vụ án đang được toà án thụ lý

Ngược lại, phía công ty Thuý Đạt cho rằng: “Chúng tôi đã đề nghị Techcombank chuyển tiền cho cơ quan thi hành án để công ty nhận ở đây theo đúng thủ tục thi hành án. Còn vụ kiện đòi nợ vay quá hạn tại Techcombank, sau này, công ty sẽ trả nợ theo phân xử của toà án”.

Vào tháng 7/2015, khi hai bên làm việc với Toà án Tối cao, công ty đã yêu cầu Techcombank chuyển tiền vào tài khoản doanh nghiệp mở tại BIDV – Chi nhánh Nam Định, nếu ngân hàng muốn tự nguyện thi hành án.

Căn cứ bắt nợ có đúng luật?

Ông Thiều Ánh Dương, Giám đốc xử lý nợ của Techcombank (Hội sở), đã dẫn ra nhiều văn bản, căn cứ pháp lý để chứng minh việc tự nguyện thi hành án và thu nợ là hợp pháp.

Cụ thể, Techcombank đã gửi thông báo tới Chi cục Thi hành án Nam Định và cơ quan này không phản hồi thông báo này của Techcombank. Ông Dương “hiểu” việc không phản hồi này như là cơ quan thi hành án đã không phản đối khi Techcombank được chuyển tiền vào tài khoản của DN tại chính ngân hàng này.

Đến ngày 1/8/2015, ngân hàng đã chuyển 4,4 tỷ đồng vào tài khoản 140.22930004.xxx của công ty Thúy Đạt mở tại Techcombank – Chi nhánh Nam Định. “Pháp luật không có quy định nào chỉ định tài khoản hoặc cấm ngân hàng không được thanh toán vào tài khoản này, hay phải được sự đồng ý của doanh nghiệp về tài khoản chuyển tiền” – ông Dương cho biết.

Cũng theo ông Dương, công ty Thuý Đạt còn dư nợ 31 tỷ đồng tại Techcombank (đến ngày 30/6/2015) đã quá hạn… 1.000 ngày. Căn cứ theo Khoản 7.1 của Hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng số 989 ký từ năm 2012, ngân hàng được tự trích tiền trên tài khoản của công ty Thúy Đạt để thu nợ.

Hơn nữa, trước khi chuyển tiền “tự nguyện” thi hành án, tháng 6/2015, Techcombank đã khởi kiện công ty Thúy Đạt để đòi khoản nợ 31 tỷ đồng nói trên. Đến đầu tháng 8/2015, tòa án đã thụ lý vụ kiện này.

Như vậy, đến cuối tháng 8/2015, khi tiến hành bắt nợ trên tài khoản của công ty Thúy Đạt, Techcombank cần phải được sự đồng ý của tòa án, vì số tiền này, nếu không do cơ quan thi hành án chi trả, thì cũng là tài sản của DN trong chính vụ kiện của ngân hàng mà toà án đã thụ lý. Nhưng ông Dương đã không đưa được bất kỳ giấy tờ nào của tòa án cho phép ngân hàng được bắt nợ tài sản của DN trong thời gian tố tụng của vụ kiện.

Ngay cả khi ngân hàng được phép bắt nợ thì tòa án sẽ là cơ quan ra lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, gửi cho ngân hàng yêu cầu phong tỏa tài khoản DN. Nói cách khác, việc Techcombank tự ý trả tiền thua kiện vào tài khoản DN để sau đó… cấn trừ hết số tiền này đều không có căn cứ pháp lý.

Về nguyên tắc, thi hành án là căn cứ theo yêu cầu của bên được thi hành án. Có nghĩa là kể cả khi “tự nguyện” thi hành án, thì Techcombank phải chuyển tiền vào tài khoản theo chỉ định của cơ quan thi hành án và công ty Thúy Đạt.

Còn nếu “nại” theo hợp đồng tín dụng, ngân hàng lại cần có ý kiến của toà án là nơi đang thụ lý vụ kiện khác. Tuy nhiên, cả hai điều kiện này Techcombank đều không có đủ thì ngân hàng có “đúng” trong vụ lùm xùm tự ý lấy tài sản của DN?