19/01/2025 | 09:30 GMT+7, Hà Nội

Tây Hồ (Hà Nội): Chính quyền \"cưỡng chế tháo dỡ\" tài sản của người dân có đúng quy định?

Cập nhật lúc: 19/12/2021, 09:15

Người dân cho rằng, chính quyền địa phương đã cưỡng chế tháo dỡ không đúng quy định, trong khi tài sản bị phá dỡ, san gạt và họ không nhận được bất kỳ bồi thường, hỗ trợ nào?

Người dân kêu cứu vì chính quyền cưỡng chế tháo dỡ sai quy trình?

Người dân sinh sống tại khu vực cuối ngõ 76 An Dương (phường Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội) bức xúc cho biết, mặc dù chính quyền địa phương mới chỉ ban hành thông báo nhưng đã thực hiện cưỡng chế giải tỏa, san gạt mặt bằng và người dân không nhận được bất kỳ bồi thường nào cho tài sản, hoa màu.

Cụ thể, theo phản ánh, ngày 9/11/2021, UBND phường Yên Phụ có ban hành Thông báo số 157/TB-UBND (ĐC) yêu cầu, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hiện đang có nhà cấp 4, nhà tôn, cây trồng, hoa màu…tự di chuyển, dỡ bỏ toàn bộ công trình, cây trồng, vật kiến trúc ra khỏi khuôn viên khu đất (rộng khoảng 7.097,9m2) xong trước ngày 21/11/2021.

Ngoài ra Thông báo cũng nêu, từ ngày 22/11/2021, UBND phường sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành san gạt, giải tỏa…mọi thiệt hại về tài sản, cây trồng trên đất, tổ chức, gia đình, cá nhân hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Đến ngày 30/11/2021, lực lượng chức năng phường đã cho máy xúc vào cưỡng chế tháo dỡ tại khu vực được cho là vi phạm. Trong đó, nhiều tài sản của người dân, cây cối, hoa màu trên khu đất đã bị san phẳng.

Phường Yên Phụ vi phạm cưỡng chế tài sản
Việc chính quyền địa phương tiến hành cưỡng chế tháo dỡ liệu có đúng quy trình và đúng quy định pháp luật hay không?

Người dân cho biết, trước khi nhận chuyển nhượng, họ được biết diện tích đất đang sử dụng được khai hoang từ những năm 1990. Thậm chí, có người dân còn cho rằng, họ đã đóng tiền thuế đất, thuế trồng cây lâu năm cho chính quyền địa phương.

Đơn cử như trường hợp của bà L.T.N, năm 2019, gia đình bà có nhận chuyển nhượng lại mảnh vườn có diện tích 240m2 ở cuối ngõ 76 An Dương (khu vực bãi bồi sông Hồng). Thời điểm đó, mảnh vườn có 1 nhà tôn cấp 4 (tường tôn, mái tôn, cột sắt, nền bê tông) với diện tích 70m2, còn lại là cây cối, hoa màu. Gia đình bà N cho biết, sau khi nhận chuyển nhượng, gia đình bà N gồm 8 người đã chuyển về ngôi nhà tại địa chỉ trên để sinh sống và đã đăng ký tạm trú, tạm vắng.

Cũng theo gia đình bà N trình bày, kể từ khi mua lại mảnh vườn cuối ngõ 76 An Dương, gia đình bà không nhận được bất kỳ sự nhắc nhở nào từ chính quyền địa phương, cũng như bị lập biên bản vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính về việc xây dựng nhà ở trái phép, lấn chiếm đất công,…Thế nhưng, đến ngày 11/11/2021, gia đình bà N nhận được Thông báo số 160/TB-UBND của UBND phường Yên Phụ, về việc yêu cầu tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm.

Nội dung Thông báo có ghi: Yêu cầu gia đình bà L.T.N – Chủ đầu tư xây dựng công trình vi phạm tại khu đất bãi bồi sông Hồng cuối ngõ 76 An Dương, phường Yên Phụ, di chuyển toàn bộ tài sản, vật kiến trúc và tự tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm xong trước ngày 21/11/2021.

Người thân gia đình bà N bức xúc cho hay: “Chính quyền chưa hề lập biên bản cũng như chưa ban hành quyết định xử lý vi phạm về xây dựng, nhưng ngày 30/11/2021, trong lúc mẹ tôi đi vắng lực lượng chức năng phường Yên Phụ đã cho máy xúc vào phá toàn bộ ngôi nhà, cây cối, hoa màu trên đất”.
"Ngày 30/11/2021, trong lúc mẹ tôi đi vắng lực lượng chức năng phường Yên Phụ đã cho máy xúc vào phá toàn bộ ngôi nhà, cây cối, hoa màu trên đất”, người thân bà N cho biết.

Người thân gia đình bà N bức xúc cho hay: “Chính quyền chưa hề lập biên bản cũng như chưa ban hành quyết định xử lý vi phạm về xây dựng, nhưng ngày 30/11/2021, trong lúc mẹ tôi đi vắng lực lượng chức năng phường Yên Phụ đã cho máy xúc vào phá toàn bộ ngôi nhà, cây cối, hoa màu trên đất”.

Mặc dù gia đình bà N đã yêu cầu lực lượng chức năng xuất trình các biên bản, quyết định cưỡng chế, tháo dỡ nhà nhưng không được đáp ứng. Cũng theo phản ánh của gia đình bà N, thời điểm phường xuống tháo dỡ căn nhà tạm, một số tài sản của gia đình bà N cũng đã bị lực lượng cưỡng chế tháo dỡ chở về trụ sở. 

Cho rằng chính quyền địa phương thực hiện không đúng quy định, trong khi tài sản bị phá dỡ, san gạt và không nhận được bất kỳ bồi thường nào, người dân được cho là chủ sử dụng đất đã gửi đơn khiếu nại lên UBND phường Yên Phụ, UBND quận Tây Hồ và UBND TP. Hà Nội.

Đồng thời, họ cũng cung cấp một số tài liệu chứng mình quyền sử dụng đất, cây cối hoa màu như: Hóa đơn đóng thuế đất nông nghiệp, hóa đơn đóng thuế trồng cây lâu năm của những chủ sở hữu trước đó đã nộp thuế…Tuy nhiên, những tài liệu này không được chính quyền phường Yên Phụ công nhận.

Cần xác minh rõ ràng nguồn gốc sử dụng đất

Trao đổi nhanh với PV về những nội dung phản ánh trên của người dân, đại diện UBND phường Yên Phụ cho biết: “Khu đất đó là đất công có nguồn gốc bãi sông Hồng do UBND TP. Hà Nội giao cho phường quản lý theo Quyết định số 5559/QĐ-UB ngày 20/12/1999. Người dân tự ra san lấp, lấn chiếm khu đất.

Ngày 9/11, UBND phường có gửi thông báo đến tất cả các hộ dân. Hiện trạng có mình gia đình bà N. ở trên khu đất và chúng tôi đã gửi thông báo cho gia đình bà, đề nghị di chuyển toàn bộ vật kiến trúc, tài sản ra khỏi khu đất đó. Tài sản trên khu đất có mấy cây chuối, 2 lều không có người ở và 1 lều tạm quây vài tấm tôn khoảng 40m2 là gia đình bà N. đang ở. Đến ngày 30/11, UBND phường mới tiến hành giải tỏa”.

“Về góc độ chính quyền, chúng tôi đã xem xét giấy tờ của người dân và báo cáo quận, thông báo trả lời đơn. Người dân cung cấp hồ sơ giấy tờ về đất, thì chúng tôi sẽ báo cáo. Hiện, họ mới chỉ cung cấp biên lai thuế photo, không ghi địa chỉ cụ thể”, vị đại diện phường Yên Phụ nói.

Cưỡng chế Yên Phụ vi phạm pháp luật
Người dân phản ánh, ngày 30/11/2021, lực lượng chức năng phường Yên Phụ đã cho máy xúc cưỡng chế tháo dỡ nhà tạm, cây cối, hoa màu trên đất của người dân?

Tuy nhiên, người dân cho rằng, họ đã đóng thuế đất nông nghiệp và cây lâu năm từ những năm 1990, tại vị trí khu đất bị cưỡng chế tháo dỡ? Thậm chí, trước đó vào năm 2016, người dân có nhận được thông báo của UBND phường, về việc đề nghị người dân phối hợp với tổ công tác để hỗ trợ đo đạc, cắm mốc giới.

Cán bộ địa chính phường Yên Phụ cũng cho biết thêm: “Theo chỉ đạo của UBND quận, thì UBND phường xin kế hoạch và thông báo cho người dân di chuyển toàn bộ các thứ ra khỏi khu vực, để phường giải tỏa, rào, quản lý, chống lấn chiếm. Về thuế, người ta có cung cấp biên lai nhưng không xác định vị trí. Tôi khẳng định từ năm 2009 đến giờ, khu đó không có bất kỳ trường hợp nào đóng thuế. Trước đó người ta có đóng không thì tôi không dám chắc”.

Việc chính quyền địa phương chưa xác minh rõ ràng nguồn gốc sử dụng đất của một số hộ dân, đã tiến hành cưỡng chế tháo dỡ liệu có đúng quy trình và đúng quy định pháp luật hay không? PV cũng đề nghị chính quyền địa phương cung cấp hồ sơ xử lý vi phạm và quy trình cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm, nhưng lãnh đạo phường đã từ chối cung cấp vì “không đủ thẩm quyền”?

Đề nghị UBND TP. Hà Nội, UBND quận Tây Hồ và các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc xác minh, làm rõ phản ánh trên và có hướng giải quyết triệt để nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/tay-ho-ha-noi-chinh-quyen-cuong-che-thao-do-nha-dan-co-dung-quy-dinh-20201231000004740.html