19/01/2025 | 09:32 GMT+7, Hà Nội

"Tất tần tật" những điều cần biết về thương mại điện tử

Cập nhật lúc: 30/10/2015, 00:31

Thương mại điện tử được đánh giá là một trong những thị trường hấp dẫn và tiềm năng khi liên tục có những bước phát triển vượt bậc trong những năm vừa qua.

Theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế, năm 2016 sẽ là năm “bùng nổ” của Thương mại điện tử Việt Nam với giá trị thị trường dự kiến đạt 1 tỷ USD.

Nắm bắt xu thế này, nhiều doanh nghiệp đã ồ ạt nhảy chân vào kinh doanh thương mại điện tử với nhiều tham vọng và mang đến cho thị trường hàng chục thương hiệu thương mại điện tử mới.

Tuy nhiên, với quá nhiều thương hiệu thương mại điện tử và với sự kiểm soát chưa thực sự chặt chẽ của thị trường sẽ gây ra những mặt trái với "trắng đen lẫn lộn".

Từ dữ liệu của SocialHeat - hệ thống lắng nghe & theo dõi người dùng trên các kênh Social Media trong khoảng thời gian từ 1/7 đến 30/9/2015 thì những cái tên nổi bật trên thị trường thương mại điện tử hiện nay gồm có Adayroi.com, Lazada.vn, Zalora.vn, Tiki.vnSendo.vn.

Thương hiệu nào đang hoạt động mạnh mẽ nhất?

Các thương hiệu thương mại điện tử được đánh giá là uy tín trên thị trường

Theo khảo sát thì trong suốt 3 tháng qua, Lazada đã dẫn đầu về thị phần thảo luận, đặc biệt là trong tháng 9 - nhờ chuỗi sự kiện và minigame liên kết với nhãn tã Moony trên fanpage, thu hút đông đảo lượng người dùng là nữ tham gia nhiệt tình - góp phần lớn vào 92.655 lượt thảo luận nhắc đến Lazada, chiếm đến 48% tổng lượng thảo luận của cả 5 thương hiệu trong tháng 9.

Adayroi là "tân binh" trong thị trường khi vừa mới ra mắt vào tháng 8. Hiện thương hiệu này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và chưa tạo được nhiều dấu ấn trên thị trường.

Nhóm sản phẩm nào được quan tâm nhất?

Trong các dòng sản phẩm trên thương mại điện tử được quan tâm thảo luận nhiều nhất thì dòng sản phẩm dành cho Mẹ & Bé đang có mức tăng trưởng ấn tượng nhất.

Chuyển từ mua sắm ở các điểm bán lẻ sang online là xu hướng chung của thị trường, nhưng sự tăng trưởng của dòng sản phẩm chăm sóc Mẹ & Bé trong những tháng qua phải kể đến sự ảnh hưởng rất lớn từ các chương trình khuyến mãi, các sự kiện khủng được tổ chức bởi cả hãng sản xuất và thương hiệu thương mại điện tử, thu hút rất lớn sự quan tâm của khách hàng tiềm năng thuộc dòng sản phẩm này (Nữ, từ 25-40 tuổi).

Người mua hàng quan tâm nhất điều gì?

Trước khi mua hàng, 22,9% thảo luận của người dùng là về giá, trong đó chủ đề được đưa ra nhiều nhất là so sánh giá: Giữa các trang hoặc giữa mua online và ở điểm bán lẻ.

19,8% thảo luận ngay trước khi ra quyết định mua hàng của người dùng là về thương hiệu, bao gồm các chủ đề: thăm dò, đặt vấn đề, nhờ tư vấn...

Một số lượng khác người dùng (9,2%) lại bị hấp dẫn bởi thông tin từ các chương trình khuyến mãi, lượng người dùng này sẵn sàng thử mua hàng ở những trang thương mại điện tử mới vì khuyến mãi và rủ rê, mời gọi người dùng khác cùng tham gia.

Trước khi mua hàng, 22,9% thảo luận của người dùng là về giá

Bên cạnh chia sẻ trải nghiệm về chất lượng sản phẩm sau khi mua, “giao hàng” là một trong những chủ đề được người dùng bàn luận nhiều nhất, chiếm 26,4% lượng thảo luận.

Trong đó, người dùng đưa ra các đánh giá về dịch vụ giao hàng bao gồm thời gian, bao bì, đóng gói và thái độ nhân viên giao hàng.

Lượng thảo luận về khuyến mãi sau mua hàng tăng đến 9% so với trước khi mua hàng nhờ chia sẻ trải nghiệm cũng như giới thiệu chương trình giữa các người dùng.

Ngoài ra, các thống kê của SocialHeat cũng cho thấy sự khác biệt khá rõ ràng trong tâm lý và cách lựa chọn thương hiệu thương mại điện tử giữa người dùng ở 2 thành phố lớn.

Nếu như ở Hà Nội thương hiệu và uy tín thương hiệu là một trong những yếu tố quan trọng nhất, thì ở TP.HCM dịch vụ khách hàng lại nhận được sự quan tâm lớn hơn.

Điểm chung ở cả 2 thành phố là Dịch vụ giao hàngGiá cả quyết định rất lớn đến sự chọn lựa và gắn bó của người dùng với các thương hiệu thương mại điện tử.

Thương mại điện tử, hay còn gọi là e-commerce, e-comm hay EC, là sự mua bán sản phẩm hay dịch vụ trên các hệ thống điện tử như Internet và các mạng máy tính.

Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), "Thương mại điện tử bao gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng Internet, nhưng được giao nhận một cách hữu hình, cả các sản phẩm giao nhận cũng như những thông tin số hoá thông qua mạng Internet".