Tạo lập thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền
Cập nhật lúc: 20/05/2024, 13:32
Cập nhật lúc: 20/05/2024, 13:32
Thực hiện Quyết định số 11/QĐ-VNREA-BCH của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) về việc giao nhiệm vụ thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học và hội thảo khoa học: "Tạo lập thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam", chiều 18/5, Ban chủ nhiệm Đề tài tổ chức Tọa đàm nhằm lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học phục vụ cho công tác triển khai Đề tài và tổ chức hội thảo khoa học quốc tế.
Tham dự tọa đàm, về phía các đại biểu Quốc hội có TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.
Về phía lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam có TS.LS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch VNREA, Chủ tịch Tập đoàn CEO, Chủ nhiệm Đề tài; Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch VNREA, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam.
Về phía các chuyên gia, nhà khoa học, Tọa đàm có sự tham gia của GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia; TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia; PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế; TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế; Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng Tài quốc tế Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI; ThS. Nguyễn Văn Đỉnh, Chuyên gia pháp lý bất động sản.
Về phía Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam có ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam; ông Nguyễn Thành Công, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, Phó Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam.
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ nhiệm Đề tài, TS.LS. Đoàn Văn Bình cho biết, nhà ở vừa túi tiền là vấn đề ngày càng được quan tâm ở nước ta, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi nhà ở bình dân gần như "biến mất" ở các thành phố lớn, khiến giấc mơ "an cư lạc nghiệp" ngày càng xa vời với người lao động tỉnh lẻ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này như chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài, chi phí đầu vào như lãi vay ngân hàng, vật liệu, thiết bị, nhân công đều tăng cao… khiến các nhà phát triển mất quá nhiều công sức, thời gian để có thể triển khai một dự án. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp không mặn mà với các dự án nhà ở vừa túi tiền.
"Trước thực tế này, việc tìm ra các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở vừa túi tiền là rất quan trọng. Với vai trò là một tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức nghiên cứu Đề tài khoa học: "Tạo lập thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam"", LS.TS. Đoàn Văn Bình nói và bày tỏ mong muốn được ghi nhận nhiều ý kiến góp ý trí tuệ của các chuyên gia để Đề tài được thực hiện hiệu quả, đóng góp cách nhìn, giải pháp nhằm tạo lập thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền.
Ảnh: Tùng Dương
Nhận định về Đề tài "Tạo lập thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam", các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao vai trò, ý nghĩa của Đề tài trong việc góp phần thúc đẩy thị trường nhà ở phát triển cân bằng hơn, đáp ứng nhu cầu nhà ở của đại bộ phận người dân.
Góp ý để Đề tài đạt được giá trị nghiên cứu cao nhất và đóng góp thiết thực cho sự phát triển của thị trường nhà ở, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị, Đề tài nghiên cứu cần có cái nhìn thực tế và đánh giá vì sao tại Việt Nam muốn phát triển nhà ở giá thấp nhưng còn gặp không ít khó khăn. Trong khi nếu cố tình ép giá nhà ở xuống thấp thông qua những biện pháp kỹ thuật, không cẩn thận sẽ dễ gây ra những biến tướng.
Do đó, ông Cường cho rằng việc triển khai Đề tài là một cơ hội tốt để "mổ xẻ" về vấn đề nhà ở và giá nhà ở tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Đề tài nếu đánh giá được về vấn đề chi phí trung gian, chi phí không chính thức, chi phí cơ hội có phải là một yếu tố làm đẩy giá nhà lên hay không, sẽ rất tốt bởi đây là điều Nhà nước có thể điều chỉnh được.
Đáng chú ý, GS. Cường cho rằng, khái niệm nhà ở tại Việt Nam so với các quốc gia khác có sự khác biệt. Ở các nước khác, nhà ở là chỗ ở, giải quyết nhu cầu sinh sống của người dân; nhưng ở Việt Nam, do yếu tố văn hóa nên dường như nhà ở không phải chỉ để ở, mà như là một tài sản để lại cho con cháu, mua để chờ tăng giá, là tài sản tích lũy. Chính điều này khiến giá nhà ở tăng cao.
"Vậy nếu muốn nhà ở giá phù hợp giải quyết nhu cầu chính là để ở thì yếu tố tài sản tích lũy cần được giảm đi. Giải pháp nào giải quyết vấn đề này là câu hỏi cần trả lời", chuyên gia nhấn mạnh và góp ý, Đề tài cần làm rõ câu trả lời cho câu hỏi: Nhà ở tại Việt Nam là gì so với các quốc gia khác.
GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. (Ảnh: Tùng Dương)
Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội đánh giá, Đề tài sẽ là một nghiên cứu rất hữu ích. Việc nghiên cứu nên có đánh giá tổng quan cả thị trường nhà ở trong nước và quốc tế. Cùng với đó, cần làm rõ khái niệm thế nào là nhà ở vừa túi tiền? Tiêu chí nào để xác định nhà ở vừa túi tiền? Và đối tượng nào sẽ là đối tượng thụ hưởng nhà ở vừa túi tiền?
"Đề tài cũng nên bổ sung các chính sách phòng ngừa việc đầu cơ, đầu tư từ phân khúc nhà ở thương mại vừa túi tiền", PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến nhấn mạnh.
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế. (Ảnh: Tùng Dương)
Cũng nêu ý kiến góp ý triển khai Đề tài, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, việc khởi tạo và phát triển thị trường nhà ở vừa túi tiền tại Việt Nam là hoàn toàn có khả năng, chứ không đến mức không thực hiện được, đặc biệt là khi thuế ở nước ta còn thấp.
Thế nhưng, thực tế cho thấy, thị trường nhà ở vừa túi tiền còn gì đó vướng víu về mặt chính sách nên chưa thể phát triển.
Vì vậy, Đề tài "Tạo lập thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam" nên có nghiên cứu về các mô hình phát triển nhà ở, tạo ra một mô hình phát triển ở các phân khúc khác nhau, cho những đối tượng dân cư khác nhau với tiềm năng tài chính khác nhau. Với tiềm năng tài chính thấp thì chúng ta có chính sách để hỗ trợ, trợ giúp người dân tiếp cận có được nhà ở cho mình.
GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. (Ảnh: Tùng Dương)
"Sự thực, đây là một đề tài khó, nhưng tôi rất ủng hộ và sẵn sàng đóng góp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam triển khai Đề tài. Thực tế cho thấy hiện nay thị trường nhà ở Việt Nam vẫn đang rất lỏng lẻo, tuy Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này nhưng có lẽ vẫn chưa trúng, chưa đúng, chưa phù hợp ở đâu đó để có thể phát triển nhà ở tại Việt Nam", GS. Võ bày tỏ.
Nhận định về thị trường bất động sản hiện nay, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng thị trường đang đóng băng, trong khi người dân lại rất cần nhà ở, dẫn đến cả chủ đầu tư và người tiêu dùng đều đang bế tắc. Do đó, thị trường cần tìm ra một lối đi.
"Với lối đi truyền thống như hiện nay, trên thị trường đa phần là nhà giá cao và chỉ có rất ít nhà ở xã hội. Như vậy, bế tắc vẫn bế tắc, bế tắc không được giải quyết. Càng dựa vào biện pháp hành chính nhà nước, chúng ta càng không giải quyết được vấn đề cơ bản của thị trường, vấn đề tiếp cận nhà ở có giá hợp lý cho người thu nhập thấp", TS. Lộc lý giải.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. (Ảnh: Tùng Dương)
Trong bối cảnh khó khăn về nguồn cung của thị trường bất động sản, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, Ban chủ nhiệm đề tài đã thảo luận và thống nhất để tìm thêm hướng đi mới cho phân khúc nhà ở thương mại vừa túi tiền. Chắc chắn chúng ta cần tạo lập thị trường, nhưng thị trường có tính chất xã hội. Cụ thể, nghiên cứu về phân khúc nhà ở thương mại vừa túi tiền cần làm rõ tính chất "thị trường – xã hội", vận hành theo thị trường, do các doanh nghiệp, dựa trên cơ sở lợi nhuận nhưng lợi nhuận ở mức độ hợp lý do Nhà nước kiểm soát, chứ không phải là phi lợi nhuận.
Từ góc độ tài chính, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia góp ý, đề tài nên phân tích thêm mối liên kết giữa các doanh nghiệp bất động sản với ngân hàng suốt thời gian qua. Bởi đây cũng là một thực tế có ảnh hưởng nhất định đến việc phát triển nhà ở giá rẻ./.
Các chuyên gia, nhà khoa học, khách mời tham gia Tọa đàm:
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia. (Ảnh: Tùng Dương)
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: Tùng Dương)
Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch VNREA, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam. (Ảnh: Tùng Dương)
TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế. (Ảnh: Tùng Dương)
Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng Tài quốc tế Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI. (Ảnh: Tùng Dương)
ThS. Nguyễn Văn Đỉnh, Chuyên gia pháp lý bất động sản. (Ảnh: Tùng Dương)
Các chuyên gia, nhà khoa học, khách mời tham gia Tọa đàm. (Ảnh: Tùng Dương)
Ngày 12/3/2024, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã ban hành Quyết định số 11/QĐ-VNREA-BCH về việc giao nhiệm vụ thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học và hội thảo khoa học: "Tạo lập thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam".
Theo đó, đơn vị chủ trì thực hiện Đề tài là Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Trường Đại học Luật Hà Nội.
LS.TS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO là Chủ nhiệm Đề tài. Đơn vị thực hiện là Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam.
Nhóm chuyên gia thực hiện tư vấn phản biện bao gồm các chuyên nhà, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản, kinh tế, tài chính, luật, thống kê… trong và ngoài nước.
Quyết định cũng nêu rõ, mục tiêu thực hiện Đề tài là nhằm nghiên cứu, khảo sát cơ sở lý luận và thực tiễn về thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền trên thế giới; đánh giá nhu cầu, tiềm năng, cơ hội và thách thức của thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền ở Việt Nam; đề xuất mô hình, cơ chế, chính sách để phát triển thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền ở Việt Nam.
Thời gian thực hiện đề tài: Quý I - IV/2024
Thời gian tổ chức Hội thảo dự kiến: tháng 10/2024, trong khuôn khổ Diễn đàn Mùa Thu
Nguồn: https://reatimes.vn/vnrea-to-chuc-toa-dam-trien-khai-de-tai-nghien-cuu-khoa-hoc-ve-tao-lap-thi-truong-nha-o-thuong-mai-vua-tui-tien-202240518185236663.htm
10:10, 22/05/2024
09:11, 16/05/2024
09:32, 04/04/2024
09:25, 18/03/2024
10:06, 03/03/2024