19/01/2025 | 15:29 GMT+7, Hà Nội

Tăng liên kết để kích cầu du lịch Thủ đô

Cập nhật lúc: 18/06/2020, 16:55

Du lịch Thủ đô đang từng bước thực hiện kế hoạch kích cầu nhằm khắc phục sự suy giảm lượng khách do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đồng thời hưởng ứng chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam"...

Du lịch Thủ đô đang từng bước thực hiện kế hoạch kích cầu nhằm khắc phục sự suy giảm lượng khách do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đồng thời hưởng ứng chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động. Để hoạt động kích cầu đạt hiệu quả, bên cạnh nâng cao chất lượng điểm đến, hình thành sản phẩm du lịch mới, Hà Nội còn đẩy mạnh liên kết du lịch với các địa phương khác.

Du khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Nhật Nam

Hiệu quả từ hoạt động liên kết

Nhận thấy hiệu quả từ việc liên kết phát triển du lịch, nhiều năm qua, Hà Nội đã “bắt tay” với nhiều địa phương hình thành chuỗi liên kết vùng trong hoạt động du lịch, như: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Ninh Bình; Hà Nội - Sa Pa (Lào Cai); Hà Nội - Cao Bằng - Bắc Kạn; Hà Nội - Thanh Hóa - Nghệ An - Quảng Bình…

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong năm 2019, Sở và các công ty lữ hành Thủ đô đã tổ chức hàng chục hoạt động liên kết du lịch trong nước và quốc tế, trong đó có hoạt động đón 3 đoàn famtrip (khảo sát du lịch) của Australia, Nhật Bản và các nước châu Âu.

Năm 2020, ngành Du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng ngay khi hoạt động kích cầu du lịch nội địa trở lại từ đầu tháng 5, ngành Du lịch Thủ đô đã tổ chức nhiều hoạt động liên kết du lịch với các địa phương. Trong đó, nổi bật là chương trình liên kết với sự tham gia của hơn 60 doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch Hà Nội tìm hiểu thị trường tại các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình vào cuối tháng 5 vừa qua, nhằm khôi phục thị trường khách giữa Hà Nội và các tỉnh miền Trung.

Đánh giá về hiệu quả các hoạt động liên kết, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết, hoạt động liên kết giúp các đơn vị tìm kiếm điểm đến mới, tăng cường sự trao đổi giữa các địa phương. Còn Giám đốc Công ty Du lịch VietSense Travel Nguyễn Văn Tài cho rằng, việc liên kết vùng du lịch giúp hoạt động lữ hành của các địa phương chuyên nghiệp hơn khi cung cấp dịch vụ.

Tuy nhiên, theo nhiều đơn vị lữ hành, hoạt động liên kết du lịch giữa Hà Nội và các địa phương khác mới chỉ ở bề nổi. Theo Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ, hoạt động liên kết giữa các địa phương và doanh nghiệp du lịch mới tập trung vào quảng bá, ít chú trọng tới xây dựng sản phẩm đặc trưng, thậm chí vẫn còn tình trạng trùng lặp về sản phẩm du lịch.

Còn theo Giám đốc Công ty Du lịch HanoiRedtour Nguyễn Công Hoan, việc liên kết du lịch giữa khu vực nội thành và ngoại thành Hà Nội chưa được như mong muốn. Mặc dù có nhiều lợi thế phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, song do thiếu sản phẩm du lịch hấp dẫn, dịch vụ ở các điểm đến chưa tốt, nên các đơn vị lữ hành gặp không ít khó khăn để thiết kế tour cho du khách.

Chủ động và chuyên nghiệp hơn

Với mục tiêu đẩy mạnh liên kết vùng nhằm phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trở thành trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, ngành Du lịch Hà Nội đã chủ động hợp tác, giao lưu, liên kết với các địa phương để kích cầu du lịch nội địa. Tuy gặt hái được nhiều kết quả nhất định, song việc liên kết giữa các địa phương cũng gặp không ít bất cập do điều kiện phát triển, đầu tư du lịch ở từng địa phương khác nhau, nên chưa có sự ăn nhập trong quá trình liên kết.

Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Trương Sỹ Vinh, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là một trong những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh và mật độ dân cư cao nhất nước, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, tạo nên sức ép về nhiều mặt, trong đó có phát triển du lịch. Điều này cũng gây nhiều ảnh hưởng đến quá trình hình thành những sản phẩm du lịch mới của các địa phương.

"Để khắc phục những bất cập nói trên, Hà Nội cần chủ động và chuyên nghiệp hơn trong hoạt động liên kết với các địa phương ở nhiều góc độ, như: Liên kết trong xúc tiến quảng bá du lịch, liên kết phát triển nguồn nhân lực, liên kết phát triển các tuyến du lịch... Ngoài ra, Hà Nội nên thường xuyên tổ chức những hội chợ du lịch giới thiệu sản phẩm mới, các chương trình du lịch hấp dẫn du khách tại Hà Nội và các địa phương trong cả nước", ông Trương Sỹ Vinh nhấn mạnh.

Đề cập đến giải pháp để hoạt động liên kết du lịch đạt hiệu quả hơn, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, thời gian tới, ngành Du lịch Thủ đô sẽ tăng cường xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù hơn, tổ chức đón các đoàn khảo sát khám phá các điểm du lịch mới; yêu cầu các đơn vị nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm du lịch làng nghề, sinh thái ở khu vực ngoại thành.

“Bên cạnh việc nâng cao chất lượng điểm đến, ngành Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức các hoạt động lễ hội văn hóa, ẩm thực; hoạt động vui chơi cộng đồng; tiếp tục triển khai các ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động du lịch để tăng tính tương tác với du khách khi đến Hà Nội”, ông Trần Trung Hiếu cho biết.