23/11/2024 | 01:54 GMT+7, Hà Nội

Tăng giá dịch vụ y tế đối với người không có thẻ BHYT

Cập nhật lúc: 29/09/2016, 02:16

Theo dự kiến, từ ngày 1/1/2017 tới đây, mức giá viện phí mới sẽ tăng khoảng 30 - 50% so với hiện tại và áp dụng với những người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Mức viện phí này hiện đã được áp dụng với người bệnh BHYT nhưng chưa áp dụng với người không có thẻ BHYT.

Chia sẻ với báo Người Lao động, đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế cho biết danh mục này được bổ sung hàng chục dịch vụ hiện không được BHYT chi trả như: Thẩm mỹ, các kỹ thuật điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt, khám sức khỏe,... 

Đồng thời, giá khám bệnh và giá ngày/giường phân theo hạng bệnh viện, trong đó giá khám bệnh tăng 9.000 - 22.000 đồng/lượt (tùy hạng bệnh viện).

 Giá viện phí dự kiến tăng từ 1/1/2017

Đối với các dịch vụ kỹ thuật khác, các bệnh viện sẽ áp dụng chung một giá. Ví dụ: Giá hiện hành nội soi dịch vụ có sinh thiết là 410.000 đồng sẽ tăng lên 525.000 đồng (đợt 1) và 621.000 đồng (đợt 2). Nội soi ổ bụng giá hiện hành là 575.000 đồng sẽ tăng lên 684.000 đồng và 793.000 đồng...

Bộ Y tế cho biết bình quân giá các dịch vụ y tế tăng khoảng 30% khi tính thêm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù. Nếu tính thêm tiền lương, mức tăng trung bình là khoảng 20%.

Như vậy, với việc viện phí mới chuẩn bị được áp dụng cả với nhóm người bệnh không có thẻ BHYT và người bệnh phải tự chi trả toàn bộ thì chi phí điều trị của người không có thẻ BHYT dự kiến sẽ tăng mạnh.

Đáng chú ý, ngoài giá khám bệnh, giường bệnh tăng thì giá viện phí cũng được điều chỉnh với khoảng 1.900 dịch vụ y tế. Mức điều chỉnh tương đương với giá của nhóm BHYT.

Theo con số thống kê mới đây, hiện đã có gần 80% dân số có thẻ BHYT, chỉ còn 20% chưa tham gia, trong đó phần lớn là người có mức sống trung bình trở lên.

Để giảm bớt gánh nặng cho đối tượng này thì giải pháp quan trọng nhất là phải tham gia BHYT. Tuy nhiên hiện Luật BHYT quy định, tham gia BHYT là bắt buộc, vậy nên thời gian tới Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương chuyển phần ngân sách đang cấp tiền lương cho các bệnh viện hiện nay để hỗ trợ 30% còn lại cho người cận nghèo tham gia BHYT, nâng mức hỗ trợ người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình để họ tham gia BHYT (mức hỗ trợ tối thiểu hiện là 30%)..

Trước đó, vào tháng 8/2016, đợt tăng giá viện phí đối với người có thẻ BHYT được triển khai với 16 tỉnh, thành có tỉ lệ người dân tham gia BHYT trên 85%. Theo đó, mức viện phí đã được tính thêm lương nhân viên y tế.