19/01/2025 | 07:21 GMT+7, Hà Nội

Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA

Cập nhật lúc: 12/08/2019, 20:00

Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA...

Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 18 ngày 29-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới cho chi đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên.

tang cuong quan ly nang cao hieu qua su dung von vay oda

Ảnh minh họa

Theo Bộ GTVT, vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài chỉ được sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên; không sử dụng vốn vay nước ngoài để nộp thuế, trả các loại phí, lãi suất tiền vay; không sử dụng vốn vay để mua sắm ô tô, vật tư, thiết bị dự phòng cho quá trình vận hành sau khi dự án hoàn thành. Chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án, các khoản thuế, chi phí lãi suất, các khoản phí nước ngoài thu trong thời gian xây dựng phải được bố trí từ vốn đối ứng theo quy định, không sử dụng vốn vay.

Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu, ban QLDA rà soát các chương trình dự án đã ký kết và có hiệu lực, đang triển khai thực hiện, cắt giảm các khoản chi mang tính chất quản lý hành chính như: mua sắm xe ô tô, thiết bị văn phòng, khảo sát nước ngoài, nâng cao năng lực, quản lý dự án, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm trên cơ sở thống nhất với nhà tài trợ; đề xuất cắt giảm những nội dung chưa thực sự cấp bách báo cáo Bộ GTVT để gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư làm thủ tục điều chỉnh dự án (nếu cần thiết), giảm vốn vay với nhà tài trợ.

Cụ thể, đối với hoạt động mua sắm trang thiết bị: cần rà soát trên nguyên tắc đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, không sử dụng vốn vay để mua sắm ô tô, trang thiết bị văn phòng; Đối với hoạt động đào tạo theo các chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ phê duyệt được tiếp tục thực hiện cho đến khi kết thúc dự án. Cần thực hiện rà soát lại chương trình đào tạo, cắt giảm các nội dung không thực sự cần thiết.

Đối với hoạt động chi nghiên cứu, khảo sát, xây dựng chế độ, chính sách, tăng cường năng lực, chi hoạt động của ban QLDA: Chủ động rà soát, cắt giảm, tính toán các hoạt động thiết yếu còn lại để vận hành dự án bố trí trong kinh phí thường xuyên từ ngân sách nhà nước, không sử dụng vốn vay cho các hoạt động này.

Đối với các dự án đề xuất mới, khi đề xuất dự án sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi cần cân nhắc kỹ về hiệu quả, quy mô dự án; chỉ đề xuất vay theo phương thức chỉ định nhà cung cấp, nhà thầu của nhà tài trợ nước ngoài trong trường hợp chứng minh hàng hóa, thiết bị của nhà tài trợ nước ngoài có ưu thế vượt trội về công nghệ,…

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/tang-cuong-quan-ly-nang-cao-hieu-qua-su-dung-von-vay-oda-158558.html