22/11/2024 | 14:43 GMT+7, Hà Nội

Tận mắt ngắm siêu cây “mâm xôi con gà” giá triệu đô

Cập nhật lúc: 30/04/2016, 09:30

Trở lại Hà Nội sau triển lãm sinh vật cảnh chào mừng 1.000 năm Thăng Long, siêu cây “Mâm xôi con gà” vẫn được coi là tâm điểm chú ý của giới cây cảnh, người yêu nghệ thuật tại Festival sinh vật cảnh Thủ đô lần thứ nhất 2016.

“Mâm xôi con gà” là cây sanh cổ thụ hơn 150 năm tuổi, có xuất xứ từ thôn Ngô Sài, xã Sài Sơn, Quốc Oai, thuộc Hà Tây cũ của dòng họ Phạm.

Cây sanh này thuộc sở hữu của dòng họ Phạm ở thôn Ngô Sài, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Tây cũ. Trước đó, cây mọc trên cổng làng Ngô Sài, vào khoảng giữa những năm đầu của thế kỷ trước, các bô lão trong làng đã hạ cây xuống.

Cụ thân sinh ra ông Phạm Văn Tình, vốn là người yêu thích cây cảnh đã mang về trồng cạnh hòn non bộ trước nhà và chính cụ là người tạo thành dáng “Mâm xôi, con gà”, thể hiện mơ ước của những nông dân thời đó.

Khi ông cụ qua đời, cây sanh thuộc về các con ông, anh em nhà họ Phạm do ông Phạm Văn Tình là trưởng họ. Vì là tài sản chung và ai cũng thích chơi cây cảnh nên các con trai cụ đã chia thời gian để các nhà cùng chơi, mỗi người chơi 3-4 tháng rồi lại chuyển sang nhà khác.

Tháng 8/1996, ông Tình bỏ tiền ra xây cho người em trai căn nhà cấp 4, cây sanh mới thuộc quyền sở hữu hoàn toàn của ông.

Cùng năm đó, họa sĩ Đặng Xuân Cường (Cường họa sĩ), một nghệ nhân nổi tiếng ở đất Hà thành đã phát hiện, tìm mua và trực tiếp tạo dáng cho cây này.

Qua nhiều tay của các đại gia chơi cây, hiện “Mâm xôi con gà” thuộc sở hữu của ông Nguyễn Nam Thành (Thành “vàng”) Việt Trì, Phú Thọ.

“Mâm xôi con gà” nổi tiếng từ năm 2010, trong một triển lãm trưng bày sinh vật cảnh chào mừng 1.000 năm Thăng Long. Từ đây, kiệt tác “Mâm xôi con gà” được định giá 6 triệu USD tương đương với 120 tỷ đồng.

Đặc biệt, tháng 4/2012, siêu cây triệu đô của đại gia đất Việt Trì đã được lên trang bìa của tạp chí về nghệ thuật chơi cây cảnh, bonsai - BCI của Mỹ.

Được biết, BCI là tạp chí về thú chơi và nghệ thuật chơi cây cảnh, bonsai được ấn bản tại Mỹ. Những tác phẩm cây cảnh, bonsai nghệ thuật được đăng tải trên tạp chí này được đánh giá là những hình ảnh nghệ thuật đạt tới tầm quốc tế trong giới chơi cây cảnh nghệ thuật.

Gốc cây sanh ngậm lấy hai khối đá to trông như một “mâm xôi con gà”, khối  đá to phía bên dưới là mâm xôi, còn khối  đá nhỏ nằm trên là con gà, rễ bám quanh khối đá như cái chân gà, khi thân chính của cây lại là phần đầu của con gà đang ngóc lên.

Còn phía trên ngọn cây là hình hai con rồng uốn lượn, những cành cây tua tủa bện xoắn lại với nhau như “phượng múa rồng bay”. 

Hình ảnh mới nhất về siêu cây “Mâm xôi con gà” giá triệu đô tại Festival sinh vật cảnh Thủ đô lần thứ nhất 2016 (Long Biên, Hà Nội):

 Xuất hiện tại Festival sinh vật cảnh Thủ đô lần thứ nhất 2016 này, siêu cây “mâm xôi con gà” với vai trò là một khách mời đặc biệt.

Siêu cây “mâm xôi con gà” được Ban tổ chức dành trọn một vị trí độc, đẹp nhất của không gian triển lãm để du khách có cơ hội thuận lợi ngắm nhìn siêu cây độc nhất vô nhị này.  

Không phủ nhận được độ "hót" của siêu cây sanh này, người tới Festival cây cảnh Thủ đô 2016 không ai có thể bỏ qua nhìn ngắm siêu cây triệu đô này. 

 

Gốc cây sanh ngậm lấy hai khối đá to trông như một “mâm xôi con gà”, khối  đá to phía bên dưới là mâm xôi, còn khối  đá nhỏ nằm trên là con gà, rễ bám quanh khối đá như cái chân gà, khi thân chính của cây lại là phần đầu của con gà đang ngóc lên. 

 Rễ cây mọc tự nhiên nhìn như những chiếc chân gà bám vào đá. 

Còn phía trên ngọn cây là hình hai con rồng uốn lượn, những cành cây tua tủa bện xoắn lại với nhau như “phượng múa rồng bay”.  

Từ thân cây sanh, người ta có thể nhìn thấy sự cổ thụ, tinh tế. 

Theo chủ nhân của siêu cây chia sẻ, cây hội tụ đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa của thiên nhiên nên mới được như vậy. Hoàn toàn sinh trường và phát triển một cách tự nhiên nhưng vẫn giữ được dáng của nó cho đến giờ. 

Để thuận tiện cho bạn bè quốc tế cùng hiểu về cây sanh cổ mâm xôi con gà, đợt tham gia triển lãm lần này ba tổ chức yêu cầu trong bài giới thiệu về cây phải được dịch sang 5 thứ tiếng (Anh, Pháp, Đức, Nhật và Trung).