22/11/2024 | 23:14 GMT+7, Hà Nội

Tâm thế doanh nghiệp địa ốc 2022: Sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng thích ứng

Cập nhật lúc: 15/02/2022, 13:51

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, cái được lớn nhất của doanh nghiệp BĐS hiện nay là bản lĩnh và tâm lý lạc quan. Khi bước sang năm Covid-19 thứ 3, các doanh nghiệp sẽ trở lại với một tâm thế mới, tự tin hơn, sẵn sàng hơn.

Nhìn một cách khái quát, đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng kép ảnh hưởng xấu đến mọi lĩnh vực trong đời sống - kinh tế - xã hội. Sự sụt giảm của nền kinh tế khiến bức tranh về thị trường bất động sản cũng trở nên “tối màu”. Không ít các doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản, chuỗi cung ứng đứt gãy, giao dịch trì hoãn, nguồn cung khan hiếm không được cải thiện…

Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, Covid-19 cũng tạo ra một phép thử giúp sàng lọc các doanh nghiệp địa ốc có “sức khoẻ” tốt, loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém.

Vì vậy, khi bước sang năm 2022, dịch bệnh có diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng sẽ sẵn sàng “vừa chống dịch, vừa phát triển” một cách chủ động, tự tin. Tâm thế của các doanh nghiệp địa ốc sẽ không còn rơi vào trạng thái bị động như trước.

Là đại diện của một doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch HĐQT GP. INVEST, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đã có những chia sẻ với Reatimes về vấn đề này.

PV: Nhìn lại 2 năm vừa qua, khi đại dịch Covid-19 kéo đến và diễn biến phức tạp, ông có đánh giá như thế nào về mức độ ảnh hưởng của nó đến thị trường bất động sản?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến toàn bộ nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng trong hai năm vừa qua là rất lớn. Nhìn chung, thị trường cả nước ở mọi lĩnh vực đều trầm lắng và khá ảm đạm do các hoạt động giãn cách xã hội kéo dài. Riêng thị trường bất động sản cũng ghi nhận nhiều chỉ số sụt giảm mạnh.

Tuy nhiên để đánh giá một cách khách quan, 2 năm vừa qua, thị trường bất động sản không chỉ chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 mà còn ảnh hưởng từ những vướng mắc trong thủ tục pháp lý.

Các quy định chồng chéo, bất cập, không phù hợp với sự phát triển của thị trường đã khiến bối cảnh chung vốn khó khăn càng thêm khó khăn. Nguồn cung mới ở mọi phân khúc bất động sản đều khan hiếm, các doanh nghiệp gần như bế tắc trong việc tìm hướng phát triển.

Hiện tượng giá nhà tăng bất chấp dịch bệnh cũng là một hệ quả từ những khó khăn trên. Bởi vì, cầu không ngừng tăng lên trong khi nguồn cung khan hiếm, giá chắc chắn sẽ leo thang. Đây là quy luật chung của thị trường.

Có thể nói, khi thị trường bất động sản trầm lắng, trì trệ không chỉ các doanh nghiệp đầu tư hoạt động trong lĩnh vực này mà người dân, những người có nhu cầu mua nhà, đất cũng khó khăn trong giấc mơ an cư.

PV: Những ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 đến thị trường bất động sản là rất rõ ràng như ông vừa phân tích, song có ý kiến cho rằng, đây cũng là chất xúc tác giúp gia tăng sức chống chịu của thị trường này trước những biến động. Ông nhìn nhận ra sao?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Để vượt qua những khó khăn, thử thách đòi hỏi sự cạnh tranh và sức mạnh rất lớn đến từ các doanh nghiệp tham gia. Vì vậy, Covid-19 trong 2 năm vừa qua cũng được xem là phép thử giúp sàng lọc, loại bỏ rất nhiều doanh nghiệp bất động sản yếu kém. 

Trong suy nghĩ của nhiều doanh nghiệp, năm 2022 vẫn là năm tích cực chuẩn bị và sẵn sàng tìm các hướng phát triển các dự án của mình. Bởi vì sau một thời kỳ lĩnh vực bất động sản phát triển rầm rộ, nhà nhà làm bất động sản, người người kinh doanh bất động sản cùng với đại dịch kéo dài, thị trường này đã có sự sàng lọc nhất định. Gần như chỉ còn những nhà đầu tư chuyên nghiệp, phải có năng lực tài chính, phải có kinh nghiệm, khả năng quản lý, kinh doanh mới có thể tồn tại. Còn những doanh nghiệp chỉ đầu tư bất động sản ngắn hạn, chộp giật, sẽ dần bị đào thải.

Đơn cử như trước kia nhiều công ty xây dựng cũng nhảy vào làm bất động sản nhưng đến thời điểm hiện tại, hầu hết đã về đúng vị trí. Thị trường có sự phân hoá rõ rệt.

Bên cạnh việc tích cực chuẩn bị, năm 2022 các doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ tích cực tìm kiếm dự án. Khi nhu cầu đầu tư bất động sản, nhu cầu nhà ở ngày một tăng lên, đồng nghĩa cơ hội phát triển trong thị trường sẽ lớn hơn, song cơ hội tìm kiếm dự án sẽ khó hơn do có sự cạnh tranh mạnh mẽ đến từ các doanh nghiệp. Vì vậy, để giành được các dự án, doanh nghiệp bất động sản phải tự chắt lọc cơ hội, thay đổi định hướng phát triển, tiếp cận thị trường một cách phù hợp.

Như vậy, rõ ràng Covid-19 là chất xúc tác khiến các doanh nghiệp phải thích ứng và đổi mới không ngừng.

PV: Bước sang năm thứ 3 thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển”, theo ông tâm thế của các doanh nghiệp bất động sản sẽ thay đổi như thế nào? Doanh nghiệp của mình đã có kế hoạch ra sao?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Cái được lớn nhất của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay là bản lĩnh và tâm lý lạc quan. Trong 2 năm đầu phải thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển”, hầu hết các doanh nghiệp đều có những lúng túng và khó khăn. Tuy nhiên, khi bước sang năm thứ 3, các doanh nghiệp sẽ trở lại với một tâm thế mới, tự tin hơn và sẵn sàng hơn. Họ sẽ không còn quá lo ngại về diễn biến của dịch bệnh, thay vào đó là tập trung vào các chiến lược phát triển phù hợp với tình hình giúp thích ứng một cách nhịp nhàng nhất.

Là một doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, chúng tôi cũng đã có những chiến lược phát triển

rõ ràng cho năm 2022. Chúng tôi đã triển khai đánh giá thị trường để tìm ra nhu cầu, xu thế chung hiện nay và đâu là các thị trường tiềm năng để đầu tư, đâu là phân khúc được “ưu ái” hậu Covid-19. Từ đó, ngoài bất động sản nhà ở, chúng tôi đã chuyển hướng phát triển cả bất động sản công nghiệp, bất động sản nghỉ dưỡng. Cụ thể, trong năm 2022 này, chúng tôi đang có kế hoạch triển khai dự án bất động sản công nghiệp tại Hải Dương.

Về nhà ở, ngoài địa bàn Hà Nội, chúng tôi sẽ mở rộng phạm vi họat động ra nhiều vùng ven đô khác. Việc mở rộng phạm vi sẽ khiến doanh nghiệp chúng tôi phải chuyên nghiệp hoá hơn ở mọi khâu từ quản lý thi công, quản lý dự án đến dịch vụ bán hàng.

Chúng tôi luôn hiểu rằng, muốn đổi mới phát triển thì tự bản thân mình phải thay đổi và thích ứng không ngừng.

PV: Theo ông, thị trường bất động sản 2022 có những bệ đỡ nào giúp doanh nghiệp địa ốc tự tin phục hồi và phát triển?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Thời điểm 3 tháng cuối năm 2021, chúng ta đã hoàn thành rất tốt việc tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Hiện nay, chúng ta đã lọt top tiêm vắc-xin nhanh nhất của thế giới và đạt trên 90% tỷ lệ dân số trên 18 tuổi được tiêm chủng vắc-xin. Đây là lý do rất lớn để chúng ta có thể tin vào khả năng hồi phục của thị trường bất động sản trong năm 2022 và là động lực cho các doanh nghiệp bất động sản trở lại “đường đua”.

Ngoài ra, nhìn chung nền kinh tế đang phục hồi ổn định và trong năm 2022 tốc độ tăng trưởng được dự báo đạt mức 6 - 7%, tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Cùng với đó, tín dụng về nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… được đưa vào chương trình hỗ trợ lãi suất; đầu tư, cơ sở hạ tầng đang tập trung giải quyết sẽ giúp thị trường bất động sản có những điểm sáng tích cực.

2 năm vừa qua, thị trường bất động sản không chỉ chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 mà còn ảnh hưởng từ những vướng mắc trong thủ tục pháp lý (Ảnh minh hoạ)
2 năm vừa qua, thị trường bất động sản không chỉ chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 mà còn ảnh hưởng từ những vướng mắc trong thủ tục pháp lý (Ảnh minh hoạ)

Chưa kể, pháp lý bất động sản cũng đang được tháo gỡ nhiều điểm nghẽn. Hiện nay, Chính phủ và Quốc hội đã nhìn thấy được những bất cập trong thủ tục pháp lý, các chính sách liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Vì vậy, đang có nhiều động thái sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện đến từ cơ quan Nhà nước. Đơn cử như "1 luật sửa 9 luật". Đây chính là những yếu tố quan trọng, tạo lực đẩy cho các doanh nghiệp ngành địa ốc yên tâm phát triển trong năm 2022.

Hơn hết, bất kể là doanh nghiệp lớn hay nhỏ cũng đều có một mục đích và nhu cầu chung là cần tồn tại vì cổ tức, cổ đông, vì sự phát triển của doanh nghiệp. Nên mọi doanh nghiệp phải luôn luôn tìm cách vượt qua mọi khó khăn. Tận dụng xu thế chung để biến thành cơ hội cho chính mình là điều mà các doanh nghiệp bất động sản sẽ phải thực hiện để hồi phục và tăng tốc. Do đó, năm 2022 chắc chắn sẽ là năm Covid-19 thứ 3 đầy sôi động của giới doanh nghiệp bất động sản.

PV: Ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết của việc có những chính sách hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp phục hồi và phát triển thị trường bất động sản? 

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Bất động sản liên quan chặt chẽ với xây dựng, trong khi đó xây dựng lại chiếm đến 90% vai trò tăng trưởng của nền kinh tế. Vì vậy, muốn phát triển kinh tế cần thiết phải quan tâm, hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản.

Cụ thể, bất động sản không chỉ giải quyết nhu cầu bức thiết về nhà ở cho người dân mà còn tác động đến bộ mặt đô thị. Một nước phát triển, không thể có một bộ mặt đô thị nhếch nhác, xấu xí và nghèo nàn. Vì vậy, muốn một đất nước phát triển hiện đại không thể xem nhẹ việc đầu tư, thúc đẩy kinh doanh bất động sản.

Mục tiêu của Đảng và Chính phủ trong thời gian tới là phấn đấu đưa nước ta từ nước đang phát triển trở thành nước phát triển vào năm 2050. Để đạt được thành công này đòi hỏi cơ quan lãnh đạo Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến các chính sách hỗ trợ hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản. Đặc biệt là giai đoạn hậu Covid-19.

Được tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, vốn vay là động lực rất lớn giúp thị trường bất động sản dễ dàng hoạt động. Các doanh nghiệp cũng sẽ sẵn sàng gia nhập thị trường, tăng tính cạnh tranh, năng động.

PV: Là lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản, ông kỳ vọng như thế nào trong việc sửa đổi và hoàn thiện Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Đã có rất nhiều hội thảo, cuộc tranh luận về các vướng mắc pháp lý liên quan đến bất động sản trong nhiều năm trở lại đây nhưng điều quan trọng là các cơ quan soạn thảo cần lắng nghe ý kiến, chia sẻ từ phía các doanh nghiệp. Mặc dù, đã có nhiều chủ trương nhưng việc lắng nghe và tiếp thu ý kiến của cơ quan soạn thảo dường như chỉ mới dừng lại ở một mức độ nhất định. Vì vậy, dù đã sửa rất nhiều lần nhưng các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Chưa kể, các bộ ban ngành, các cơ quan soạn thảo pháp luật chưa có tiếng nói chung khiến nhiều điều khoản còn chống chéo khi quy định về việc kinh doanh và phát triển bất động sản.

Vì vậy, cũng giống với cộng đồng doanh nghiệp bất động sản, chúng tôi mong muốn rằng, trong năm 2022 các quy định pháp luật sẽ được hài hoà, xem xét một cách cẩn thận để điều tiết thị trường bất động sản phát triển đúng với cơ chế thị trường, với tốc độ phát triển của nền kinh tế.

Đơn cử như hiện nay, Nhà nước rất khuyết khích tổ chức các cuộc đấu giá, đấu thầu trong việc phát triển dự án bất động sản và vấn đề này cũng đang được các doanh nghiệp rất quan tâm.

Tuy nhiên, các quy định pháp luật về đấu giá, đầu thầu lại chưa thực sự rõ ràng, các thông tin về sản phẩm đấu giá, buổi đấu giá chưa công khai, minh bạch. Nhiều doanh nghiệp muốn tham gia cũng không biết tìm kiếm thông tin như thế nào. Thông tin không đến được với đông đảo các doanh nghiệp. Vì vậy, là doanh nghiệp, chúng tôi mong muốn được sớm tiếp cận mọi thông tin của các cuộc đấu giá đấu thầu liên quan đến bất động sản, để có cơ hội công bằng trong việc tham gia cạnh tranh./.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: https://reatimes.vn/tam-the-doanh-nghiep-dia-oc-2022-20201224000010028.html