22/11/2024 | 13:44 GMT+7, Hà Nội

Tâm sự của nữ điều dưỡng được điều động làm việc tại Hạ Lôi

Cập nhật lúc: 15/04/2020, 15:33

Được điều động tới thôn Hạ Lôi, những nhân viên y tế thuộc Bệnh viện Đa khoa Mê Linh đang căng sức hỗ trợ các đồng nghiệp cũng như người dân phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Gác lại việc gia đình

Ngày 8/4, UBND TP Hà Nội đã có quyết định cách ly y tế thôn Hạ Lôi trong 28 ngày để phòng chống dịch Covid-19, từ ngày 8/4 đến 6/5 với 10 chốt chặn gồm các lực lượng liên ngành như quân đội, công an, y tế, dân quân, thanh niên xung phong ứng trực 24/24 giờ, kiểm soát nghiêm ngặt mọi lối ra vào thôn Hạ Lôi.

Cũng từ ngày đó, các y bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Mê Linh đã được điều động về làm việc tại nơi đây. Gặp gỡ chúng tôi trong một ngày cái rét bao trùm các con ngõ nhỏ tại thôn quê, nữ điều dưỡng Bùi Thị Dung cho biết, chị và các đồng nghiệp sau vài ngày làm việc dần đã ổn định, đỡ bỡ ngỡ hơn ban đầu.

 Nữ điều dưỡng Bùi Thị Dung chuẩn bị công việc cùng các đồng nghiệp.

"Khi nhận được thông tin được cử về thôn Hạ Lôi để túc trực khám chữa bệnh cho người dân trong vùng cách ly, tôi có phần lúng túng vì chưa về sắp xếp công việc gia đình cũng như công việc cơ quan. Nhưng khi nhận lệnh, chúng tôi ai nấy sẵn sàng vào việc ngay, mỗi thầy thuốc đều xác định, đây là nhiệm vụ quan trọng nhất thời điểm này nhằm chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Dù công việc vất vả, làm cả đêm hôm, kể cả mưa hay nắng, nhưng ai cũng cố gắng hết sức làm tròn nhiệm vụ của mình" - điều dưỡng Bùi Thị Dung chia sẻ.

Khi được phóng viên hỏi về tâm tư trong những ngày xa gia đình, nữ điều dưỡng tiết lộ may mắn có chồng làm việc cùng cơ quan nên luôn thông cảm và chia sẻ với nhau trong công việc cũng như cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, việc xa đứa con 5 tuổi, hiện đang gửi ông bà là điều mà chị cảm thấy buồn nhất. Nhớ con, thương bố mẹ già, nhưng nhiệm vụ chống dịch là việc không thể chậm trễ được.

“Dù trước đó đã có kế hoạch chồng tôi sẽ được tăng cường thực hiện công tác chăm sóc cho người bệnh nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến huyện Mê Linh, nhưng bệnh viện chưa đi vào hoạt động thì vợ nhận được lệnh tăng cường túc trực khám chữa bệnh cho người dân tại Phòng khám đa khoa dã chiến đóng tại Trạm Y tế xã Mê Linh để phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại chỗ cho người dân khu vực cách ly” – chị Dung nói.

Người dân chính là người thân

Theo như lời kể của đồng nghiệp cùng được điều động, bác sỹ Nguyễn Chiến Thắng công tác tại Bệnh viện Đa khoa Mê Linh cho biết, anh và nữ điều dưỡng Dung nằm trong tổ cấp phát thuốc tại Trạm Y tế xã Mê Linh. Mỗi ngày sẽ chia làm 2 ca trực/ngày với 11 người, công việc tại đây là tiếp nhận bệnh nhân, tư vấn và có những trường hợp sẽ phối hợp để chuyển lên tuyến trên.

“Bệnh nhân tới đây chuyển tuyến sẽ báo cáo lên lãnh đạo, xe cấp cứu trực 24/24 giờ sẽ vận chuyển theo đúng tuyến. Do kíp trực chỉ phân thành 2 ca và lượng người ít nên số công việc rất nhiều, đôi khi rất mệt mỏi nhưng nhìn người dân lo lắng, mình cố gắng thêm một chút để hoàn thành công việc” – bác sỹ Thắng tâm sự.

Bệnh nhân tới Trạm Y tế xã Mê Linh được các nhân viên y tế hướng dẫn tận tình.

Sau những giây phút tất bật làm nhiệm vụ, nữ điều dưỡng Dung thừa nhận có chút lo lắng cho bản thân mình, bởi nguy cơ nhiễm bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu phòng vệ không tốt. Tuy nhiên, điều mà chị bận tâm hơn là sức khỏe của người dân thôn Hạ Lôi, lúc này, họ cần được tư vấn, được lấy mẫu để loại trừ Covid-19.

“Là người học ngành y và mang trên mình trọng trách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân, dù công việc khó khăn, vất vả, dù đối mặt với nhiều nguy cơ lây nhiễm, nhưng lúc này, chính những người thầy thuốc cần phải động viên, chăm sóc họ hơn bao giờ hết. Khi làm việc ở đây, tôi cảm thấy họ như những người thân của mình, và tôi cùng các đồng nghiệp luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình"- nữ điều dưỡng nói.

Chia tay điều dưỡng Bùi Thị Dung cùng các y bác sĩ có mặt tại thôn Hạ Lôi, chúng tôi thầm cảm phục và cảm ơn họ - những chiến sĩ lặng thầm hi sinh trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, mang đến sự yên tâm, tin cậy và một niềm tin bình yên sớm đến với Hạ Lôi nói riêng và cả nước nói chung.