19/01/2025 | 13:11 GMT+7, Hà Nội

Tắm ngay khi vừa ngoài nắng về hoặc từ phòng điều hoà ra: Cách làm phản khoa học có thể chết người

Cập nhật lúc: 09/07/2018, 07:21

Kết thúc một ngày nóng bức, được tắm dưới làn nước mát lạnh là điều vô cùng tuyệt vời. Tuy nhiên thói quen tắm sau khi đi ngoài trời nắng hoặc vừa từ phòng điều hoà lạnh hoặc tắm quá lâu, tắm khi trời về khuya có thể gây chết người.

 

Đột quỵ do tắm ở mùa hè chính là do thiếu máu cục bộ vì mạch máu bị co lại do nhiệt độ thay đổi đột ngột

Đột quỵ do tắm ở mùa hè chính là do thiếu máu cục bộ vì mạch máu bị co lại do nhiệt độ thay đổi đột ngột

Tắm sai lầm kèm nguy hiểm

Cách đây ít lâu, bà N.T.H (75 tuổi) phường Thượng Thanh (Long Biên, Hà Nội) bị cảm cúm và thường than mệt mỏi. Trong đợt trưa nắng nóng đỉnh điểm vừa qua, bệnh càng khiến bà khó chịu. Cho đến trưa ngày 6/7, do trời quá nóng bức, bà H. quyết định đi tắm để bớt nóng, bớt mệt.

Tuy nhiên, vào phòng tắm khoảng 15 phút, người nhà bà H. phát hiện tiếng động lạ. Sau một hồi gọi không thấy bà trả lời, người nhà phá cửa phòng tắm thì tá hoả phát hiện bà nằm bất động dưới sàn, miệng cứng, cơ thể lạnh toát. Không lâu sau đó, bà H. bị tử vong.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Viện Tim mạch Quốc gia, mùa hè, rất nhiều người có thói quen tắm phản khoa học, mà điều đó sẽ đánh đổi lại bằng sức khoẻ, tính mạng của họ. Trong số thói quen tắm sau khi đi ngoài trời nắng hoặc vừa từ phòng điều hoà lạnh hoặc tắm quá lâu, tắm khi trời về khuya.

Tắm quá lâu vào mùa hè tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm

Tắm quá lâu vào mùa hè tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm

Bác sĩ cho biết, với thời tiết này, tắm là cách tốt nhất, nhanh nhất để hạ nhiệt cơ thể nhưng cũng là cách nguy hiểm với sức khoẻ và tính mạng. Bởi vì, khi trời nắng nóng, cơ thể bị tác động mạnh bởi nhiệt độ, nếu hạ nhiệt một cách đột ngột như việc tắm nước lạnh khiến cơ thể không kịp thích nghi.

Riêng với những người mới đi từ ngoài trời nóng, hoặc từ phòng điều hoà lạnh ra, khi tắm nước lạnh ngay sẽ khiến lỗ chân lông co lại nhanh, vi mạch cũng lập tức co lại làm cản trở tuần hoàn máu. Chính vì vậy, nó là yếu tố dẫn đến đột quỵ của bà H. kể trên còn nhẹ có thể gây choáng váng, ngất xỉu, nặng có thể tử vong.

Riêng với tắm quá khuya, ngoài phải chịu tác động tiêu cực kể trên, tắm khuya có thể gây suy giảm chức năng phổi, khiến người mệt mỏi hơn, đau nhức đầu do máu tuần hoàn kém. 

Với tắm quá lâu, theo chuyên gia, nó có thể khiến độ ẩm cần thiết trên da mất đi, khiến da khô và ngứa. Thể hiện rõ nhất với những người tắm lâu là da nhăn nheo, bong tróc… Khó tin hơn, mới đây theo một nghiên cứu ở Mỹ, tắm lâu dưới nước lạnh có thể tăng yếu tố nguy cơ mắc ung thư da.

Mùa hè tắm sao cho đúng?

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn cho biết, với việc tắm tại mùa hè, mọi người cần nhớ 3 nguyên tắc: thời điểm tắm, thời gian tắm và nhiệt độ nước.

Với thời điểm tắm, mọi người không nên tắm quá khuya, theo khuyến cáo, thời gian tắm không nên quá 20 giờ. 

Cần nắm rõ những nguyên tắc tắm mùa hè tránh nguy hiểm tính mạng (Ảnh: minh hoạ)

Cần nắm rõ những nguyên tắc tắm mùa hè tránh nguy hiểm tính mạng (Ảnh: minh hoạ)

Đặc biệt, lưu ý với thời điểm tắm là khi cơ thể đang quá nóng, nhất là sau khi đi từ ngoài trời hoặc mới bước ra từ phòng điều hoà, mọi người cần ngồi chờ khoảng 15 - 30 phút cho đến khi cơ thể khô ráo và ổn định. Theo bác sĩ, tốt nhất trong khoảng thời gian chờ đợi nên ngồi dưới gió quạt.

Về nhiệt độ nước tắm, lí tưởng nhất là khoảng nhiệt độ từ 20-25 độ C, không nên tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh vì đều ảnh hưởng đến mạch máu dưới da. 

Ngoài ra, vào ngày hè, bác sĩ cho rằng mỗi người cũng chỉ nên tắm tối đa 2 lần/ngày, một lần vào buổi sáng và có thể thêm một lần vào buổi chiều tối. Thời gian tắm cũng không nên quá lâu, mỗi lần tắm chỉ từ 15-20 phút. 

“Tắm nằm trong nguyên tắc sinh học của cơ thể, mọi người nên tuân thủ đúng để tránh tạo nguy hiểm cho chính tính mạng bản thân”, bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.