Tạm dừng thanh toán đất dự án BT: “Không nên gây sốc”
Cập nhật lúc: 12/10/2018, 01:37
Cập nhật lúc: 12/10/2018, 01:37
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội ban hành từ cuối năm 2017 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018, thay thế Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước 2008. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT vẫn chưa ra đời.
Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 01/01/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT có hiệu lực thi hành.
Điều này đã khiến cho nhiều địa phương lúng túng, khi các dự án đang trong giai đoạn vận hành nhưng không thể tiến hành thủ tục thanh toán.
Nút giao thông trung tâm quận Long Biên, Hà Nội - công trình được đầu tư bằng hình thức BT.
Theo TS. Phạm Sỹ Liêm – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, quyết định dừng các dự BT để rà soát là cần thiết song việc hãm phanh đột ngột là bắt cả nền kinh tế phải dừng lại thể hiện sự yếu kém, thụ động của cơ quan quản lý Nhà nước.
PV:- Đứng trên góc độ của Bộ Tài chính thì quy định trên cần được hiểu thế nào và băn khoăn của các tỉnh có hợp tình hợp lý hay không và vì sao, thưa ông? Trong trường hợp các dự án bị chậm tiến độ, những hệ lụy kéo theo sẽ thế nào?
TS Phạm Sỹ Liêm:- Tôi cho rằng, từ góc độ của các địa phương và doanh nghiệp đều hiểu rằng, việc điều chỉnh một văn bản pháp luật chưa phù hợp với thực tế là bình thường nhưng phải có sự chuyển tiếp để doanh nghiệp và địa phương chuẩn bị.
Ở đây, Bộ Tài chính ra công văn tạm dừng nhưng rõ ràng đã không có được văn bản hướng dẫn cho địa phương hay doanh nghiệp sẽ thực hiện việc chuyển tiếp từ quy định cũ sang quy định mới thế nào? Việc này không khác một chiếc xe đang chạy với tốc độ ổn định bỗng bị phanh đột ngột vậy. Chắc chắn sẽ bị sốc.
Do đó, quan điểm của tôi trong trường hợp này là chỉ nên dừng những dự án chưa được phê duyệt, hoặc đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai bắt đầu từ khi ban hành công văn chỉ đạo của bộ Tài chính.
Các dự án đã được phê duyệt và đã triển khai vẫn tiếp tục cho thực hiện nhưng sẽ phân nhóm dự án cụ thể đồng thời, giám sát quá trình thanh toán, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư cũng như tránh thất thoát tài sản của nhà nước.
Với nhóm dự án này sẽ xem xét tiếp với những dự án đã thực hiện được từ 20% tổng khối lượng dự án trở lên, nếu thực hiện dưới 20% có thể tạm dừng để chờ hướng dẫn.
Việc dừng đột ngột một dự án đã và đang triển khai có thể sẽ gây ra nhiều hệ lụy, bởi đi cùng với một dự án đang được triển khai là hàng loạt máy móc, công nhân, vật liệu đã được chuẩn bị, tập kết với số tiền hàng tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ đã được bỏ ra. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải trả lãi ngân hàng từng ngày, những thiệt hại đó không chỉ doanh nghiệp chịu mà còn cả xã hội cũng phải gánh chịu. Vì thế, yêu cầu rà soát, xem xét lại từng dự án để quyết định cho tiếp tục triển khai hay phải dừng lại là rất cần thiết.
Tôi nhắc lại, sự thiếu sót của Bộ Tài chính chính là thiếu một văn bản hướng dẫn thực hiện chuyển tiếp khiến địa phương lúng túng, doanh nghiệp than phiền thì Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm cả về mặt hành chính lẫn trách nhiệm trong bồi thường nếu có những hệ lụy, thiệt hại từ quy định của mình gây ra.
Nên nhớ, dự án nào sai, dự án nào có tiêu cực thì phải điều tra, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực nhưng không có nghĩa một dự án sai thì phải dừng tất cả các dự án khác. Anh làm không đúng, không nghiêm lại quay sang gây khó nhà đầu tư là không ổn.
PV:- Dù vậy, tại cuộc họp báo mới đây, Bộ Tài chính phải thừa nhận, việc xây dựng nghị định về thanh toán tài sản công cho nhà đầu tư BT rất khó vì liên quan nhiều quy định pháp luật khác nhau dẫn tới phải tạm dừng thanh toán. Theo Bộ này, Bộ đang hướng dẫn các địa phương thực hiện quy định pháp luật. Đây có được coi là một tín hiệu tích cực? Nếu đúng như vậy, quá trình này nên diễn ra như thế nào để tránh những trì hoãn và thiệt hại không cần thiết?
TS Phạm Sỹ Liêm:- Yêu cầu dừng sử dụng đất để đổi lấy hạ tầng là không sai, tuy nhiên, thực hiện, chấn chỉnh như thế nào là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Một nền kinh tế đang vận hành, một con tàu đang đi bình thường không thể tự nhiên lại tháo đường ray, bắt nó phải dừng lại. Do đó, tôi không ủng hộ cách làm của Bộ Tài chính.
Tới thời điểm hiện tại, địa phương và doanh nghiệp đang phải dừng lại 8-9 tháng rồi, nếu thời gian tới Bộ Tài chính vẫn không có được giải pháp thì có phải doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải chờ đợi thêm nữa hay không?. Khi chưa đưa ra được hướng dẫn mới nhưng lại vội vàng "ách" quy định cũ là "vô duyên", khó chấp nhận.
Bộ Tài chính muốn dừng phải có hướng dẫn cụ thể, không thể hãm phanh đột ngột, bắt cả nền kinh tế phải dừng lại, chờ đợi anh sửa sai. Như vậy, là thể hiện sự yếu kém, thụ động của cơ quan quản lý Nhà nước.
23:00, 06/10/2018
21:01, 04/10/2018
11:27, 28/09/2018
21:00, 24/09/2018