19/01/2025 | 02:22 GMT+7, Hà Nội

Tại sao quận Hai Bà Trưng nỗ lực, nhưng vi phạm TTXD vẫn nhiều nhất thủ đô?

Cập nhật lúc: 03/11/2020, 10:53

Chiều ngày 27/10/2020, tại Hội nghị giao ban báo chí do ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Phó chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng - ông Vũ Văn Hoạt cho biết, 9 tháng đầu năm 2020, số công trình vi phạm TTXD đã giảm đi đáng kể.

Lời tòa soạn: Theo thống kê, hiện nay, Hà Nội có tới hơn 300 dự án "treo", bỏ hoang, sử dụng sai mục đích ở khắp các địa bàn quận, huyện. Thực trạng này không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất, thất thu Ngân sách Nhà nước mà còn khiến quyền lợi, tiện ích của người dân xung quanh khu vực "đất vàng" bị ảnh hưởng. Dù đây không phải là vấn đề mới, nhưng để xử lý triệt để được những tồn tại của hàng trăm dự án bỏ hoang lại là câu chuyện mãi chưa có hồi kết.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp "ôm đất vàng" rồi bỏ hoang; chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến các sai phạm sử dụng đất, công tác xử lý, giải pháp khắc phục... để thông qua đó "giành" lại quỹ đất cho Thủ đô và đảm bảo quy hoạch, mỹ quan đô thị chung của Thành phố.

Tình hình sai phạm TTXD ở quận Hai Bà Trưng có như báo cáo?

Trong những năm 2018, 2019, theo báo cáo của Sở xây dựng Hà Nội, quận Hai Bà Trưng dẫn đầu danh sách các công trình vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn TP Hà Nội. Báo cáo nêu rõ, quận Hai Bà Trưng đang có 15 công trình tồn đọng, đã xử lý xong 1 công trình, 3 công trình đang giải quyết.

Thế nhưng, vào chiều ngày 27/10/2020, thông tin tại hội nghị giao ban báo chí do ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Phó chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng ông Vũ Văn Hoạt cho biết, 9 tháng năm 2020, số công trình vi phạm trật tự xây dựng giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo ông Vũ Văn Hoạt, 9 tháng qua, quận tập trung kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết các điểm vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện, bảo đảm an toàn giao thông, đường thông, hè thoáng.

Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Văn Hoạt thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Gia Huy

Trong 9 tháng, các phường đã giải quyết 111/154 điểm vi phạm trật tự đô thị; 12/15 điểm chợ cóc đã được giải quyết và duy trì, 3 điểm chợ cóc để tái diễn phức tạp trở lại; Giải quyết 6/11 điểm trông giữ xe trái phép.

Đối với công tác xây dựng cơ bản, danh mục dự án của kế hoạch đầu tư công năm 2020 của quận bao gồm 64 dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và 101 dự án trong giai đoạn thực hiện. Đối với công tác chuẩn bị đầu tư, quận đã phê duyệt 21/64 dự án; Với công tác phê duyệt dự án, quận đã hoàn thành thi công 28 dự án và hiện đang thi công bảo đảm tiến độ 43 dự án.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, tình trạng sai phạm TTXD phổ biến và nan giải, nhiều công trình có dấu hiệu xây vượt tầng, xây dựng sai so với giấy phép xây dựng đã được cấp. 

Cụ thể, theo phản ánh của người dân, công trình số 617 Kim Ngưu được xây dựng 6 tầng + 1 hầm + 2 lửng+ 1 tum, mật độ công trình 100%. Trong khi theo một cán bộ TTXD phường này trao đổi với báo chí trước đó, công trình 617 Kim Ngưu được cấp phép 6 tầng + 1 hầm + 1 lửng và tum thang, mật độ xây dựng là 77% có khoảng lùi ở đằng sau nhà.

Hình ảnh công trình 617 Kim Ngưu xây dựng 6 tầng, 1 hầm, 2 lửng, 1 tum trước và sau khi hoàn thiện.

So sánh hiện trạng thực tế với giấy phép xây dựng được cấp thì hiện trạng công trình này đã xây dựng thừa 1 lửng và sai phạm về mật độ xây dựng. Tại sao công trình này được xây dựng mặc dù sai phạm rõ ràng, đội TTXD quận Hai Bà Trưng nắm được thông tin nhưng vẫn để cho tồn tại? 

Hay như công trình xây dựng tại số 10 Hàng Chuối thuộc phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), có nhiều sai phạm lộ liễu nhưng những sai phạm này kéo dài hơn 1 năm khiến nhiều người dân bức xúc. Chỉ đến khi báo chí vào cuộc thì chính quyền quận này mới bắt tay vào xử lý sai phạm một cách hời hợt. Cho đến hiện tại, những sai phạm của công trình số 10 Hàng Chuối vẫn còn tồn tại. 

Công trình xây dựng tại số 10 Hàng Chuối có dấu hiệu vi phạm TTXD.

Còn công trình có địa chỉ tại số 283 phố Trần Khát Chân (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) trong quá trình xây dựng đã không tuân thủ theo đúng nội dung được phê duyệt trong giấy phép xây dựng do các cơ quan có thẩm quyền cấp. Theo đó, công trình này hiện đang có chiều cao 7 tầng và được gắn biển hiệu khách sạn mang tên Jacayl Hotel. Tầng tum của công trình đã bị biến tướng nghiêm trọng nhằm tăng diện tích sử dụng, công trình có mật độ xây dựng gần như toàn bộ phần diện tích.

Công trình có địa chỉ tại số 283 phố Trần Khát Chân vi phạm TTXD đã bị xử phạt nhưng sai phạm vẫn còn tồn tại.

Trao đổi với báo chí, một cán bộ phường Thanh Nhàn cho biết, công trình tại số 283 phố Trần Khát Chân là công trình xây dựng sai phép. Cụ thể, công trình này đã xây sai so với nội dung giấy phép: về mật độ xây dụng ban công được đua 1m2 thì chủ công trình cho xây thành 1m3; mở rộng tầng thêm 1 tầng và 1 tum.

Được biết, ngày 28/3/2019, UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành Quyết định số 40 về xử phạt hành chính đối với chủ công trình này với số tiền 37,5 triệu đồng; đồng thời đình chỉ thi công và yêu cầu trong 60 ngày phải hoàn thành việc bổ sung giấy phép xây dựng. Đối với việc công trình gây ô nhiễm môi trường, UBND phường đã xử phạt chủ công trình số tiền 750 nghìn đồng vì đổ vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định.

Sau khi bị xử phạt, chủ đầu tư công trình đã chấp hành và tiến hành nộp phạt. UBND phường cũng đã vào cuộc rất quyết liệt bằng cách cắt cử cán bộ địa chính phối hợp cùng với Đội TTXD quận túc trực ngày đêm tại công trình vi phạm này, tuy nhiên chủ công trình ngang nhiên tỏ ra chống đối bằng cách rào bên ngoài rất kỹ rồi tổ chức thi công vào ban đêm gây khó khăn cho công tác can thiệp và ngăn chặn sai phạm.

Trên thực tế, chính quyền quận Hai Bà Trưng đã luôn nỗ lực trong việc xử lý các trường hợp vi phạm TTXD, nhưng không hiểu vì sao, quận này vẫn là địa bàn có nhiều sai phạm về TTXD nhất Thủ đô?  

Như công trình số 308 phố Lạc Trung, chủ đầu tư của công trình này xây thành 7 tầng, mật độ gần như 100% và đang dần đi vào hoàn thiện phần áo phía ngoài. Trong quá trình xây dựng, công trình không được chủ đầu tư che chắn cẩn thận khiến cát sỏi, gạch vữa bụi bẩn rơi xuống đường gây nguy hiểm cho người đi đường, làm mất an toàn giao thông cho người dân khi đi ngang qua đây. Vật liệu xây dựng thì bày tràn ra mặt đường gây cản trở giao thông cho người và xe cộ qua lại, mất mỹ quan đô thị. Công nhân thi công thì không được trang bị các thiết bị bảo hộ an toàn lao động vô cùng nguy hiểm. 

Một dự án công viên được xây dựng để phục vụ người dân là công viên Tuổi trẻ Thủ đô nằm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng cũng từng dính rất nhiều lùm xùm sai phạm dẫn đến việc TP Hà Nội phải kỉ luật hàng loạt cán bộ quận này. Theo đó, dự án này có tổng diện tích khoảng 26,43ha được thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào năm 2000. Dự án được giao cho Công ty Thương mại và Đầu tư phát triển Hà Nội làm chủ đầu tư. Đến năm 2010, dự án tiếp tục được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Công viên được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ các hoạt động sinh hoạt công cộng của thanh thiếu niên, cùng đông đảo người dân sinh sống trong khu vực. 

Mặc dù dự án được phê duyệt như vậy, nhưng từ năm 2010 – 2012 đến nay, hàng loạt công trình vi phạm mọc trên các ô đất vốn được phê duyệt quy hoạch làm khu vườn hoa, cây xanh, sân tập thể thao công cộng nhưng không bị xử lý gây bức xúc ở nhiều kỳ họp HĐND. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội năm 2019 đã có quyết định kỷ luật 21 cán bộ quận Hai Bà Trưng và phường Thanh Nhàn qua các thời kỳ do liên quan đến vi phạm TTXD tại công viên này.

Công viên Tuổi trẻ Thủ đô cũng từng dính rất nhiều lùm xùm sai phạm dẫn đến việc TP Hà Nội phải kỉ luật hàng loạt cán bộ quận này

Nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên ồ ạt ở quận Hai Bà Trưng

Ở quận Hai Bà Trưng, một trong những vi phạm về TTXD có diễn biến phức tạp, khó xử lý bên cạnh việc vi phạm TTXD là nhà “siêu mỏng, siêu méo” trên các tuyến đường mới mở. Theo đó, khi tiến hành thu hồi đất GPMB để làm đường, nhiều căn nhà đã bị cắt xén mất phần lớn diện tích, từ đó đã hình thành lên những căn nhà có diện tích thiết kế không đủ so với quy định xây dựng công trình tại đô thị. 

Những ngôi nhà siêu mỏng, hình chéo, hình tam giác khiến bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác, thiếu quy hoạch đồng bộ. Từ năm 2012 đến tháng 10/2017, Hà Nội đã giải quyết được 262/394 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (gọi là công trình “siêu mỏng, siêu méo”) phát sinh khi thực hiện các dự án mở đường. Thế nhưng, hiện nay tại một số tuyến đường mới mở vẫn tiếp tục xuất hiện những công trình “siêu mỏng, siêu méo” với các hình thù kỳ quặc, có những ngôi nhà diện tích chỉ trên dưới 10m2 nhất là trên địa bàn quận Hai Bà Trưng.

Chị N.T.H, một người dân sống trên địa bàn quận Hai Bà Trưng cho biết: "Những năm vừa qua, những công trình siêu mỏng, siêu méo, hình thù không hợp lý ở các tuyến đường đã được chính quyền quyết liệt xử lý nhưng không hiểu sao bây giờ lại để xuất hiện mới? Tất cả đều là do năng lực quản lý trong thực hiện các tuyến phố văn minh đô thị".

Những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo , vượt tầng, đang được xây dựng tại quận Hai Bà Trưng.

Nói về tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, yếu tố then chốt chính là do công tác quản lý quy hoạch kiến trúc, chỉnh trang đô thị.

"Các cơ quan chức năng phải phát hiện ra các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo có thể sẽ hình thành, từ đó trao đổi với người dân để người dân có phương án thỏa thuận với nhau. Trong trường hợp người dân không thỏa thuận được thì Nhà nước phải đứng ra can thiệp bởi sau khi giải phóng mặt bằng, giá trị đất mặt phố tăng lên chóng mặt, nên việc hợp thửa, hợp khối cũng phức tạp, chưa kể dễ sinh ra khiếu kiện kéo dài" - Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm nhận định.

Theo ý kiến một số chuyên gia về quy hoạch đô thị, để giải quyết tận gốc vấn đề trên, Hà Nội phải thay đổi cách tổ chức phát triển đô thị, phải có một dự án tái phát triển cả một khu vực đô thị, không chỉ làm riêng một con đường, mà cần quan tâm tới diện tích đất hai bên đường.

Cùng với đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp phải chịu trách nhiệm trước thành phố về tình trạng tồn tại hoặc phát sinh thêm các trường hợp “siêu mỏng, siêu méo.” Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép và quản lý trật tự xây dựng, xử lý các trường hợp không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng…

"Trong giai đoạn từ 2020 - 2025 cần tập trung nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng, không để xảy ra tình trạng xây dựng sai phép, sai quy hoạch. Tiếp tục giải quyết dứt điểm những tồn tại về vi phạm TTXD, giải quyết triệt để những trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng trên các tuyến đường mới mở còn tồn tại “siêu mỏng, siêu méo”. Không để phát sinh công trình xây dựng không đảm bảo kích thước hình học theo quy định khi triển khai các dự án giao thông." - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ông Nguyễn Thế Hùng nhận định.

Rất nhiều ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo đang được xây dựng trên tuyến đường Trường Chinh.

Để giải quyết tình trạng vi phạm TTXD trên địa bàn thủ đô Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng ông Lê Quang Hùng cho biết: "Mô hình Đội quản lý TTXD cấp quận, huyện không phải là mới, nhưng đã phát huy được tối đa hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế về quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng tại địa bàn Thủ đô. Do đó, Bộ Xây dựng thống nhất cao với đề xuất tiếp tục kéo dài thời gian thí điểm mô hình của TP Hà Nội thêm 3 năm. Bộ Xây dựng đang hoàn thiện nốt hồ sơ để trình Chính phủ thông qua."