18/01/2025 | 17:52 GMT+7, Hà Nội

Tại sao hệ thống y tế tốt như châu Âu lại “điêu đứng” trước dịch Covid-19?

Cập nhật lúc: 02/04/2020, 20:00

Các chuyên gia cho rằng hệ thống bệnh viện tập trung ở châu Âu thiếu kinh nghiệm xử lý dịch bệnh và sớm tự mãn là nguyên nhân dẫn đến sự khủng hoảng tại khu vực này.

Khi châu Âu phải đối mặt với cuộc tấn công dữ dội của Covid-19 thì một nghịch lý đã được phơi bày: một  số bệnh viện ở châu Âu có hệ thống y tế tốt nhất thế giới lại hết sức khó khăn trong việc đối phó với đại dịch.

Các chuyên gia cho rằng các hệ thống bệnh viện tập trung ở châu Âu thiếu kinh nghiệm xử lý dịch bệnh và sớm tự mãn là nguyên nhân dẫn đến sự khủng hoảng tại khu vực này.

Brice de le Vingne, người đứng đầu công tác chống Covid-19 thuộc tổ chức Medecins Sans Frontieres ở Bỉ cho biết: “Nếu bạn bị ung thư, bạn sẽ muốn được điều trị tại một bệnh viện ở châu Âu. Tuy nhiên, suốt 100 năm qua, châu Âu chưa trải qua bất kỳ đợt bùng phát dịch bệnh nào lớn như hiện nay và bây giờ họ không biết phải làm gì”.

Nước Pháp đang gồng mình ứng phó với sự lan rộng của Covid-19.

Tổ chức Y tế Thế giới đã phàn nàn việc một số nước phung phí cơ hội ngăn chặn virus, các nước nên phản ứng mạnh mẽ hơn từ hai tháng trước, bao gồm thực hiện các biện pháp kiểm tra rộng hơn và các biện pháp giám sát mạnh hơn. Cách tiếp cận của châu Âu trong việc chống lại virus Corona ban đầu quá lỏng lẻo và thiếu sót nghiêm trọng các biện pháp cơ bản xử lý dịch bệnh, chẳng hạn như theo dõi tiếp xúc.

Trong thời gian dịch Ebola bùng phát, các quan chức đã công bố số liệu hàng ngày về các ca nhiễm, ngay cả ở những ngôi làng xa xôi bị tê liệt bởi các cuộc tấn công vũ trang.

Sau khi virus Corona xuất hiện vào cuối năm ngoái, Trung Quốc đã phái một đội gồm khoảng 9.000 nhân viên y tế để theo dõi hàng ngàn người tiếp xúc tại Vũ Hán mỗi ngày.

Nhưng ở Italia, các quan chức chỉ yêu cầu các bệnh nhân nhiễm bệnh liên hệ với những người đã tiếp xúc với họ để thông báo mình đã dương tính với Covid-19. Tây Ban Nha và Anh đều từ chối cho biết có bao nhiêu nhân viên y tế đang làm việc theo dõi tiếp xúc hoặc có bao nhiêu người đã tiếp xúc với bệnh nhân được xác định ở bất kỳ giai đoạn nào của dịch bệnh.

Bệnh viện Italia quá tải trước sự bùng phát của Covid-19.

Tiến sĩ Bharat Pankhania, một bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Exeter, Tây Nam Anh cho biết: “Chúng tôi có thể làm tốt trong việc theo dõi tiếp xúc mạnh mẽ ở Anh nhưng vấn đề là chúng tôi đã không làm đủ mạnh mẽ”.

Khi các trường hợp bắt đầu bùng  phát ở Anh vào đầu tháng 3, Pankhania và những người khác đã nỗ lực kêu gọi các tổng đài chuyển đổi thành các trung tâm theo dõi tiếp xúc nhưng điều đó đã không xảy ra.

Pankhania nói thêm rằng mặc dù nước Anh có chuyên môn trong việc điều trị các bệnh nhân có vấn đề về hô hấp như viêm phổi nặng, nhưng đơn giản là có quá ít giường bệnh để đối phó với sự gia tăng theo cấp số nhân của bệnh nhân trong đại dịch.

“Chúng tôi đã hoạt động hết công suất, nhưng Covid-19 xuất hiện vào thời điểm chúng tôi hoàn toàn căng thẳng và không có bất kỳ sự cung cấp nào trong hệ thống” - ông nói.

Ở những nơi khác, thực tế là nhân viên y tế và hệ thống bệnh viện có rất ít kinh nghiệm trong việc phân phối các ca bệnh bởi các bệnh viện ở châu Âu luôn được trang bị đầy đủ về nguồn lực.

“Các bác sĩ Italia đang rất khổ sở khi phải đưa ra quyết định về việc bệnh nhân nào có thể phải nằm giường điều trị chăm sóc tích cực, điều mà trước đó họ chưa từng phải bận tâm” - Robert Đinhwall, thuộc Đại học Nottingham Trent, người đã nghiên cứu các hệ thống y tế trên khắp châu Âu.

Nhưng Tiến sĩ Chiara Lepora, người đứng đầu các nỗ lực của Medecins Sans Frontieres tại điểm nóng của Lodi ở miền bắc Italy, cho biết đại dịch đã tiết lộ một số vấn đề nghiêm trọng ở các nước phát triển.

Các bệnh viện ở châu Âu chưa bao giờ phải đối mặt với tình trạng bệnh viện có thể là nơi bùng phát và diễn ra dịch bệnh chứ không chỉ điều trị bệnh.

Các hệ thống y tế của phương Tây lấy việc chăm sóc bệnh nhân làm trung tâm nhưng đại dịch đòi hỏi phải thay đổi thành nguyên tắc lấy cộng đồng làm trung tâm.  Mô hình chăm sóc cộng đồng đó thường thấy ở các quốc gia ở châu Phi hoặc các khu vực châu Á, nơi các bệnh viện chỉ dành riêng cho những bệnh nhân mắc bệnh nặng nhất và nhiều bệnh nhân bị cô lập hoặc điều trị tại các cơ sở tạm thời, tương tự như các bệnh viện dã chiến hiện đang vội vã được xây dựng trên khắp châu Âu.

Một số chuyên gia về dịch bệnh cho biết các nước châu Âu đã tính toán sai khả năng ngăn chặn Covid-19.

Bác sĩ Stacey Mearns thuộc Ủy ban Cứu hộ Quốc tế cho biết: “Tôi nghĩ thực tế đây là một dịch bệnh mới và tốc độ di chuyển của nó sẽ làm mọi người ngạc nhiên”.

Bác sĩ Mearns cho hay những cảnh tuyệt vọng hiện nay trên khắp châu Âu như các bác sĩ và y tá cầu xin đồ bảo hộ, kho lạnh chứa xác bệnh nhân là điều không thể tưởng tượng được chỉ vài tuần trước. Ở Tây Ban Nha, 14% các trường hợp nhiễm Covid-19 là nhân viên y tế. Các bệnh viện đều quá tải giống như điều đã xảy trong dịch Ebola ở Châu Phi, và điều đó thật khó hiểu khi lại xuất hiện ở các nước phát triển có đầy đủ về nguồn lực.