19/01/2025 | 09:15 GMT+7, Hà Nội

Tài chính tiêu dùng: Đừng để “bút sa gà chết”

Cập nhật lúc: 19/05/2017, 20:07

Nhiều khách hàng khi đi vay thì không đọc hợp đồng, đến khi trả lãi lại cho rằng mình bị lừa vì số tiền lãi quá cao kèm theo các điều khoản thanh toán chặt chẽ.

Hãy là người tiêu dùng thông minh 

Chị Thu Hương (Nam Đàn, Nghệ An) chia sẻ, chị từng cảm thấy “bị lừa” sau khi vay vốn đầu tư cho quầy hàng bán đồ nhựa của mình từ một công ty tài chính tiêu dùng bởi số tiền nợ gốc và lãi mà chị phải chi trả hàng tháng cao gần gấp 2 lần so với dự kiến của chị.

Tuy nhiên, sau khi được nhân viên tín dụng của công ty tài chính tư vấn kỹ lưỡng và được giải thích cặn kẽ từng điều khoản thì chị mới vỡ lẽ rằng tất cả các điều khoản thanh toán và lãi suất đều đã có trong hợp đồng nhưng chị đã chủ quan bỏ qua không đọc khi vay vốn.

“Đây là điều đã xảy ra rất nhiều lần chứ không phải lần đầu tiên. Bởi vậy, khi đi vay thì khách hàng cần đọc thật kỹ và hiểu rõ hợp đồng rồi mới ký, nếu khúc mắc là phải hỏi lại nhân viên tư vấn ngay để tránh sự việc không đáng có sau này”, TS kinh tế Nguyễn Minh Phong khuyến cáo. 

Trái ngược với chị Hương, chị Nhung, 29 tuổi ở Hà Nội lại cho hay “Nhiều người lo ngại lãi suất vay tiêu dùng cao nhưng nếu trả lãi và gốc đúng hạn, tìm hiểu kĩ các điều khoản trong hợp đồng và lựa chọn một công ty tài chính uy tín thì hoàn toàn có thể trút bỏ nỗi lo này. Thậm chí, chịu khó tìm hiểu hơn một chút thì có thể thấy hiện lãi suất cho vay còn rất hấp dẫn, chỉ khoảng 1,4-1,6%/tháng, có nơi còn cho vay 0%”.

Theo số liệu của Công ty tài chính tiêu dùng Home Credit, lãi suất bình quân của đơn vị này là 25-35%/năm nhưng công ty cũng rất nhiều gói dịch vụ, sản phẩm hỗ trợ người tiêu dùng được hưởng lãi suất 0%. Đến tháng 6/2016, đã có hơn 50% khách hàng của Home Credit được vay gói lãi suất 0% này.

Khi đi vay thì khách hàng cần đọc thật kỹ và hiểu rõ hợp đồng rồi mới ký.

Khi đi vay thì khách hàng cần đọc thật kỹ và hiểu rõ hợp đồng rồi mới ký.

Đừng để “bút sa gà chết”

Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, đối với bất kỳ nền kinh tế nào thì lãi suất vay tín dụng tiêu dùng bao giờ cũng cao hơn tín dụng sản xuất. Nếu khách hàng tìm đến công ty tài chính để vay tín chấp (không cần tài sản thế chấp) thì lãi suất cao là điều đương nhiên vì rủi ro khi thu hồi nợ của các công ty này cao hơn rất nhiều so với việc các ngân hàng cho vay theo hình thức thế chấp.

Còn việc áp dụng mức lãi suất cụ thể như thế nào còn phụ thuộc nhiều yếu tố như mục đích vay, khả năng thanh toán và lịch sử tín dụng của khách hàng.

“Với những người nào đã quyết định đi vay thì phải xem xét, cân nhắc khả năng lựa chọn gói vay phù hợp với điều kiện chi trả lãi hàng tháng. Một khi đã đồng ý ký vào hợp đồng vay thì phải chấp nhận mức lãi suất này chứ không thể đến lúc thanh toán mới kêu là lãi cao hay tố doanh nghiệp lừa đảo được”.

Một khách hàng tham gia chương trình tư vấn kiến thức tài chính tiêu dùng của Home Credit.

Một khách hàng tham gia chương trình tư vấn kiến thức tài chính tiêu dùng của Home Credit.

Còn theo đại diện Home Credit, thách thức đối với cho vay tài chính tiêu dùng chính là kiến thức tài chính của đại bộ phận khách hàng vẫn chưa cao. Nhiều khách hàng vẫn ngại đọc hợp đồng và chỉ tìm hiểu thông tin liên quan đến khoản vay của mình một cách đại khái, qua loa.

Cũng theo vị này, để khắc phục tình hình đó, Home Credit đã tổ chức rất nhiều hoạt động tư vấn từ Nam ra Bắc nhằm trang bị cho khách hàng những kiến thức liên quan đến vay tiêu dùng cá nhân, những lưu ý khách hàng cần quan tâm trước, trong và sau khi ký hợp đồng vay trả góp.

Các hoạt động này được tổ chức định kỳ, thường xuyên và đa dạng về hình thức nhằm từng bước nâng cao kiến thức cơ bản về tín dụng tiêu dùng cá nhân, đồng thời giúp thay đổi quan niệm e dè về một hình thức cho vay không còn mới nhưng cũng chưa thực sự quen thuộc của nhiều người.

Tuy nhiên, nếu chỉ có nỗ lực từ phía các doanh nghiệp như Home Credit thì rõ ràng là chưa đủ để thị trường tài chính tiêu dùng có thể thực sự thay đổi.

Theo ước tính, thị trường tài chính tiêu dùng hiện có giá trị lên tới 15 tỷ USD/năm và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng 2 con số trong những năm tới. Để thị trường này phát triển bền vững và lành mạnh thì không chỉ cần hành lang pháp lý rõ ràng từ các cơ quan nhà nước hay sự nỗ lực thay đổi từ phía doanh nghiệp mà còn cần cả sự chủ động của chính các khách hàng khi sử dụng dịch vụ.