Sức mua hàng Tết bắt đầu có dấu hiệu tăng tốc
Cập nhật lúc: 19/01/2022, 06:10
Cập nhật lúc: 19/01/2022, 06:10
Theo Sở Công Thương Hà Nội, dự báo dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân sẽ tăng từ 3 - 20% theo từng nhóm hàng.
Hiện, ngành Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp phân phối đã lên những kế hoạch cụ thể bảo đảm không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến dịp Tết.
Một số đơn vị đã chuẩn bị cho sản lượng thịt lợn có thể cung ứng cao hơn 20%, thịt gà cao hơn 25% so với tết 2021 cũng như các loại rau quả tươi sống có thể phục vụ xuyên suốt trong và sau Tết. Hiện Hà Nội mới tự sản xuất, cung ứng được 30 - 65% nhu cầu nông sản cho người dân Thủ đô.
Để đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa phục vụ cho người tiêu dùng, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã kết nối với các địa phương khác đưa nguồn hàng nông, lâm, thủy sản về Hà Nội tiêu thụ.
Theo đại diện các siêu thị, cùng với công tác đảm đảm bảo nguồn cung hàng hóa, các biện pháp phòng dịch luôn được tuân thủ nghiêm ngặt tại các địa điểm kinh doanh, đại diện doanh nghiệp cho biết luôn nỗ lực hết sức để đảm bảo môi trường mua sắm an toàn, an tâm cho khách hàng và nhân viên trước mọi diễn biến của dịch bệnh.
Góp phần bảo đảm nguồn cung hàng hóa, ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các bộ, ngành chủ động phối hợp, đặc biệt tăng cường theo sát diễn biến giá cả các mặt hàng do bộ, ngành mình quản lý. Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bám sát tình hình cung-cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ quả nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân.
Bên cạnh đó, ngành Công thương khuyến khích các doanh nghiệp tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, thực hiện việc giảm giá bán theo mức giảm của các nhà cung cấp và theo thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý...
Bộ Công thương cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài chính tham mưu điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá (trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ). Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh đang có chiều hướng phức tạp tại một số địa phương, cần chủ động xử lý các khó khăn trong lưu thông, phân phối hàng hóa, bảo đảm không đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu. Đồng thời, các bộ, ngành cần phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch.
Nguồn: https://baodansinh.vn/suc-mua-hang-tet-bat-dau-co-dau-hieu-tang-toc-20220118090133.htm
09:42, 18/01/2022
11:03, 14/01/2022
09:15, 12/01/2022