Startup Đông Nam Á bỏ túi 8,2 tỷ USD đầu tư trong năm 2020
Cập nhật lúc: 05/04/2021, 15:30
Cập nhật lúc: 05/04/2021, 15:30
Theo Công ty đầu tư vốn mạo hiểm Cento Ventures của Singapore, các công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ Đông Nam Á đã huy động thành công 8,2 tỷ USD vốn đầu tư. Cụ thể, số lượng thương vụ đầu tư ở Đông Nam Á chạm mốc 333 giao dịch trong năm 2020, với các “siêu thương vụ” điểm mặt những cái tên quen thuộc như Grab, Bukalapak, Traveloka và Gojek. Các startup này chiếm tới khoảng 50% tổng lượng vốn đầu tư vào startup công nghệ trong năm.
Tổng số vốn được huy động nói trên giảm 3,5% so với năm 2019 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các thương vụ giao dịch trên 100 triệu USD chiếm 57% tổng vốn đầu tư, trong khi các giao dịch từ 50 - 100 triệu USD đạt mức kỷ lục 1,1 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2019.
Báo cáo của Cento được công bố hôm 28/3 cho thấy bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, Đông Nam Á ghi nhận mức sụt giảm thấp nhất về vốn đầu tư khởi nghiệp so với các nước đang phát triển khác, chẳng hạn như Ấn Độ (-31%) và châu Phi (-38%).
Các startup ở Mỹ và châu Âu đã ghi nhận các kỷ lục đầu tư mới vào năm ngoái, với giá trị đầu tư tăng lần lượt là 13% và 15%. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đạt mức tăng trưởng 6%.
Sức tàn phá kinh tế khủng khiếp của đại dịch Covid-19 hầu như không làm giảm sức hút của các startup công nghệ trong khu vực Đông Nam Á. Trong tháng 1/2021, đơn vị công nghệ tài chính của Grab đã huy động thành công hơn 300 triệu USD từ một nhóm nhà đầu tư do Công ty quản lý tài sản Hanwha Asset Management (Hàn Quốc) dẫn đầu . Startup "kỳ lân" này đang lên kế hoạch chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết ở Mỹ trong năm nay.
Tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế được bù đắp phần nào bởi nhu cầu ngày một gia tăng về thương mại điện tử và thanh toán không tiếp xúc. Không có gì ngạc nhiên khi hơn một nửa lượng vốn đầu tư công nghệ (hơn 4 tỉ USD) trong khu vực chảy vào các siêu ứng dụng và nền tảng bán lẻ trực tuyến trong năm ngoái, phần còn lại vào các loại hình startup công nghệ tài chính (FinTech) khác.
Đại dịch đã làm cho các siêu ứng dụng trở nên thiết yếu hơn trong cuộc sống hàng ngày của người dân Đông Nam Á. Các lĩnh vực công nghệ khác cũng nhận được mối quan tâm ngày càng gia tăng của giới đầu tư bao gồm thanh toán số, logistics.
Năm 2020, các startup Indonesia chiếm tới 70% tổng vốn đầu tư khởi nghiệp của khu vực. Indonesia và quốc gia láng giềng Singapore cũng chiếm tới 64% tổng số giao dịch. Số vốn đầu tư vào Indonesia chủ yếu tập trung vào “siêu ứng dụng” Gojek, được Bukalapak, Waresix, Kopi Kenangan và LinkAja hậu thuẫn.
Trong năm 2020, Indonesia tiếp tục có thêm các công ty khởi nghiệp có mức định giá hơn 250 triệu USD, gồm Kopi Kenangan, Guru ’Room, SiCepat, Akulaku, Sociolla, Pasar Polis, Halodoc, Modalku, Xendit và FinAccel.
Tại Đông Nam Á, SEA Group - công ty mẹ của Shopee - đã đạt mức vốn hóa thị trường khoảng 50 tỷ USD. Bên cạnh SEA Group, Grab và GoJek lọt vào danh sách các startup có mức định giá hơn 10 tỷ USD.
Trong khi đó, nhóm startup được định giá trên 1 tỷ USD gồm Traveloka, Tokopedia, Bukalapak (Indonesia), JustCo, Qoo10 (Singapore) và VNG Corp (Việt Nam).
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/startup-dong-nam-a-bo-tui-82-ty-usd-dau-tu-trong-nam-2020-20201231000002826.html
09:17, 26/11/2020
09:44, 02/11/2020
15:47, 27/07/2020