Sơn vẽ đô thị là thẩm mỹ hay thảm họa?
Cập nhật lúc: 08/12/2017, 02:16
Cập nhật lúc: 08/12/2017, 02:16
Hình thức nghệ thuật công cộng bao gồm tranh ghép gốm, tranh vẽ trên tường... nhiều năm nay đang phát triển rộng rãi tại các đô thị Việt Nam. Những mô hình trang trí mỹ thuật công cộng lần lượt ra đời cũng tạo điều kiện để mỹ thuật đến với công chúng rộng rãi. Hơn nữa, việc trang trí công cộng này xuất phát từ mong muốn cải thiện mỹ quan đô thị, tạo nên sự độc đáo cho thành phố, thu hút khách du lịch..., từ đó có thể làm thay đổi đời sống người dân.
Điển hình như tại một ngõ nhỏ ở đường Yên Phụ (Hà Nội) đã trở nên sống động lạ thường khi được trang trí bởi bức bích họa phong cảnh thành phố Venice lãng mạn, thơ mộng. Được biết, lúc đầu chỉ có một gia đình nhờ nhóm họa sỹ vẽ cảnh đẹp trang trí ở bức tường trước cửa nhà mình. Thấy đẹp, cả xóm rủ nhau nhờ nhóm họa sỹ lên ý tưởng trang trí cho những bức tường trong ngõ. Từ đó, một bức tranh lớn được vẽ hoàn toàn bằng màu 3D acrylic có độ bền màu từ 10 - 20 năm ra đời, thu hút nhiều người, đặc biệt các bạn trẻ tới xem và chụp ảnh.
Tương tự, ngõ Áo Dài (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng là một con ngõ nổi tiếng, được biết tới với hàng chục bức họa cùng những thông điệp, ý nghĩa thiết thực. Điều thú vị là, tác giả của con ngõ hội họa là cụ ông Cao Trí Thịnh (94 tuổi ). Theo chia sẽ của ông Thịnh khi thấy các tường trong ngõ nơi mình đang sống ngập đầy rác, chi chít quảng cáo rao vặt, mất mỹ quann, ông đã tự mình mua sơn về vẽ những bức tranh để phủ lên lớp tường cũ kỹ. Theo thời gian, một số bức họa bị hoen ố, xuống màu ông Thịnh lại dùng sơn để tô vẽ lại.
Đặc biệt, mới đây dự án Bích họa trên phố Phùng Hưng do UN – Habitat (Chương trình định cư con người Liên hợp quốc), Korea Foundation (Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc) phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra một "phố vòm cầu Hà Nội" có không gian để phục vụ cộng đồng.
Mục tiêu của dự án là truyền tải thông điệp về một Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến đang đứng trước những đổi thay to lớn, song vẫn luôn gìn giữ những truyền thống và tinh hoa văn hóa để ghi dấu ấn trong lòng người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Đồng thời xóa bỏ hình ảnh một đoạn vỉa hè dài 200m gắn với các vòm cầu vốn là các hàng trà đá, bãi gửi xe... nhếch nhác.
Liên quan đến dự án này, mới đây, UBND TP Hà Nội cũng có văn bản trả lời ý kiến cử tri trước kỳ họp HĐND TP Hà Nội về nội dung làm rõ lộ trình mở thông 124 vòm cầu tại tuyến phố Phùng Hưng. Theo lộ trình, từ nay đến hết năm 2017 các tổ chức sẽ tiếp tục vẽ tranh bích họa trên 26 vòm đá dưới cầu dẫn từ phố Lê Văn Linh đến phố Hàng Cót. Các bức bích họa thực hiện trên bề mặt ngoài các vòm đá, đảm bảo không ảnh hưởng đến kết cấu. Đặc biệt kiến tạo một không gian đặc thù cho văn hóa và nghệ thuật như mô hình "phố vòm cầu" tại Paris.
Ngoài ra, trong năm 2018, TP sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tháo dỡ thí điểm một số vòm đá để phục vụ cho việc đánh giá chính xác hiện trạng kết cấu. Khai thác sử dụng không gian bên trong các vòm đá dưới cầu vào các hoạt động nghệ thuật phục vụ cộng đồng.
Không thể phủ nhận những bức tranh tường, trang trí công cộng có thể mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, thậm chí chúng còn trở thành điểm nhấn du lịch của mỗi thành phố. Tuy nhiên, vì thực hiện tự phát, thiếu chuyên nghiệp, không có kế hoạch đồng bộ và không có phương án chăm sóc, nên nhiều tranh vẽ trên đường phố có chất lượng kém đã nhanh xuống cấp, càng khiến mỹ quan đô thị xấu đi.
Điển hình là cách đây không lâu, câu chuyện trang trí nắp cống trên phố Tràng Tiền đã được nhiều người dân, đặc biệt là các bạn trẻ nhiệt tình hưởng ứng. Tuy nhiên chưa đầy một tuần sau cơn mưa, những bức tranh vẽ đầy thiện chí chỉ còn lại những vệt màu loang lổ. Điều đó cho thấy việc trang trí này vừa tốn công sức vừa tốn tiền của.
Hiện nay, trên nhiều bức tường ở Hà Nội cũng thấy xuất hiện những nét vẽ nguệch ngoạch, xiêu vẹo với đủ màu sắc và hình thù, ký tự, chữ viết kỳ dị, phản cảm, thậm chí cả những bức tranh bạc màu. Chính điều đó đã làm mất đi vẻ đẹp của bức tường phố, xâm hại tới nét kiến trúc của đô thị. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu chỉ phát triển mỹ thuật đường phố mang tính phong trào, không duy trì bài bản, thường xuyên và thiếu tính bền vững thì chỉ làm bộ mặt đô thị xấu xí hơn.
Nói như vậy để thấy rằng, mỹ quan đô thị thực sự là bài toán khó, nên giải pháp nào cũng cần tính đến vấn đề tổng thể và bền vững. Chia sẻ với Reatimes, họa sỹ Bùi Thanh Phương cho hay, trang trí đường phố công cộng thì cần có một hội đồng nghệ thuật xem xét, đưa ra kế hoạch bài bản trước khi làm. Trong đó nêu rõ tranh sẽ đưa những nội dung gì vào, là đời sống, hay tự nhiên, hay các vấn đề lịch sử văn hóa? Đề án cũng phải quan tâm đến vấn đề cảnh quan, trang trí ra sao, ảnh hưởng thị giác đô thị như thế nào…
Ví như không gian gầm cầu trước khi vẽ hay đục gầm cầu thì cần có một quy hoạch cụ thể chứ không thể từng người, từng hộ mạnh ai người đó làm sẽ tạo ra một bộ mặt nhếch nhác. Làm bài bản như hiện nay thì sau khi hoàn thành, dự án còn có thể tạo ra điểm nhấn du lịch cho Hà Nội bởi nằm gần với khu Hoàng Thành, khu phố Cổ nên sẽ thu hút nhiều du khách.
Nhân câu chuyện tranh cãi trang trí Hà Nội nhiều năm qua, họa sỹ Bùi Thanh Phương nhấn mạnh: “Trang trí đô thị nói chung và Hà Nội nói riêng thì cần xem nó có phù hợp với tinh thần của người Hà Nội hay không. Tôi có cả quãng đời sống ở Hà Nội, tôi hiểu tinh thần của người Hà Nội vốn là thích một cái gì đó êm đềm, kín đáo chứ không phải xa hoa, lòe loẹt.
Thế nên lỗi trang trí ở Hà Nội là lỗi ở chuyện các doanh nghiệp, mà đa số là người trẻ, họ “đi cửa sau” để làm các cổng chào, để gắn hoa chỗ nọ chỗ kia nhìn rất khó hiểu mà không có thẩm mỹ. Và đôi khi một bộ phận người Hà Nội cũng khá xuề xòa, họ cho là vài ngày thôi rồi bỏ cũng không sao, nhưng chính điều đó lại là sự lãng phí, không cần thiết mà còn mất thẩm mỹ”.
Theo chia sẻ của Họa sỹ Trần Khánh Chương - chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, chủ tịch Hội đồng trang trí đường phố Hà Nội cho hay: “Việc trang trí tự phát trên phố Hà Nội nếu không được quản lý thì bộ mặt thành phố sẽ ra sao? Đưa mỹ thuật tới nơi công cộng là tạo ra những bức tranh đẹp, có thẩm mỹ, có văn hóa để mọi người thưởng thức nghệ thuật chứ không phải là làm bẩn thành phố. Đồng nghĩa là muốn trang trí đẹp phải có ý kiến các nhà chuyên môn để tính toán kỹ về màu sắc, hoa văn cho không gian và kiến trúc của thành phố mà không phải lạm dụng biến đường phố thành nơi vẽ tùy hứng”.
Ngoài ra, ông Chương cho hay trách nhiệm của các nhà quản lý đô thị là chỉ ra những chỗ nào được trang trí, chỗ nào không được để tránh ảnh hưởng đến giao thông đô thị hoặc không gian văn hóa của đô thị. Ví như các mảng tường ở các di tích thì không thể vẽ trang trí mà phải để nguyên để giữ gìn các di sản.
09:00, 07/12/2017
22:59, 06/12/2017
15:44, 06/12/2017
01:03, 05/12/2017
14:43, 01/12/2017
07:49, 01/12/2017