19/04/2024 | 16:30 GMT+7, Hà Nội

Sóc Sơn gấp rút hoàn thiện các tiêu chí để về đích Nông thôn mới

Cập nhật lúc: 11/08/2020, 16:06

Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của Nhân dân, phong trào xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của Nhân dân, phong trào xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, đến nay, Sóc Sơn đã đủ điều kiện xét công nhận huyện Nông thôn mới.

Nỗ lực vượt khó xây dựng Nông thôn mới

Những ngày đầu mới bắt tay vào triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, toàn huyện Sóc Sơn chưa có xã nào đạt chuẩn. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của Nhân dân, phong trào xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã có sức lan tỏa mạnh mẽ. Đến nay, huyện Sóc Sơn đã có 26/26 xã hoàn thành Nông thôn mới. 100% hệ thống được trục đường xã, liên xã, đường trục thôn, đường liên thôn, xóm được nhựa hóa, bê tông hóa; Trên 85% kênh mương chính được cứng hóa, 100% diện tích đất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động.

Cùng với đó, hệ thống lưới điện nông thôn được đầu tư cải tạo. Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 100%. Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 87,06%. 26/26 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 0,7%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...

Mô hình nuôi gà đồi ở Sóc Sơn đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân

Một trong số những xã điển hình về sự nỗ lực vượt khó vươn lên xây dựng Nông thôn mới của huyện Sóc Sơn chính là xã Minh Phú, đây là một trong những xã về đích Nông thôn mới cuối cùng của huyện Sóc Sơn. Sau gần chục năm xây dựng Nông thôn mới, từ một xã chỉ có 2/19 tiêu chí cơ bản đạt (thông tin và truyền thông, giáo dục - đào tạo), đến nay, xã Minh Phú đã hoàn thành 19/19 tiêu chí.

Qua lấy ý kiến trực tiếp người dân, có 70,55% số hộ trả lời phiếu, trong đó 99,1% số phiếu hài lòng với kết quả xây dựng Nông thôn mới của xã. Nhờ đó, tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định địa phương đạt chuẩn Nông thôn mới thành phố Hà Nội đã thống nhất chấm xã Minh Phú đạt 97,25 điểm, đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định thành phố Hà Nội xét công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Hân, Chủ tịch UBND xã Minh Phú cho biết: Tính đến nay, xã Minh Phú đã cơ bản hoàn thành dồn điền đổi thửa tại 7/7 thôn, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao như: Mô hình trồng nấm theo công nghệ Hàn Quốc sản xuất 1,2 tấn/ngày, cho doanh thu lên đến 43 tỷ đồng (năm 2019), mô hình liên kết nuôi gà đồi Sóc Sơn, mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp, mô hình sản xuất rau an toàn VietGAP… cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.

Đồng chí Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội tham quan mô hình trồng nấm theo công nghệ Hàn Quốc tại xã Minh Phú (Sóc Sơn)

"Hiện, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 15,5 triệu đồng, đến năm 2019 đã tăng lên 45,5 triệu đồng; Tỷ lệ hộ nghèo từ 8,6% theo tiêu chí cũ, giảm xuống còn 0,9% theo tiêu chí hộ nghèo đa chiều. 99% nhà ở của dân đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng; 96,5% lao động địa phương có việc làm thường xuyên, trong đó có 55% lao động có việc làm qua đào tạo.

Xã Minh Phú đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS (mức độ 3), tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc, trung cấp, nghề đạt 95%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,8%. Xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn đến năm 2020", ông Hân khẳng định.

Cũng theo ông Hân, tổng nguồn vốn huy động xây dựng Nông thôn mới của xã đạt hơn 269 tỷ đồng, trong đó vốn huy động từ nhân dân trên 44 tỷ đồng. Đến nay, 100% đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện, 90% đường trục thôn và liên thôn, 85% đường ngõ, xóm được nhựa hóa và bê tông hóa; 3/3 trường học đều đạt chuẩn.

Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc

Bên cạnh những bước phát triển về cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp... Sóc Sơn cũng đẩy mạnh xây dựng cảnh quan môi trường, tạo nên những bức tranh làng quê đầy màu sắc nhờ vào những "tuyến đường hoa".

Những "tuyến đường hoa" đủ màu sắc kéo dài tại các trục giao thông chính, những con đường nhỏ liên thôn, xóm, cổng nhà được trồng hoa và cây xanh, tạo không gian tươi mát là kết quả từ việc triển khai đề án xây dựng “Tuyến đường tự quản xanh - sạch - đẹp - nở hoa kiểu mẫu” của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sóc Sơn.

Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sóc Sơn cho biết: Để đề án xây dựng “Tuyến đường tự quản xanh - sạch - đẹp - nở hoa kiểu mẫu” đạt hiệu quả thiết thực như hiện giờ, Hội đã khảo sát các tuyến giao thông nông thôn, nhất là các đoạn đường xa khu dân cư, điểm đọng rác gây ô nhiễm môi trường… sau đó giao các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đăng ký và xử lý triệt để.

Trong năm 2019 vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã đã xây dựng tuyến đường tự quản xanh - sạch - đẹp - nở hoa kiểu mẫu với chiều dài từ 500m trở lên, theo quy mô liên xã, liên thôn, liên xóm; Trồng các loại cây, hoa đẹp và bền quanh năm. Riêng tại thị trấn Sóc Sơn, Hội đã thực hiện xây dựng tuyến đường theo tiêu chí đô thị văn minh.

Việc xây dựng tuyến đường nở hoa rất có ý nghĩa thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan vùng nông thôn mới

Để duy trì các tuyến đường hoa, bà Hà cho biết, Hội Phụ nữ các cấp đã xây dựng sổ theo dõi, phân công tổ, nhóm phụ nữ chăm sóc các tuyến đường hoa kết hợp vệ sinh môi trường. Mặt khác, thành viên Ban chấp hành Hội phụ trách các thôn, xóm, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và đánh giá chất lượng các đoạn đường tự quản, tuyến đường nở hoa; Duy trì việc tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào sáng thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần; 100% xã, thị trấn tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, vệ sinh “sạch đồng ruộng”.

Nói về công tác xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện Sóc Sơn, đồng chí Phạm Xuân Phương, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn chia sẻ: Sóc Sơn là huyện ngoại thành Hà Nội, 70% số dân của huyện có thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Mặc dù là huyện thuần nông, xuất phát điểm thấp nhưng nhờ sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân nên công tác xây dựng Nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, từng bước nâng cao đời sông nhân dân.

Để đạt mục tiêu về xây dựng Nông thôn mới theo chuẩn quốc gia, tạo chuyển biến mạnh mẽ và động lực phát triển đồng bộ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, huyện Sóc Sơn đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt phong trào thi đua Sóc Sơn chung sức xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành hưởng ứng một cách nhiệt tình.

Các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn đều xây dựng các chương trình hành động cụ thể. Đơn cử như Hội Cựu chiến binh có phong trào "Hội Cựu Chiến binh chung sức xây dựng Nông thôn mới"; Hội Người cao tuổi phát động phong trào "Tuổi cao - gương sáng" và phong trào "Toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò Người cao tuổi"; Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" chung sức xây dựng Nông thôn mới trong Hội Liên hiệp Phụ nữ...

Phong trào thi đua Sóc Sơn chung sức xây dựng nông thôn mới còn được đông đảo nhân dân hưởng ứng một cách tích cực qua các hình thức như hiến đất làm đường, góp tiền của, công sức kiện toàn mạng lưới giao thông - thủy lợi phục vụ sản xuất và xây dựng Nông thôn mới,... Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của Nhân dân, phong trào xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã có sức lan tỏa mạnh mẽ. Đặc biệt, đến nay, Sóc Sơn đã đủ điều kiện xét công nhận huyện Nông thôn mới.

Trang thông tin có sự phối hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội