22/11/2024 | 00:25 GMT+7, Hà Nội

Sinh viên chạy Grab: “Kiếm tiền bằng sức lao động của mình, sao phải ngại”

Cập nhật lúc: 29/08/2017, 19:00

Trong khi một số người cảm thấy xót xa trước tình cảnh những chàng trai trẻ, khỏe, là “chủ nhân tương lai” của đất nước phải chạy xe ôm Grabbike, thì đối với nhiều sinh viên, đó là một nguồn thu nhập lớn, đủ để trang trải cuộc sống trong lúc còn nhiều khó khăn.

Đặt một cuốc xe từ đường Phủ Diễn sang bến xe Gia Lâm, tôi bắt gặp Hùng, một chàng trai với dáng người mảnh khảnh, đi trên chiếc xe wave đỏ đang hồ hởi tiến về phía tôi.

Qua lời giới thiệu, tôi được biết cậu đang là sinh viên năm 4 của Trường Đại học Công nghiệp và đã chạy Grab được gần 2 năm nay.

Thu nhập đủ trang trải cuộc sống

Có lẽ thời gian làm xe ôm Grab đã đủ dài mà cậu tỏ ra rất dày dặn kinh nghiệm, thân thiện và chủ động trong cách nói chuyện. Biết đến Grab từ khi lên năm 2, Hùng đã tích góp số tiền làm thêm và xin bố mẹ một ít để sắm chiếc xe Wave cũ chạy Grab.

Chiếc xe Wave cũ là phương tiện kiếm sống của cậu sinh viên chân chất này.

Theo lời Hùng kể, gia đình cậu có 4 anh em trong độ tuổi ăn học, nên trước đây, cậu chỉ được gia đình chu cấp mỗi tháng nhiều nhất khoảng 1 triệu rưỡi, vì vậy cậu phải đi làm thêm rất nhiều công việc từ phục vụ nhà hàng, gia sư, đến làm telesales... mới đủ trang trải cuộc sống.

Nhưng kể từ khi chạy Grab, cậu không còn phải xin bố mẹ tiền chi tiêu hàng tháng nữa, số tiền kiếm được còn dư giả, cậu tích góp vào việc học tiếng Anh.

"Mỗi tháng em kiếm được khoảng 2,5 - 3 triệu đồng chạy part - time. So với các công việc trước đây, số tiền này là khá lớn, em vừa có thể tự lo được tiền ăn uống, sinh hoạt, vừa có thể dành một khoản tiết kiệm để học Tiếng Anh. Chạy Grab tự do mà chủ động được thời gian, lúc nào không học là em bật máy lên chạy", Hùng tâm sự.

Công việc chạy xe ôm Grabbike đang mang lại thu nhập khá cao cho nhiều sinh viên. Trung bình mỗi ngày chạy part-time, các bạn có thể kiếm được từ 150.000 - 200.000 đồng. Chính vì thế, số lượng sinh viên tham gia chạy Grabbike đang lên tới hàng chục nghìn người và trở thành một trào lưu hiện nay.

Tại một số cổng trường đại học, xuất hiện rất nhiều sinh viên chạy Grab.

Đối với sinh viên nỗi sợ lớn nhất có lẽ là hai từ “cuối tháng”, khi vào lúc đó, tiền ăn thường hết sạch và phải ăn mỳ chờ tiếp viện. Tuy nhiên, từ khi có Grabbike, rất nhiều sinh viên không còn phải lo lắng về vấn đề đó nữa.

Hùng chia sẻ, từ khi chạy Grab, vấn đề ăn gì vào cuối tháng của em cũng trở nên dễ dàng hơn. Khi nào hết tiền, em chỉ cần bật máy lên chạy vài cuốc xe là có thể kiếm tiền ăn hôm đó, không còn phải chạy vạy như trước nữa.

Bên cạnh đó, cậu sinh viên vui tính này còn chia sẻ câu chuyện cậu chạy Grab kiếm tiền mua quà tặng bạn gái nhân dịp sinh nhật.

Cậu tâm sự, trước đây đến dịp sinh nhật bạn gái hay có dịp lễ gì quan trọng, mua quà gì tặng bạn gái cũng là một vấn đề phải suy nghĩ, phải tiết kiệm cái này, cái kia. Nhưng "nay em chỉ cần tranh thủ chạy Grab 3 hôm từ 7h tối đến 9 giờ 30 tối, cũng đủ tiền để mua tặng bạn gái một món quà ý nghĩa".

“Kiếm tiền bằng sức lao động, sao phải ngại”

Ngồi trên xe của Hùng, tôi thấy khá thích thú với những câu chuyện cậu kể, từ những vấn đề bóng đá, giải trí.. đến chuyện chính trị, bói toán, tử vi… cậu đều có những thông tin hấp dẫn.

Theo lời Hùng, từ ngày chạy xe ôm Grab mà cậu ra mạnh dạn hơn trong cách nói chuyện, giao tiếp cũng tốt lên. Hùng kể, mỗi ngày gặp bao nhiêu khách với những tính cách, nghề nghiệp khác nhau nên cách nói chuyện của mình cũng phải thay đổi cho phù hợp, như thế khách hàng mới vui vẻ và đánh giá em nhiều sao, thu nhập mới tốt được.

Nhìn cái cách mà cậu liên tục gợi mở những câu chuyện và nhiệt tình đáp lại các câu hỏi của tôi là thấy rõ sự chủ động và thú vị trong con người cậu.

Sau đó, tôi cũng lân la gạn hỏi Hùng sao không chọn việc làm nào liên quan đến chuyên môn hoặc có thể giúp mình rèn luyện kỹ năng, mà lại chạy xe ôm ngoài đường, những công việc thường chỉ dành cho người lớn tuổi. Liệu những thanh niên như cậu có cảm thấy ngại?

Và những trải lòng của Hùng về chuyện cậu chạy Grab khiến tôi càng thấy kính phục trước sự chịu khó của những người như cậu.

Khối ngành học của Hùng là về kỹ thuật nên kiếm việc làm thêm liên quan đến chuyên môn không dễ chút nào. Hùng tâm sự, chạy Grab cũng có cái hay của nó, giúp cậu mạnh dạn hơn và biết quý giá từng gì cũng đồng tiền mình làm ra. "Làm việc gì cũng được, miễn là kiếm tiền bằng sức lao động của mình, sao phải ngại ạ".

Khó khăn của chàng sinh viên chạy Grab

Tuy vậy, chạy Grab cũng gặp không ít khó khăn, nguy hiểm. Chàng sinh viên năm cuối chia sẻ, những sinh viên chạy Grab như cậu thường bị đe dọa bởi những người lái xe ôm truyền thống, đã có nhiều vụ xô xát gây thương tích xảy ra nên lúc nào cũng phải cẩn thận.

Bên cạnh đó, do tính chất công việc chủ yếu là chạy ngoài đường nên việc thường xuyên hít phải khí bụi đã ảnh hưởng không ít tới vấn đề sức khỏe. Thời gian đầu chạy Grab, tối về đêm nào người cậu cũng ê ẩm, không ngủ được. 

Nhiều hôm trời nắng nóng, chạy xe ngoài đường hít khí bụi nhiều nên về cậu bị ốm mấy hôm liền. Tiền chạy xe cả ngày hôm đó chỉ đủ mua tiền thuốc. Hôm nào trời nóng quá, cậu tranh thủ chạy tối nhưng lại nơm nớm sợ về muộn bà chủ đóng cửa phòng nên cũng không chạy được nhiều, Hùng kể.

Chàng sinh viên trường Công nghiệp này còn có những cuốc xe nhớ đời. Đó là cuốc xe cậu phải đi lòng vòng mấy cây số để tìm địa chỉ, nhưng không may xe hỏng phải thay xăm mới trong lúc khách giục gọi. 

Vậy là tiền cuốc xe cũng không đủ bù cho săng và xăm xe. Cuốc xe mất gần một giờ đồng hồ mà lại bị khách cho sao thấp và chỉ được 16.000 đồng. Nhìn những đồng tiền lẻ mà lòng không khỏi ngậm ngùi. Thật sự kiếm được đồng tiền không dễ dàng chút nào. Nhưng "biết sao được cũng đành phải cố thôi anh ạ", chàng trai trẻ cười buồn chia sẻ.

Nghe những lời của Hùng, tôi cũng không khỏi xúc động và thầm nghĩ, so với nhiều người, những sinh viên chăm chỉ như Hùng đáng ra phải học hỏi. Vừa có thể tự thân kiếm được tiền lo cho bản thân, đỡ đần được bố mẹ, vừa có thể ra bên ngoài tiếp xúc với nhiều người, giúp bản thân chững chạc hơn.

Cũng có nhiều người thời sinh viên, chỉ biết đâm vào lô đề, điện tử, đắm mình vào những trò vô bổ, phí thời gian, sức trẻ thì những chàng sinh viên như Hùng, kiếm tiền bằng chính sức lực của mình, sao lại phải ngại? Câu hỏi đó xen lẫn với ý kiến mà một số người cảm thấy buồn cho một lớp lớp thanh niên Việt Nam phải chạy xe ôm kiếm tiền cứ len lỏi trong đầu tôi khi ngồi trên xe cậu.