18/01/2025 | 12:41 GMT+7, Hà Nội

Siêu thị hàng hóa dồi dào, người dân không mua đồ tích trữ

Cập nhật lúc: 01/04/2020, 20:50

Ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện cách ly toàn xã hội, khác với tâm lý đổ xô mua đồ tích trữ chiều 31/3, hôm nay hoạt động mua bán tại một số khu vực Hà Nội...

Ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện cách ly toàn xã hội, khác với tâm lý đổ xô mua đồ tích trữ chiều 31/3, hôm nay hoạt động mua bán tại một số khu vực Hà Nội không có nhiều xáo trộn, hàng hóa dồi dào.

Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị vào trưa 1/4 tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Big C, Vinmart, Hapro Mart cho thấy, không khí mua sắm vẫn diễn ra bình thường, thậm chí, khá vắng vẻ, lượng khách không đông.

Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Vinmart ngày 1/4.

Tại các siêu thị luôn đầy ắp hàng hóa, quầy rau xanh được tiếp liên tục, không để tình trạng "cháy kệ, rỗng hàng". Thực phẩm tươi sống cũng được bày nhiều hơn so với mọi khi... với đầy đủ các chủng loại từ thủy hải sản, thịt gia cầm, gia súc... Tâm lý những người dân đến siêu thị mua sắm ngày 1/4 rất bình thản, họ lựa chọn những thực phẩm thật sự cần thiết, chứ không phải nhắm tới việc mua tích trữ trong 2 tuần cách ly.

Đang mua sắm tại siêu thị Vinmart Phạm Ngọc Thạch, chị Nguyễn Thùy Trang nhà ở đường Tôn Thất Tùng cho biết: Rút kinh nghiệm từ việc tích trữ quá nhiều đồ ăn ngày 7/3 vừa qua, nên tôi không phải vội vàng đi mua sắm trong chiều 31/3, bởi qua báo chí tôi được biết nguồn hàng thiết yếu tại hệ thống chợ truyền thống, siêu thị luôn dồi dào. Và hôm nay, ra siêu thị tôi thấy hàng hóa rất nhiều với đủ loại mặt hàng để người dân lựa chọn.

Người tiêu dùng mua thực phẩm tại Big C sáng 1/4

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Trước những diễn biến của dịch Covid-19, hệ thống bán lẻ đã tăng cường dự trữ hàng hóa tăng 30-40%. Theo đó, lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp đảm bảo cung cấp cho thị trường Hà Nội trong vòng 60-90 ngày, hiện lên đến 174.000 tỷ đồng và đang tiếp tục gia tăng.

Đồng thời, các doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa bán hàng muộn, tăng cường nhân viên giao hàng để đẩy mạnh các hình thức bán hàng online, từ đó lượng bán hàng online của các doanh nghiệp đã tăng gấp 3 - 4 lần so với trước đó. Sở Công Thương Hà Nội cũng đã xây dựng các kịch bản nhằm bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân với 5 cấp độ.

Nhân viên siêu thị Vinmart Phạm Ngọc Thạch bổ sung thực phẩm tươi sống ra quầy hàng

Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị các Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh, TP chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối tổ chức các điểm bán hàng tạm thời, lưu động, dã chiến...

Qua đó bảo đảm cung ứng thường xuyên, liên tục nhu yếu phẩm cho người dân trong trường hợp các điểm bán hàng thuộc hệ thống của các doanh nghiệp phân phối hàng nhu yếu phẩm trên địa bàn bị đóng cửa vì các lý do dịch bệnh, hoặc thực hiện phương án giảm mật độ người dân đến mua sắm.