Sẽ ban hành danh mục ngành nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo
Cập nhật lúc: 15/07/2020, 06:40
Cập nhật lúc: 15/07/2020, 06:40
Lao động qua đào tạo đóng vai trò quan trọng vào việc tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển lực lượng lao động qua đào tạo cũng chính là yêu cầu nâng cao chất lượng lao động Việt Nam trong bối cảnh hội nhập khu vực, quốc tế và sự tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như ứng phó với các yếu tố khó lường của dịch bệnh và thiên tai đã và đang tác động trên quy mô toàn cầu.
Điều này được Đảng, Chính phủ quan tâm thể hiện rõ nét qua Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ qua đào tạo của cả nước đạt từ 65% đến 70%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 25%. Theo bản tin thị trường lao động quý I năm 2020, lực lượng lao động (từ 15 tuổi trở lên) trên cả nước có khoảng 55,33 triệu người, với tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ chiếm khoảng 23,7% (tương đương 13,11 triệu người).
Như vậy so với quy mô của lực lượng lao động hiện nay, số lượng người lao động được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật còn hạn chế. Theo đánh giá của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn là một thách thức đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Điều này thể hiện ở nhiều góc độ nhưng trước hết phải nói đến là lao động còn thiếu hụt về kỹ năng nghề, kỹ năng mềm và hạn chế về năng lực ngoại ngữ, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin. Cũng theo ILO, để thu hẹp và lấp những "khoảng trống về kỹ năng" của lực lượng lao động cần thực hiện đào tạo qua doanh nghiệp hoặc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo theo yêu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, qua theo dõi thực tiễn về thị trường lao động Việt Nam, hiện nay các doanh nghiệp, trong đó là các doanh nghiệp FDI đang ưu tiên tập trung sử dụng lao động trẻ, chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, trình độ kỹ năng rất hạn chế, thiếu kiến thức về vệ sinh và an toàn lao động. Điều này dẫn tới năng suất lao động tại doanh nghiệp thấp ảnh hưởng chung tới năng suất lao động quốc gia.
Mặt khác do thiếu văn bằng, chứng chỉ về chuyên môn kỹ thuật nên người lao động tại doanh nghiệp chịu nhiều thiệt thòi như được trả lương không thỏa đáng và nhiều chế độ khác dành cho người lao động tại doanh nghiệp, đặc biệt dễ bị doanh nghiệp sa thải khi tuổi đã cao, khi doanh nghiệp cập nhật công nghệ, điều chỉnh cơ cấu sản xuất, kinh doanh hoặc nền kinh tế chịu tác động của thiên tai dịch bệnh.
Như vậy, việc ban hành thông tư này có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển lực lượng lao động có kỹ năng và sẽ tạo hành lang pháp lý quy định các ngành nghề mà người sử dụng lao động phải sử dụng lao động đã qua đào tạo.
Theo Dự thảo thông tư này, có 04 Điều và 02 danh mục ngành nghề sử dụng lao động qua đào tạo bao gồm:
- Danh mục 1: Bao gồm 68 ngành nghề sử dụng lao động qua đào tạo áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Đây là những ngành, nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (điều kiện lao động ở nhóm V và nhóm VI) theo Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ban hành kèm theo Thông tư số 15/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Danh mục 2: Bao gồm 90 ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2023. Đây là những ngành, ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (điều kiện lao động ở nhóm IV) theo Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ban hành kèm theo Thông tư số 15/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và một số ngành nghề liên quan đến sức khỏe, các dịch vụ liên quan đến phục vụ con người, các ngành nghề quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (các nghề trọng điểm ở các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế).
Dự thảo Thông tư cũng xác định lộ trình thực hiện Danh mục ngành nghề sử dụng lao động qua đào tạo bao gồm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Từ ngày 01/01/2022: Áp dụng cho Danh mục 1, bao gồm 117 ngành, nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, vì nếu những người lao động trong lĩnh vực này không được đào tạo thì nguy cơ xảy ra tại nạn lao động là rất lớn, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và không bảo đảm quyền lợi cho người lao động trong môi trường lao động khó khăn, vất vả.
- Giai đoạn 2: Từ ngày 01/01/2023: Áp dụng cho Danh mục 2, bao gồm 59 ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và những ngành, nghề phổ biến, quan trọng (như đã nêu trên). Cũng tương tự như Danh mục 1, nếu những người lao động trong lĩnh vực này không được đào tạo thì dễ xảy ra mất an toàn lao động, không được đào tạo thì không có kỹ năng làm việc, năng suất thấp, thu nhập thấp, công việc không ổn định, ảnh hưởng chung đến cả nền kinh tế.
Mặt khác, người lao động ở những ngành, nghề này đòi hỏi phải qua đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và sự an toàn của người sử dụng các sản phẩm, dịch vụ trong một số lĩnh vực như y tế, du lịch dịch vụ, giao thông vận tải.v.v...
- Giai đoạn 3: Từ ngày 01/01/2024: Áp dụng cho các ngành nghề còn lại trong Danh mục ngành, nghề đào tạo theo quy định tại Thông tư số 04/2018/TT-BLĐTBXH ngày 02 tháng 03 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, cao đẳng và các ngành, nghề khác ở các trình độ sơ cấp, và các ngành, nghề được quy định bởi các luật chuyên ngành.
Dự thảo Thông tư đã gửi lấy ý kiến của các Bộ, ngành địa phương, cơ sở GDNN. Về cơ bản, các ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở GDNN đều đồng thuận với Danh mục này. Hiện nay, Bộ LĐTB&XH đang tiếp tục lấy thêm ý kiến của các doanh nghiệp để hoàn thiện thêm Dự thảo.
14:30, 09/07/2020
06:40, 18/06/2020
09:00, 12/06/2020