Sai phạm trong quy hoạch Thủ Thiêm: Dấu hỏi lợi ích nhóm
Cập nhật lúc: 22/09/2018, 00:31
Cập nhật lúc: 22/09/2018, 00:31
Câu chuyện về sai phạm trong quy hoạch tại Thủ Thiêm (TP.HCM) vẫn đang được dư luận dành nhiều sự quan tâm. Họ theo dõi xem đối với những sai phạm nghiêm trọng ấy, cơ quan chức năng sẽ xử lý ra sao? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Quyền lợi của người dân Thủ Thiêm có được đảm bảo hay không? Dư luận muốn có một câu trả lời thỏa đáng, bởi lẽ không chỉ riêng Thủ Thiêm, có thể người dân ở nhiều tỉnh thành khác cũng đang trong tình cảnh tương tự.
Trao đổi với Reatimes, PGS TS. Nguyễn Hữu Tri - Chuyên gia hành chính công cho rằng, cần phải làm rõ vấn đề, ai là người chịu trách nhiệm trong việc thay đổi quy hoạch Thủ Thiêm. Thủ Thiêm nằm trên địa bàn TP.HCM, vậy người có thẩm quyền cao nhất là Chủ tịch UBND TP.HCM.
"Rõ ràng, cần phải rà soát lại và làm rõ hai vấn đề. Một là những thành phần nào, sự việc nào thuộc thẩm quyền quản lý của TP.HCM thì TP.HCM phải chịu trách nhiệm. Hai là, những thành phần nào, sự việc nào thuộc thẩm quyền quản lý của cấp lớn hơn thì lúc đó phải có ý kiến với Chính phủ.
Theo như thông tin tôi nắm được trong quá trình theo dõi về sự việc ở Thủ Thiêm, rõ ràng quy hoạch Thủ Thiêm ban đầu đã có, sau đó mới điều chỉnh quy hoạch. Thế nhưng, điều chỉnh quy hoạch cũng phải theo quy tắc, giả sử Chính phủ phê duyệt quy hoạch ban đầu, nếu TP.HCM muốn thay đổi thì phải báo cáo lại Thủ tướng.
Bản thân các nhà lãnh đạo ở địa phương họ phải hiểu thẩm quyền của họ đến đâu và cái gì thuộc thẩm quyền của Trung ương, của Chính phủ. Trong trường hợp cố tình làm sai quy tắc hoặc phớt lờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên thì câu chuyện sẽ diễn ra theo mội chiều hướng khác", ông Tri phân tích.
Trước một số ý kiến cho rằng, cơ quan điều tra Bộ Công an nên chủ động vào cuộc để làm rõ những sai phạm trong quy hoạch Thủ Thiêm, vị chuyên gia hành chính công nhấn mạnh:
"Khi có Kết luận của Thanh tra Chính phủ rồi thì cơ quan chức năng mới có thể đi điều tra kỹ hơn, tìm hiểu mức độ sai phạm thế nào, đó là điều đương nhiên. Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra những cái sai cơ bản trong quy hoạch Thủ Thiêm, còn muốn đi sâu thêm để xác định rõ mức độ sai phạm, quy trách nhiệm cụ thể thì đó là nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền mà cụ thể ở đây là Bộ Công An".
Những sai phạm trong quy hoạch Thủ Thiêm diễn ra hàng chục năm qua nhưng gần đây mới được làm rõ. Một điểm nóng kéo dài như vậy mà dường như "trời không biết, quỷ không hay" khiến cho dư luận phải đặt câu hỏi: Liệu có tồn tại lợi ích nhóm trong sự việc này không? Trả lời cho câu hỏi này, PGS TS. Nguyễn Hữu Tri khẳng định:
"Tất nhiên là có, đó là vấn đề diễn ra trong suốt 20 năm vừa qua. Phần lớn lợi ích nhóm và lợi ích cục bộ xuất hiện dựa trên lợi thế về vấn đề đất đai. Nó biến tài sản của toàn xã hội thành lợi ích cho một nhóm người".
Quay trở lại vấn đề quyền lợi của người dân Thủ Thiêm, ông Tri cho rằng, nếu sai phạm thuộc về UBND TP.HCM thì người có thẩm quyền của TP.HCM phải lắng nghe ý kiến của dân để tìm một giải pháp hợp lý. Theo ông Trí, khi một sự việc xảy ra thì hai bên phải ngồi đàm thoại với nhau trên tinh thần cảm thông, chia sẻ với nhau. Có những lỗi mà người dân có thể thông cảm cho cơ quan nhà nước, nhưng bản thân các cơ quan nhà nước phải thấy được điều đó và tìm ra giải pháp để đảm bảo hài hòa trong lợi ích giữa các bên, khi đó vấn đề sẽ được giải quyết.
11:01, 21/09/2018
12:53, 06/06/2018
10:34, 29/05/2018
21:38, 09/05/2018