19/01/2025 | 05:57 GMT+7, Hà Nội

Sai lầm khi đi bơi mùa hè rước bệnh vào thân

Cập nhật lúc: 29/05/2018, 07:04

Bơi lội là môn thể thao được nhiều người yêu thích trong ngày hè bởi nó mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và giải nhiệt lúc nóng bức. Tuy nhiên, nhiều người đã mắc sai lầm khi đi bơi mùa hè gây bệnh cho chính bản thân mình.

Ăn quá no hoặc để bụng quá đói

Nếu trước khi đi bơi bạn không ăn uống gì thì dạ dày trống sẽ không đủ năng lượng để tiếp sức bơi lội. Hơn nữa, bụng đói sẽ tăng nguy cơ cảm lạnh, thậm chí hạ đường huyết khi đi bơi.

Rất nguy hiểm khi đi bơi quá đói hoặc quá no. Ảnh: Internet.

Rất nguy hiểm khi đi bơi quá đói hoặc quá no. Ảnh: Internet.

Nếu như bạn ăn quá no và bơi liền ngay tức khắc thì dạ dày cũng sẽ không thể hoạt động tốt bởi thức ăn quá nhiều là gánh nặng cho cơ quan tiêu hóa, dễ gây bệnh đau dạ dày và các bệnh đường ruột khác.

Không tắm rửa trước và sau khi bơi

Nếu ai cũng để nguyên người mà nhảy ùm xuống hồ thì bể bơi sẽ trở thành bồn tắm khổng lồ cho tất cả mọi người. Vì thế, bạn nên dội qua người trước khi vào bể bơi, giữ vệ sinh cho mình và cả người khác.

Sau khi bơi không tắm cũng sẽ gây ra các vấn đề bệnh tật cho sức khỏe. Bởi hồ bơi chứa lượng hóa chất không hề nhỏ có thể khiến da nhiễm trùng và rước vi khuẩn vào người gây bệnh.

Sau khi bơi, bạn nên tắm lại bằng xà phòng sát khuẩn sẽ hạn chế được nguy cơ ảnh hưởng từ các hóa chất trong bể bơi.

Không uống nước đầy đủ trước khi bơi

Việc vận động cơ bắp trong lúc bơi lội sẽ khiến cơ thể mất nước nhưng do bạn ở trong nước nên sẽ không cảm nhận được điều đó.

Nên bổ sung đủ nước khi bơi. Ảnh: Internet.

Nên bổ sung đủ nước khi bơi. Ảnh: Internet.

Nếu không bổ sung nước sẽ dẫn đến việc mệt mỏi sau khi bơi bởi mất điện giải. Tốt nhất uống nước trước khi bơi hoặc trong khi bơi nghỉ ngơi uống nước và lại bơi tiếp.

Bơi trong ngày đèn đỏ

Dù bạn có dùng tampon hay cốc nguyệt san và hoàn toàn yên tâm có thể bơi lội tung tăng trong ngày đèn đỏ thì tình trạng viêm nhiễm phụ khoa vẫn dễ gặp.

Bởi trong những ngày đèn đỏ, tử cung mở rộng hơn bình thường và các loại vi khuẩn trong bể bơi có thể dễ dàng xâm nhập vào tử cung, ống dẫn trứng làm cho bộ phận sinh dục bị nhiễm, mà còn dẫn đến tình trạng kinh nguyệt không đều, lượng kinh nguyệt quá nhiều, kéo dài thời gian hành kinh...

Bơi với một cái đầu khô

Để tóc khô khiến vi khuẩn dễ tiếp xúc. Ảnh: Internet.

Để tóc khô khiến vi khuẩn dễ tiếp xúc. Ảnh: Internet.

Việc làm ướt tóc rất quan trọng bởi sẽ làm cho nước ngấm vào tóc và hạn chế nguy cơ tóc bị khô và chẻ ngọn do hóa chất có trong bể bơi.

Tốt nhất trước khi bơi hãy nhúng đầu qua nước và tiếp theo bôi một lớp tinh dầu chống rối. Hoặc cách tốt nhất là dùng mũ và kính bơi để bảo vệ tóc và mắt của bạn.

Không khởi động trước khi bơi

Khởi động trước khi bơi có tác dụng làm nóng cơ thể, các khớp linh hoạt hơn và giảm nguy cơ chấn thương.

Nếu không khởi động trước cơ bắp phải hoạt động đột ngột rất dễ bị sốc nhiệt hoặc bị chuột rút.

Bơi quá lâu

Không nên bơi quá lâu.Ảnh: Internet.

Không nên bơi quá lâu, đặc biệt là trẻ nhỏ. Ảnh: Internet.

Nhiều người thích ngâm mình trong nước để xóa tan cảm giác nóng bức. Tuy nhiên, người lớn chỉ nên bơi khoảng 60-90 phút và trẻ nhỏ chỉ nên bơi từ 30-45 phút.

Nếu bơi lội quá lâu dưới ánh nắng mặt trời gay gắt không tốt cho da, dễ khiến da bị sạm hoặc bỏng rát do phơi nắng. Nếu như có cảm giác mệt mỏi, tim đập nhanh hoặc bụng đói cồn cào thì bạn hãy lên bờ ngay.