19/01/2025 | 02:26 GMT+7, Hà Nội

Rượu ngâm chuột bao tử: 'Tiên dược' hay 'độc dược' ?

Cập nhật lúc: 17/03/2016, 06:31

Gần đây, món “rượu chuột” được đồn thổi là thức uống số 1 giúp nam giới tăng cường sinh lý, thậm chí bồi bổ cả cho các bà mẹ mang thai… Tuy nhiên, những nguy cơ bệnh tật lây lan từ món “đặc sản” này không phải ai cũng biết.

Cách đây không lâu, nhiều nơi rộ lên phong trào săn trứng ung, trứng thối, các loài động vật quý hiếm như: hổ, voọc chà vá hay các loại thực phẩm động vật thông dụng như trâu, hươu, ngựa, dê cho tới rượu ngâm cây thuốc phiện để tăng cường khả năng quan hệ tình dục của các đấng mày râu.

Dường như chưa đủ thỏa mãn, nhiều người lại rỉ tai nhau về chuột bao tử - một món ăn kỳ lạ nhưng rất dễ kiếm ở miền quê.

Trên nhiều diễn đàn, món “rượu chuột” được đồn thổi là thức uống số 1 giúp nam giới tăng cường sinh lý, thậm chí bồi bổ cả cho các bà mẹ mang thai… dù hương vị chẳng khác gì… xăng thô.

Trong vai một khách hàng hiếu kỳ với thức uống lạ, chúng tôi được nhân viên của cửa hàng chuyên cung cấp chuột “pinky” (chuột "bao tử") tại Cầu Giấy (Hà Nội) hướng dẫn, chỉ cần 100 con chuột “pinky” và một lít rượu là có ngay “tiên dược” đặc biệt tốt cho cơ thể mệt mỏi, gầy yếu cần bồi bổ để tăng cường sức khỏe.

Chuột

Chuột "pinky" được đem ngâm rượu.

“Trong các loại động vật thì chuột có tỷ lệ đạm cao nhất, chuột non vừa sinh ra lại càng bổ và sạch hơn nên được sử dụng như một bài thuốc trong Đông y”, anh này khẳng định.

Thấy chúng tôi ngại chuột mang nhiều dịch bệnh, anh này trấn an: “Chuột “pinky” không phải chuột đồng hay chuột cống mà là chuột bạch, được nuôi để dùng làm thí nghiệm nên không lo nhiễm khuẩn.

Loại chuột con này hoàn toàn sống bằng sữa mẹ nên lại càng không bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài”.

Chuột “pinky” có kích thước chỉ bằng ngón tay cái, còn đỏ hỏn. “Vì màu da này mà chúng có cái tên “Tây” là chuột “pinky”, anh nhân viên giải thích thêm.

Thông thường, chuột “pinky” được “xuất chuồng” trong tuần đầu sinh ra, do tách mẹ nên chỉ sống được thêm hai-ba ngày.

Nếu không bán hết, nhiều cửa hàng sẽ đông lạnh để bán làm thức ăn cho động vật. Muốn làm món rượu chuột, theo hướng dẫn của nhiều chủ hàng thì phải cần chuột còn tươi sống.

Giá mỗi con chuột “pinky” từ 5.000 - 6.000đ.

Thực tế các nhà khoa học đã chứng minh chuột bao tử hay các loại bào thai hoặc vật con mới sinh của một số loài vật đều chứa lượng chất đạm rất cao, giàu sinh tố và khoáng chất. Chúng thường được dùng làm thuốc bổ khí, dưỡng huyết, chữa các chứng hư lao, suy nhược, thận hư tinh kém, đau lưng, mỏi gối.

Loại chuột dùng để ngâm rượu phải là loại chuột non, tối đa chỉ là 3 ngày tuổi và tốt nhất là loại chuột mắt vẫn nhắm, được lấy thẳng từ bụng chuột mẹ khi vẫn còn sống, dùng rượu rửa sơ qua rồi cho vào chai rượu gạo để ngâm. Chuột càng ít ngày tuổi thì càng bổ dưỡng. Thời gian ngâm rượu cũng khá dài, sau khoảng 12-14 tháng, rượu mới có thể sử dụng được.

Được biết, mùi vị của loại rượu này khá nồng, được miêu tả gần giống với mùi xăng.

Uống loại rượu ngâm chuột

Uống loại rượu ngâm chuột "bao tử" có thực sự tốt?

Tuy nhiên uống loại rượu này có thực sự tốt?

Chia sẻ trên báo Phụ nữ TPHCM, TS-BS Phạm Bá Tuyến - Phó giám đốc BV Y học cổ truyền (Bộ Công an) cho biết, trong Đông y, những sách cổ của các danh y Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông đều ghi rõ, thịt chuột tính ngọt và âm, có tác dụng làm lành vết thương và liền xương gãy.

“Tuy nhiên, việc ăn thịt chuột tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì chúng mang nhiều mầm bệnh như dịch hạch, phó thương hàn, virus Hanta… ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người”, BS Tuyến nhấn mạnh.

Chuột là loại động vật chứa đầy nguy cơ với sức khỏe con người nên việc dùng chuột “bao tử” để bồi bổ là rất vô lý, vì chúng không khác gì nhiều động vật khác nhưng lại không đủ an toàn.

Đặc biệt, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ chuột chủ yếu qua đường nước tiểu và chứa trong gan, nội tạng, nên dù chưa bị nhiễm bệnh từ môi trường bên ngoài, chuột vẫn có thể mắc từ chuột mẹ.

Không chỉ phủ nhận tác dụng của chuột “bao tử”, BS Tuyến còn nhấn mạnh, mọi thông tin cho rượu chuột là thuốc bổ, thuốc tăng cường sinh lý… đều không có căn cứ.

Báo Phụ nữ TPHCM cũng dẫn lời PGS-TS Nguyễn Hữu Đức - Trường ĐH Y Dược TP.HCM: “Không có chuyện rượu chuột là bài thuốc đối với những người có nhu cầu bồi bổ, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Quảng cáo như vậy là… tầm bậy, nguy hiểm cho sức khỏe con người”.

Lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (phòng chẩn trị Y học cổ truyền chùa Cảm Ứng – Hà Nội) cảnh báo: "Thực chất, chuột bao tử cũng giống như nhiều động vật bao tử khác, do đang trong thời kỳ phát triển, chúng mang trong mình nhiều chất bổ dưỡng. Tuy nhiên, chúng cũng là vật mang trong mình rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, người tiêu dùng không biết nguồn gốc chuột, ăn phải sẽ mắc các bệnh như dịch hạch, sốt vàng và nhiều căn bệnh khác.

Hiện chưa có thông báo chính thức nào liên quan đến việc ăn chuột bao tử bị mắc bệnh, song quan điểm của tôi là không nên dùng món ăn kinh dị này".

Trên thực tế nhiều trường hợp bị ngộ độc vì uống rượu ngâm các loại cây cỏ hoặc động vật, như rượu ngâm hoa anh túc (hoa thuốc phiện), rượu rắn…Vì bản thân rượu là đã không tốt cho sức khỏe, lại thêm việc việc kết hợp với độc của các loại cây hay độc của động vật gây ảnh hưởng trầm trọng đến bản thân người sử dụng./.

"Các loài chuột có thể làm lây lan 35 bệnh khác nhau. Có những bệnh lây trực tiếp sang người qua phân, nước tiểu, nước bọt của chúng như sốt xuất huyết với hội chứng thận, dịch hạch, bệnh vàng da xuất huyết do Leptospira, sốt xuất huyết với hội chứng thận do Hantavirus.

Ngoài ra, có những bệnh lây từ chuột sang người thông qua trung gian là bọ chét hoặc ve như bệnh dịch hạch, sốt xuất huyết Omsk, sốt núi đá, viêm não ngựa miền Tây…

Một số bệnh lây sang người qua vết cắn như bệnh dại, sốt do chuột cắn. Bên cạnh đó, chuột là nguồn lây bệnh nhiễm trùng tiêu hóa do vi khuẩn Salmonella thông qua việc chúng thải phân mang những chủng Salmonella gây bệnh làm ô nhiễm thức ăn, nước uống của người.

Đáng nói hơn, các bệnh do chuột lây truyền hầu hết đều chưa có vaccine phòng ngừa. Vì vậy, để phòng ngừa sự lây nhiễm các bệnh trên cho người, cần thiết phải kiểm soát sự phát triển của chuột, hạn chế sự tiếp xúc với chuột và chất thải của chúng", BS. Hồng Nga - Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM khuyến cáo.