Rủi ro thanh toán qua thẻ tại Việt Nam xuất hiện những thủ đoạn mới
Cập nhật lúc: 22/07/2019, 07:00
Cập nhật lúc: 22/07/2019, 07:00
Hội thẻ Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ) vừa tổ chức Hội nghị Quản lý rủi ro thẻ năm 2019 với chủ đề "Xu hướng rủi ro đối với các loại hình thanh toán mới".
Từ cuối năm 2018, NHNN đã ban hành Quyết định số 1927/QĐ-NHNN công bố Bộ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa là cơ sở quan trọng cho Napas triển khai nhiệm vụ. Trước đó, Napas cũng hoàn thành xây dựng bộ tiêu chuẩn, xây dựng thành công Bộ Tiêu chuẩn thẻ chip VN (VCCS - tiêu chuẩn kỹ thuật thẻ chip Việt Nam).
Nâng cấp hệ thống phát hành thẻ sẽ phải đi cùng với việc nâng cấp hệ thống chuyển mạch. Ngân hàng phải đầu tư thêm, song họ phải chấp nhận vì đây là nhu cầu tất yếu, phù hợp với xu thế chung của các quốc gia trên thế giới, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, ngăn chặn các hành vi gian lận trong hoạt động phát hành và thanh toán thẻ...
Năm 2018, số lượng giao dịch thanh toán thực hiện qua thẻ ngân hàng đạt gần 230 triệu giao dịch (tăng 19% so với năm 2017) với tổng số tiền giao dịch là 592.000 tỷ đồng. Thanh toán qua thẻ ngân hàng tăng mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, nhưng đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán thì phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn hơn, nhất là khi thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng ở Việt Nam hầu hết vẫn là thẻ từ.
Theo nhận định của chuyên gia công nghệ, đây là công nghệ của những năm 70, và tội phạm ngày nay có thể sử dụng công nghệ cao để đưa ra nhiều cách copy dữ liệu trong đó. Một số rủi ro có thể đến từ loại thẻ này như: làm giả thẻ, gian lận thẻ, sử dụng chip điện tử hoặc thiết bị đọc trực tiếp lấy trộm thông tin thẻ để thanh toán, rút/chuyển tiền... Việc làm giả thẻ được thực hiện thông qua việc đánh cắp các thông tin cá nhân và thông tin thẻ bằng cách skimming (dùng máy cà thẻ có dùng hộp quẹt thẻ có chức năng mã hoá để ghi trộm thông tin thẻ), trộm cắp thông tin trên hoá đơn cà thẻ, skimming trên ATM, sử dụng phần mềm gián điệp để trộm thông tin... Việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip để đảm bảo an toàn bảo mật ngày càng trở nên cấp bách.
Theo ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng Giám đốc Napas, lần đầu tiên ngành Ngân hàng có một bộ tiêu chuẩn chung thống nhất về sản phẩm thẻ thanh toán, giúp các ngân hàng và các hãng sản xuất thẻ và thiết bị chấp nhận thẻ dễ dàng triển khai, giúp cho khách hàng có trải nghiệm thanh toán đồng nhất trên hạ tầng thanh toán của toàn bộ các ngân hàng. Napas đã tuân thủ tiêu chuẩn VCCS theo đúng thông lệ quốc tế và các tổ chức thẻ nội địa ở các quốc gia trong khu vực và thế giới, sẵn sàng để đánh giá cho các sản phẩm thẻ, thiết bị chấp nhận thẻ và hệ thống xử lý giao dịch của các hãng sản xuất và ngân hàng.
Hiện Napas và các ngân hàng đã và đang phối hợp để thực hiện chuyển đổi thẻ và thiết bị chấp nhận thẻ theo đúng lộ trình đặt ra của NHNN. Với số lượng thẻ từ hiện tại khoảng 75 triệu thẻ, số lượng POS khoảng 300.000 chiếc, tuy nhiên, đại diện Napas cho rằng, phần lớn POS đã tuân theo Tiêu chuẩn EMV và việc nâng cấp để hỗ trợ Tiêu chuẩn thẻ nội địa không quá phức tạp.
Rủi ro thanh toán qua thẻ tại Việt Nam xuất hiện những thủ đoạn mới. Ảnh minh họa |
Theo Tiểu ban quản lý rủi ro (QLRR) Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam (Hội thẻ), tình hình rủi ro thẻ thế giới và khu vực, xu hướng rủi ro thẻ tại Việt Nam, qua đó các ngân hàng thành viên triển khai các thiết bị anti-skimming, phát hành thẻ chip nội địa, tuân thủ quy chuẩn bảo mật dữ liệu thẻ, thiết bị đầu cuối đảm bảo phòng chống skimmimg; Tích cực chia sẻ thông tin để hạn chế giảm thiểu rủi ro không chỉ về ATM skimming mà còn trong các hoạt động khác; Áp dụng các công nghệ tiên tiến, tăng cường truyền thông chủ thẻ và đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT) các biện pháp bảo mật dữ liệu thẻ, thẩm định đào tạo ĐVCNT trung gian thanh toán kiểm soát các ĐVCNT có độ rủi ro cao, tăng cường nâng cao KYC khách hàng/ĐVCNT.
Đại diện các ngân hàng thành viên Tiểu ban Quản lý rủi ro Hội thẻ (ACB, Sacombank, Vietcombank) cho rằng, các biện pháp phòng ngừa ATM Skimming, biện pháp kiểm soát ĐVCNT để tránh tình trạng ĐVCNT thanh toán khống cũng như kinh nghiệm phát hiện, phân tích và xử lý rủi ro, gian lận và một số biện pháp phòng ngừa đối với các sự vụ phát sinh trong năm 2018 tại một số ngân hàng. Các ngân hàng cũng khuyến cáo nên triển khai PCI DSS để đảm bảo tính bảo mật dữ liệu tốt hơn.
Ông Lê Thanh Hà, Trưởng Tiểu ban Quản lý rủi ro (QLRR) Hội thẻ cho biết, Việt Nam đang kiểm soát tương đối tốt so với khu vực và toàn cầu về hoạt động thanh toán, tình hình rủi ro cũng có dấu hiệu giảm hơn so với các năm trước. Thành công này phần lớn là do sự chủ động kiểm soát từ các ngân hàng thành viên (NHTV) và cả nỗ lực duy trì hoạt động thường xuyên, kịp thời của Tiểu ban Quản lý rủi ro Hội thẻ Ngân hàng…
Đại diện Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam – Napas, thành viên Hội thẻ, đã giới thiệu tổng quan việc triển khai chuyển đổi theo Bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa Việt Nam – VCCS. Theo đó, hiện có 7 ngân hàng, 3 công ty thẻ, 4 công ty thiết bị đầu cuối đã được cấp chứng nhận VCCS.
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, thời gian qua, NHNN đã phát hiện các rủi ro và gian lận với phương thức và thủ đoạn mới xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, qua thống kê, đánh giá và so sánh với các nước trên thế giới có thể thấy rằng hoạt động thanh toán của Việt Nam hiện nay vẫn được đảm bảo an toàn, với số lượng, tỷ lệ sự cố và vụ việc gian lận xảy ra không nhiều. Tỷ lệ rủi ro qua thanh toán thẻ tại Việt Nam cũng khá thấp, chỉ bằng 1/3 so với tỷ lệ trung bình trên toàn thế giới (theo báo cáo của tổ chức thẻ Visa và MasterCard).
Về việc giám sát quản trị rủi ro trong thanh toán thẻ và hoạt động trung gian thanh toán của NHNN, hiện NHNN đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ trung gian thanh toán, cơ chế chia sẻ phí cho các giao dịch thanh toán thẻ nội địa trên ATM/POS, chế tài xử lý vi phạm trong thanh toán thẻ và trung gian thanh toán...
Nguồn: https://tbck.vn/rui-ro-thanh-toan-qua-the-tai-viet-nam-xuat-hien-nhung-thu-doan-moi-42703.html
07:00, 10/07/2019
22:27, 17/06/2019
16:40, 13/06/2019