21/11/2024 | 23:53 GMT+7, Hà Nội

Rộ nạn “bùng nợ” vay tiêu dùng

Cập nhật lúc: 11/04/2023, 10:11

Trước làn sóng “bùng nợ” của nhiều nhóm người đi vay cùng với hành lang pháp lý chưa đủ chặt chẽ để buộc người vay phải có trách nhiệm trả nợ, các công ty tài chính buộc phải có động thái siết cho vay mới.

Dịch vụ vay tiêu dùng, vay trực tuyến "nở rộ", thủ tục vay tiền quá đơn giản khiến nhiều khách hàng dưới chuẩn cũng dễ dàng tiếp cận các khoản vay. Tuy nhiên, nhiều người vay không thể phân biệt hay lựa chọn tổ chức cho vay uy tín, không tìm hiểu lãi suất để rồi khi kinh tế rơi vào khó khăn, người vay mất khả năng trả nợ dẫn tới tâm lý muốn trốn nợ.

Nhiều hội nhóm xuất hiện

Thời gian gần đây, hàng loạt hội nhóm trên mạng xã hội được lập ra với mục đích chia sẻ kinh nghiệm "bùng nợ" các công ty tài chính và app vay tiền online. Đáng nói là mỗi hội nhóm có hàng chục đến hàng trăm ngàn thành viên như: "Hội bùng app vay tiền và chia sẻ cách đối phó" (175.000 thành viên); nhóm "Chuyên tư vấn bùng nợ - xóa nợ xấu" (126.000 thành viên); "Tư vấn bùng nợ thẻ tín dụng và vay tiêu dùng" (27.000 thành viên)… Nội dung được trao đổi trong các hội nhóm này chủ yếu chia sẻ về câu chuyện không trả được nợ, xin tư vấn về cách đối phó, "bùng nợ" của các thành viên.

Không ít những trường hợp người đi vay từ chỗ có ý thức trả nợ khi chủ động tìm hiểu về thủ tục xin gia hạn thanh toán do tạm thời mất khả năng tài chính vì lý do mất việc, gặp biến cố trong cuộc sống... đã nhanh chóng chuyển biến sang tư tưởng "bùng nợ" khi được rất nhiều thành viên trong hội nhóm cổ xúy, kích động theo kiểu: "Đã bùng được gần 5 năm", "Cứ bùng, không sao hết", "Càng trả càng nợ, bùng là hết nợ". Như vậy, tư tưởng "bùng nợ" khi được cổ súy, phổ biến ở nhóm đông người khiến người vay tin rằng họ có quyền không trả nợ, còn việc thu hồi nợ của các công ty tài chính là bất hợp pháp.

các công ty tài chính buộc phải có động thái siết cho vay mới bảo đảm an toàn vốn và kiểm soát nợ xấu.
Các công ty tài chính buộc phải có động thái siết cho vay mới bảo đảm an toàn vốn và kiểm soát nợ xấu.

Theo một số chuyên gia tài chính, pháp luật Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm của người đi vay trong việc trả nợ với các khoản vay công ty tài chính nên hiện có xu hướng tiêu cực là cố tình "bùng nợ". Việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường, bởi các doanh nghiệp phải siết lại việc giải ngân khoản vay, thậm chí tăng lãi suất để bù lại rủi ro. Và khi cánh cửa dẫn tới công ty tài chính tiêu dùng chính thống của những khách hàng dưới chuẩn ngân hàng bị thu hẹp lại, cũng là lúc "tín dụng đen" với lãi suất "cắt cổ" có cơ hội bùng phát, bất chấp những nỗ lực của các cơ quan quản lý trong công tác đẩy lùi "tín dụng đen" suốt thời gian vừa qua.

Siết chặt cho vay

Hiện nay, các công ty tài chính cũng thừa nhận thực trạng khó thu hồi nợ do các khách hàng chây ì trả nợ. Thậm chí, nhiều khách hàng còn thách thức, đe dọa ngược lại nhân viên thu hồi nợ.

Tại cuộc họp mới đây của CLB Tài chính tiêu dùng trực thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đại diện một công ty tài chính nêu thực trạng: "Nhiều khách hàng chủ đích đi vay để "bùng nợ", nhiều hội nhóm chia sẻ cách "bùng nợ" ngân hàng và công ty tài chính. Nhân viên thu hồi nợ của các công ty tài chính gọi điện thu hồi thì lập tức khách hàng hù dọa sẽ khiếu nại lên báo chí".

Một đại diện công ty tài chính khác cho biết: "Khách hàng từ chối trả nợ tăng lên rất nhiều. Tình hình này buộc chúng tôi phải tập trung vào nhóm khách hàng tốt, những nhóm khách hàng dưới chuẩn hầu như không thu hồi được. Chấp nhận siết cho vay để khả năng thu hồi được nợ cao. Vì thế, về lâu dài thì người lao động sẽ chịu thiệt".

Trước tình hình người vay bùng nợ nhiều như hiện nay, công ty tài chính FE CREDIT cũng đề nghị các cơ quan, ban ngành cần có chế tài với người đi vay, phải thực hiện nghiêm các nghĩa vụ, tuân thủ các quy định trả nợ để hình thành một thói quen "vay văn minh, trả văn minh".

Theo đại diện công ty tài chính này, để ứng phó với làn sóng "bùng nợ" và nguy cơ nợ xấu tăng cao, chủ trương của FE CREDIT là rà soát và phân loại lại tệp khách hàng, tạm ngưng giải ngân với phân khúc khách hàng rủi ro cao, tập trung vào nhóm khách hàng có lịch sử tín dụng tốt.

Tuy nhiên, về lâu dài, đại diện các công ty tài chính cũng cho rằng cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng nhằm dẹp bỏ tình trạng "bùng nợ" đang lây lan rộng, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của người đi vay, tạo động lực cho thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh. Đồng thời, khi ý thức trả nợ của người vay tăng cao sẽ giúp giảm tỉ lệ rủi ro cho thị trường, là tiền đề cho mặt bằng lãi suất thấp hơn cho người vay.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ro-nan-bung-no-vay-tieu-dung-20201231000009459.html